Khi cộng đồng chung tay, nghèo khó không còn là nỗi lo

Giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Long An cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chung tay, góp sức chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để họ vươn lên trong cuộc sống.

Đa dạng cách thức giúp các hộ dân giảm nghèo (Trong ảnh: Trao tặng mái ấm tình thương cho phụ nữ gặp khó khăn về nhà ở)

Đa dạng cách thức giúp các hộ dân giảm nghèo (Trong ảnh: Trao tặng mái ấm tình thương cho phụ nữ gặp khó khăn về nhà ở)

1. Với phương châm bám sát cơ sở, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh được xem như “cánh tay nối dài” đưa các chính sách hỗ trợ đến gần hơn với người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Lê Hoàng Phụng (xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) bị khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vợ chồng anh vẫn không chùn bước. Năm 2021, sau khi được UBMTTQ Việt Nam huyện Thủ Thừa hỗ trợ số vốn 10 triệu đồng, anh mua thêm hàng hóa mở rộng buôn bán, còn vợ anh bán vé số dạo. Và chỉ trong một thời gian ngắn sau khi được hỗ trợ, gia đình anh nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Anh Phụng nói: “Tôi sinh ra đã không lành lặn như bao người nhưng nhờ sự quan tâm, động viên, tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Vợ chồng tôi có một đứa con gái nên cố gắng vượt lên số phận, làm ăn để nuôi con học hành đàng hoàng”.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, anh Lê Hoàng Phụng (xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) có điều kiện mua thêm hàng hóa về bán

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, anh Lê Hoàng Phụng (xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) có điều kiện mua thêm hàng hóa về bán

Thông tin từ UBMTTQ Việt Nam tỉnh, hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, MTTQ Việt Nam cùng các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nổi bật là hoạt động hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh, phương tiện sản xuất, giới thiệu việc làm theo mô hình giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2019-2024, đã giúp 1.185 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Đỗ Thanh Hùng tặng quà cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn

Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Đỗ Thanh Hùng tặng quà cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn

MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần "tương thân, tương ái", ủng hộ kinh phí giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, người bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh,... vượt qua khó khăn, hoạn nạn, vươn lên trong cuộc sống với tổng số tiền vận động từ năm 2019 đến nay là hơn 170,6 tỉ đồng, trong đó, Quỹ Vì người nghèo gần 118 tỉ đồng, hiện vật trị giá hơn 52,6 tỉ đồng. Phương thức vận động, giúp đỡ có nhiều đổi mới.

Trong đó, MTTQ Việt Nam vừa vận động các nguồn lực cho Quỹ Vì người nghèo các cấp, vừa làm “cầu nối” để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trực tiếp hỗ trợ người nghèo; hiệp thương để mỗi tổ chức chính trị - xã hội nhận giúp đỡ các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh chủ trì phối hợp các tổ chức thành viên kịp thời triển khai các hoạt động cứu trợ, nhân đạo - từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, gặp hoạn nạn,...

2. Trước đây, gia đình chị Trần Thị Liên (ấp Tân Hòa, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ) thuộc diện hộ nghèo ở xã. Chị Liên được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã giới thiệu vay vốn 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Đến nay, chị sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả vào việc nuôi bò.

Song song với hỗ trợ vốn vay, năm 2024, gia đình chị còn được hỗ trợ xây dựng nhà mới với tổng kinh phí 150 triệu đồng. Trong đó, Hội LHPN huyện Đức Huệ vận động nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng, phần còn lại do người thân và gia đình đóng góp.

Chị Trần Thị Liên (ấp Tân Hòa, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, bên phải) may gia công để kiếm thêm thu nhập

Chị Trần Thị Liên (ấp Tân Hòa, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, bên phải) may gia công để kiếm thêm thu nhập

“Tôi không biết nói gì hơn ngoài cảm ơn chính quyền các cấp cũng như các nhà hảo tâm đã tạo điều kiện, hỗ trợ vốn nuôi bò và xây tặng nhà tình thương. Nhờ đó, cuộc sống gia đình tôi dần cải thiện. Tôi tiếp tục lao động để vươn lên trong cuộc sống” - chị Liên chia sẻ.

Ngoài nuôi bò, chị Liên còn tranh thủ thời gian rảnh để may gia công kiếm thêm thu nhập. Hiện gia đình chị đã thoát nghèo, dự kiến thoát cận nghèo trong năm 2024.

Không riêng chị Liên, nhiều PN khác cũng được các cấp Hội LHPN trong tỉnh trao “cần câu” thông qua nguồn vốn hỗ trợ, các dự án, phương tiện sinh kế,... để làm kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh - Đặng Thị Ngọc Mai cho biết: "Hội LHPN các cấp luôn xác định phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội; chăm lo cho các tầng lớp PN, đặc biệt là PN yếu thế.

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo rà soát, xác định nguyên nhân nghèo, cận nghèo. Qua đó, nắm rõ hoàn cảnh, điều kiện sống, số người có khả năng lao động, nghề nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo, nhu cầu và năng lực của hộ gia đình để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp với từng đối tượng.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu PN tỉnh lần thứ X, các cấp Hội đã hỗ trợ 1.292/1.250 (đạt 103,36%) hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo (trung bình hàng năm, Hội hỗ trợ 646/300 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra).

3. Theo Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững. Phong trào này trong thời gian qua góp phần cải thiện đời sống người dân. Các dịch vụ cơ bản: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin, vay vốn ưu đãi đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Trên địa bàn tỉnh, việc triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo luôn được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hỗ trợ của UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội; sự phối hợp, quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Đó là các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến công, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý,...

Song song đó, tỉnh còn kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ Vì người nghèo để có điều kiện giúp đỡ người nghèo trong tỉnh phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, các dự án, mô hình sinh kế tại cơ sở đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và là “điểm tựa” để các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để công tác giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, bên cạnh hỗ trợ kịp thời các chế độ, chính sách, điều quan trọng nhất vẫn là khơi dậy ý thức, quyết tâm tự vươn lên thoát nghèo của người dân./.

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khi-cong-dong-chung-tay-ngheo-kho-khong-con-la-noi-lo-a180397.html