Khi chính trị thực dụng lên tiếng

Trong bối cảnh bị đe dọa bởi một cuộc khủng hoảng năng lượng và đang đối diện với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu xem xét lại chính sách dựa trên công kích và trừng phạt của mình đối với Venezuela. Bên cạnh đó, ông đang chuẩn bị thực hiện chuyến công du Trung Đông với 2 điểm đến quan trọng là Israel và Saudi Arabia.

Hi vọng Trung Đông mở thêm van dầu

Chuyến thăm Trung Đông vào giữa tháng tới là chuyến công du đầu tiên của ông Joe Biden kể từ khi đắc cử tới khu vực này. Lịch trình của Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ tới Israel, Bờ Tây nhưng đáng quan tâm hơn cả chính là điểm đến Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu số một thế giới. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ có thể tác động gì để Riyadh và các nước Vùng Vịnh mở thêm van dầu, bình ổn thị trường? 3 triệu thùng dầu/ngày là con số sản lượng mà Saudi Arabia và quốc gia láng giềng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất được cho còn có thể tăng thêm.

Nhưng trang báo Arabian Business thẳng thắn nhìn nhận, Tổng thống Mỹ khó mà thuyết phục được Saudi Arabia hay Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất tung nốt số dầu này vào thị trường. Bởi đó cũng chính là phần sản lượng dự phòng cuối cùng mà họ còn để các nước này có thể sử dụng trong tình huống khẩn cấp.

Một mục tiêu được cho sẽ nằm trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden là kéo Riyadh trở lại với Washington; giảm bớt nếu không thể xóa bỏ những mối liên hợp giữa Saudi Arabia và Nga hiện nay trên thị trường dầu. Nhưng trang Arab Weekly bình luận, những liên kết trong OPEC+ hiện nay sẽ khó mà bị phá vỡ. Các quốc gia Vùng Vịnh cho tới nay vẫn để ngỏ khả năng thế giới có thể rơi vào một trạng thái thừa dầu đột ngột, trước nguy cơ suy thoái trên diện rộng của các nền kinh tế. Buông tay Nga lúc này nghĩa là họ sẽ đánh mất hoàn toàn khả năng chi phối thị trường dầu.

Một yếu tố khác cũng khiến chuyến công du của Tổng thống Mỹ được dự báo khó mang lại kết quả gì rõ ràng trên thị trường dầu đó là thực tế, giá xăng dầu thành phẩm hiện nay bị đẩy lên mức kỷ lục - một phần không nhỏ chính là do tình trạng thiếu hụt các nhà máy lọc dầu. Thời gian qua, nhiều nhà máy lọc dầu trên thế giới bị các nước cho dừng hoạt động. Sự khan hiếm các cơ sở lọc dầu đang khiến mỗi thùng dầu bị đội thêm 40 - 50 USD/thùng để trở thành xăng dầu thành phẩm đến tay người tiêu dùng.

Song ở chiều ngược lại, Tổng thống Joe Biden hẳn cũng nhận thức rõ cả thế giới sẽ nhìn và bình luận những kết quả của ông tại Trung Đông. Khó mà có chuyện Tổng thống Mỹ tiến hành một chuyến công du mà lại thấy trước bại nhiều hơn thành. Báo Haaretz của Israel lập luận, có thể Tổng thống Mỹ sẽ khó đạt được những bước tiến rõ ràng trong việc cải thiện giá dầu trước mắt nhưng ông sẽ cố ghi điểm ở những mục tiêu xa hơn, trong đó có thể có cả việc đặt nền móng cho một trục liên kết Vùng Vịnh - Israel. Lấy Israel là cánh tay nối dài để Mỹ duy trì tầm ảnh hưởng khu vực, từ đó Washington có thể tập trung hơn cho các mục tiêu ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Nicolas Maduro. Ảnh: Bloomberg.

Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Nicolas Maduro. Ảnh: Bloomberg.

