Thuế quan của Mỹ trước giờ G: Lựa chọn nào cho các đối tác?
Trong một động thái được đánh giá là quyết liệt nhưng đầy rủi ro, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ bắt đầu tái áp đặt hàng loạt mức thuế quan cao từ ngày 1/8 tới nếu các đối tác thương mại không đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Đây không chỉ là thông báo về một chính sách kinh tế, mà còn là lời cảnh báo rõ ràng gửi đến hơn 100 quốc gia: hoặc chấp nhận các điều kiện thương mại của Mỹ hoặc chịu mức thuế cao chưa từng có.

Quang cảnh cảng hàng hóa tại Bayonne, New Jersey, Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Thông điệp này được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh trong các cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình cuối tuần qua. Ông cho biết, nếu các nước không đạt tiến triển đáng kể trong đàm phán, các mức thuế đã tạm hoãn sẽ được khôi phục đầy đủ từ đầu tháng 8/2025, mà không có thêm bất kỳ ân hạn nào.
Tối hậu thư kinh tế
Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi không đặt ra thời hạn mới. Ngày 1/8 đơn giản là thời điểm các mức thuế sẽ có hiệu lực nếu đàm phán không có tiến triển”. Thay vì kiên nhẫn đàm phán từng thỏa thuận, Tổng thống Trump chọn cách gửi thư cảnh báo trực tiếp đến từng đối tác. Ông Trump cho biết sẽ bắt đầu gửi thư thông báo mức thuế quan và thỏa thuận thương mại tới các quốc gia khác vào 12h trưa 7/7 (tức 23h cùng ngày theo giờ Việt Nam), trước thời hạn để các mức thuế đang tạm hoãn có hiệu lực trở lại. Hơn 100 quốc gia dự kiến sẽ nhận thư, trong đó khoảng 12-15 nước đã được gửi đầu tiên. Những quốc gia này - phần lớn là các nền kinh tế nhỏ - hiện đã chịu mức thuế cơ bản 10% và có thể đối mặt với thuế suất từ 50% đến 70% nếu không nhượng bộ.
Chiến thuật này cho thấy cách tiếp cận thương mại “khác biệt” của ông Trump: dùng đe dọa thuế quan như đòn bẩy chính để thúc đẩy các thỏa thuận. Theo cách hiểu của Nhà Trắng, nếu các nước cảm nhận rõ mối đe dọa, họ sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán.
Thực tế cho thấy một số quốc gia đã bắt đầu hành động. Mỹ xác nhận đã đạt được thỏa thuận khung với Anh. Các nước như Ấn Độ, Thái Lan và Campuchia cũng đang gấp rút hoàn tất đàm phán. Tuy nhiên, nhiều đối tác khác, đặc biệt là Nhật Bản và một số nước châu Âu, vẫn tỏ ra thận trọng hoặc yêu cầu thêm thời gian.
"Con dao hai lưỡi"
Với Tổng thống Trump, thuế quan không chỉ là công cụ kinh tế mà còn là phương tiện mặc cả đầy sức nặng. Mục tiêu là buộc các nước phải hạ thuế, mở cửa thị trường và dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo chiến lược này có thể phản tác dụng nếu bị lạm dụng.
Một mặt, việc áp thuế cao có thể giúp Mỹ gây sức ép ngắn hạn và đạt được một số nhượng bộ từ đối tác. Nhưng mặt khác, điều đó cũng làm gia tăng nguy cơ bị trả đũa thương mại, khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh và gây bất ổn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Nhiều nước đang cố gắng đàm phán để tránh các mức thuế từ 36% đến gần 50%, trong khi các nền kinh tế lớn như châu Âu vẫn giữ thái độ dè chừng.
Các quan chức Nhà Trắng cho rằng thuế quan sẽ không gây ra lạm phát kéo dài, nhưng nhiều nhà kinh tế không đồng tình. Họ cảnh báo rằng việc áp thuế hàng loạt có thể khiến chi phí đầu vào tăng vọt, buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán và làm giảm sức mua trong nước vào lúc kinh tế toàn cầu đang phục hồi mong manh.
Lựa chọn khó khăn
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, các động thái thương mại của ông Trump cũng mang màu sắc chính trị rõ rệt. Ông muốn thể hiện rằng mình đang bảo vệ lợi ích của nước Mỹ, buộc các nước khác phải “chơi theo luật của Mỹ”. Tuy nhiên, lựa chọn này đẩy các nước nhỏ - những đối tác không có nhiều lựa chọn thay thế thị trường - vào thế khó.
Họ buộc phải chọn giữa hai phương án: hoặc nhượng bộ nhanh để tránh thuế, hoặc chấp nhận đối đầu và chịu rủi ro lớn về kinh tế. Với hơn 100 quốc gia đang trong “danh sách thư cảnh báo”, cục diện thương mại toàn cầu những tuần tới sẽ rất căng thẳng.
Chính quyền Mỹ đang dùng thuế quan như một công cụ tạo áp lực mạnh chưa từng có để tái định hình quan hệ thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, chiến lược này là một “con dao hai lưỡi”. Nếu quá cứng rắn, Mỹ có thể đạt được những thỏa thuận ngắn hạn, nhưng phải trả giá bằng niềm tin lâu dài của đối tác và sự ổn định kinh tế trong nước.