Khi châu Âu ngày một khắt khe với Apple

Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất Apple mở hệ điều hành iOS cho các đối thủ cạnh tranh, một động thái bị đánh giá có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của 'ông lớn' công nghệ này.

Biểu tượng Apple tại một cửa hàng ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng Apple tại một cửa hàng ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

EU được cho là đang can thiệp quá sâu khi yêu cầu Apple loại bỏ lợi thế cạnh tranh mà tập đoàn đã xây dựng thông qua các tính năng độc quyền, trong khi phải cung cấp khả năng tương thích cho các đối thủ.

Từ khi Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của EU có hiệu lực vào tháng 11/2022, Apple đã phải đối mặt với một loạt quy định được xây dựng nhằm hạn chế sức mạnh của một tập đoàn công nghệ lớn.

EU đã sử dụng quyền lực của mình để yêu cầu Apple thực hiện các thay đổi kỹ thuật, với tuyên bố là nhằm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng EU. Một số ví dụ tiêu biểu bao gồm yêu cầu Apple áp dụng tiêu chuẩn cổng sạc USB-C thay vì cổng sạc Lightning và việc cho phép người dùng cài đặt ứng dụng từ nguồn bên ngoài cửa hàng ứng dụng App Store (còn gọi là sideloading).

Đa phần người tiêu dùng đều ủng hộ những yêu cầu này. Apple cũng đã tuân thủ, nhưng cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn - đặc biệt là về việc sideloading. Apple cho rằng điều đó sẽ làm gia tăng những rủi ro cho người dùng. Việc rủi ro này chưa trở thành hiện thực có thể do đa số người dùng iPhone vẫn tin tưởng và sử dụng App Store.

Có ý kiến cho rằng những thay đổi này không thực sự xuất phát từ nhu cầu của người dùng, mà chủ yếu đến từ EU và một số công ty phần mềm. Trong trường hợp USB-C, nhiều người tin rằng Apple đã có kế hoạch chuyển đổi, nhưng áp lực từ EU đã đẩy nhanh quá trình này.

Hiện tại, EU tiếp tục yêu cầu Apple mở chín tính năng cốt lõi của iOS, trong đó có thông báo đẩy cho đồng hồ thông minh không phải của Apple, kết nối liền mạch giữa tai nghe không phải của Apple và thiết bị Apple. Cùng với đó, EU yêu cầu Apple “mở” iOS cho các phần mềm bên thứ ba và đảm bảo chúng hoạt động tốt như phần mềm gốc khi sử dụng tính năng AirPlay và AirDrop (hai tính năng cho phép truyền tải hình ảnh, âm thanh, video giữa các thiết bị Apple được kết nối cùng một mạng wifi mà không cần dây cáp).

Apple bày tỏ không hài lòng với những yêu cầu này và chia sẻ quan điểm với báo giới rằng, các quyết định của EU tạo ra những rào cản hành chính, làm chậm quá trình đổi mới của Apple cho người dùng ở châu Âu và buộc tập đoàn phải cung cấp miễn phí các tính năng mới cho những bên không phải tuân thủ các quy tắc tương tự. Điều này gây bất lợi cho sản phẩm của Apple và người dùng tại châu Âu.

Có thể thấy Apple đang cảm thấy áp lực từ các quy định từ EU, khi mục tiêu của khối này bị cho là nhằm làm suy yếu Apple và hỗ trợ các đối thủ cạnh tranh.

AirDrop là một ví dụ điển hình. Tính năng này được ra mắt trên iOS 7 hơn một thập kỷ trước, giúp tạo ra một mạng kết nối trực tiếp giữa các thiết bị Apple. Sau giai đoạn đầu còn bỡ ngỡ và gặp nhiều tình huống khó chịu, người dùng Apple đã quay sang ủng hộ và sử dụng ngày càng phổ biến tính năng này. Apple cũng cải thiện đáng kể cách điều khiển AirDrop.

Có thể nói, sự thành công của AirDrop đã thúc đẩy các tính năng tương tự trên Android, như Quick Share của Samsung.

Câu hỏi được đặt ra là liệu có hợp lý khi yêu cầu một công ty phải tạo điều kiện cho các đối thủ cạnh tranh trên chính nền tảng của chính mình, đặc biệt khi các đối thủ này có đủ khả năng để phát triển các giải pháp tương tự.

Đây là yêu cầu mà EU đang đặt ra cho Apple với lý do là các đối thủ của “Táo khuyết” không thể cạnh tranh sòng phẳng nếu không có sự can thiệp của khối này. Theo quan điểm của EU, cần có một sân chơi bình đẳng cho tất cả các đối thủ cạnh tranh ngay cả khi có một công ty vượt trội hơn về khả năng đổi mới.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Samsung không thực sự cần sự hỗ trợ của EU. Việc EU can thiệp vào thị trường hiện có thể mang lại lợi ích cho họ, nhưng cũng không loại trừ khả năng họ sẽ bị nhắm đến sau này.

Bên cạnh đó, Apple đã xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, có tính liền mạch và tiện lợi cao, mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.

Điều này hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến việc người tiêu dùng lựa chọn các thiết bị như đồng hồ thông minh và tai nghe. Nhưng đây không nên bị coi là một lợi thế không công bằng mà đó là kết quả của kỹ thuật, công nghệ và nghiên cứu của Apple. Các quy định của EU có thể xóa bỏ những yếu tố độc đáo và khiến Apple trở nên "bình thường" hơn, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm xuyên suốt của người dùng khi họ đã lựa chọn trả một mức giá cao hơn cho các sản phẩm và dịch vụ của Apple.

Việc kết hợp các sản phẩm từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, như Apple, Samsung Google, OnePlus và Microsoft không có gì sai khi đây cũng là điều EU muốn người tiêu dùng hướng đến. Tuy nhiên, việc sử dụng toàn bộ sản phẩm của Apple cũng không phải điều gì tiêu cực.

EU cần cân nhắc kỹ lưỡng các yêu cầu và chỉ nên can thiệp khi người tiêu dùng thực sự bị tổn hại. Trong trường hợp này, vấn đề dường như chỉ là một số công ty nhỏ không thể cạnh tranh thành công với Apple.

Điều đáng chú ý là những quy định của EU có thể có tác động lan rộng, ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu chứ không chỉ giới hạn ở châu Âu. Nhiều người có thể nghĩ đây chỉ là một vấn đề của riêng EU, nhưng lịch sử cho thấy những gì bắt đầu ở châu Âu thường cũng tác động tới Mỹ và các thị trường toàn cầu.

Hương Thủy/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/khi-chau-au-ngay-mot-khat-khe-voi-apple-20250406215312832.htm