Nới lỏng trừng phạt với Venezuela

Bước đi mới đây của Washington với Caracas, với việc cho phép tập đoàn dầu khí xuyên quốc gia của Mỹ Chevron được trở lại hoạt động tại Venezuela, diễn ra đồng thời với việc nới lỏng một số hạn chế về kiều hối, du lịch và thị thực mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt lên Venezuela, và phản ánh nỗ lực chỉnh sửa diện mạo của Mỹ tại khu vực trước thềm một Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ đang có nguy cơ trở thành “vết nhơ” ngoại giao. Những lời phản đối đồng loạt tại khu vực Mỹ Latin-Caribe và tuyên bố của một số nguyên thủ không dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần 9 dự kiến vào tháng 6 tới tại Los Angeles do quyết định loại bỏ Venezuela, Cuba và Nicaragua là một thách thức đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden hiểu rằng, ảnh hưởng của Mỹ về kinh tế, thương mại và đầu tư tại khu vực đang bị thách thức bởi Trung Quốc, nước đã có những bước tiến đáng kể nhờ vào những thỏa thuận đối tác chiến lược và mô hình cam kết song phương không đi kèm các điều kiện ngăn cản hội nhập kinh tế và duy trì sự phụ thuộc về địa chính trị. Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng mục tiêu của Washington nhằm phản công lại các bước tiến của Bắc Kinh sẽ đồng nghĩa với việc chia rẽ khu vực và định hướng các nước trong khía cạnh địa chính trị.

Trở lại với Venezuela, Chevron đã tiến hành vận động hành lang tại Nhà Trắng ngay từ khi ông Joe Biden bắt đầu nhiệm kỳ mới để tái khởi động hoạt động tại Venezuela. Về mặt kỹ thuật, tập đoàn khổng lồ này của Mỹ chưa bao giờ rời khỏi quốc gia Nam Mỹ này khi vẫn duy trì biên chế nhân sự và các hoạt động duy tu bảo dưỡng để chờ đợi sự trở lại công khai - bước đi vừa được phê duyệt. Đây là biện pháp có thể mang lại những tổn thất chính trị nhất định cho Đảng Dân chủ cầm quyền trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Vì vậy, Nhà Trắng đã chọn lựa lập luận về một “hành động thiện chí” với mục đích bề ngoài là khuyến khích tái khởi động đối thoại giữa Chính phủ Venezuela với phe đối lập bị gián đoạn tại Mexico. Nhưng tất nhiên, mục tiêu không “thánh thiện” như vậy.

Dầu thô của Venezuela, vốn bị gạt ra khỏi các cơ sở lọc dầu của Mỹ từ năm 2017, nay lại trở thành nhu cầu cấp thiết của chính quyền Biden trong nỗ lực tái cân bằng bản đồ năng lượng của mình giữa cuộc chiến tại Ukraine, cuộc “cãi vã” với OPEC và các lệnh trừng phạt nặng nề với Iran và Venezuela - hai nhà sản xuất lớn của thế giới. Với luận điệu hỗ trợ đàm phán, Washington muốn giảm nhẹ tính cấp bách của nhu cầu tiếp cận nguồn dầu tại Venezuela. Cần nhớ rằng bước đi đầu tiên được Mỹ tiến hành từ hồi tháng 3/2022, với chuyến công du của một nhóm quan chức Mỹ tới Caracas và tiếp kiến Tổng thống Nicolas Maduro, diễn ra song song với động thái cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga. Trong hoàn cảnh này, khả năng gỡ bỏ một phần các trừng phạt của Mỹ áp đặt với Venezuela đang tiến triển cùng với các cuộc đàm phán của chính phủ với Nền tảng Hợp nhất của Venezuela - khối đối lập thân Mỹ.

Ai được và ai mất trong cuộc đàm phán này? Dường như đã khá rõ rằng Washington đang mạo hiểm hơn Caracas. Khác với người đồng cấp Joe Biden, ông Nicolas Maduro không phải chịu tổn thất chính trị trong nước với bước đi này. Thậm chí là ngược lại, sự tái kích hoạt ngành công nghiệp dầu khí đồng nghĩa với những đồng USD “tươi” sẽ đổ vào ngân khố giúp Venezuela thúc đẩy nền kinh tế trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024, mà tới nay ứng cử viên chắc chắn duy nhất chính là ông Nicolas Maduro.

Minh Hải (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/khi-chinh-tri-thuc-dung-len-tieng-i658554/