Khi 'đại gia' cũng ra... vỉa hè
Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, nhiều DN lớn, có thương hiệu cũng lao đao và phải hạ mình để kéo khách nhằm giữ doanh thu.
Tự cứu
Hàng loạt thương hiệu cao cấp từ thức ăn nhanh, cà phê… trước nay chỉ phục vụ tại chỗ thì nay đã bắt nhịp nhanh với xu hướng “take away” (bán mang đi).
7h sáng trên đường Đào Duy Từ (quận 10, TPHCM), cạnh trường Đại học Kinh tế TPHCM, nhân viên cửa hàng Otoke Chicken đã bày biện nhiều loại bánh mì, hamburger với giá sale để thu hút khách. “Trước kia muốn mua thì mình phải gửi xe, vào cửa hàng đặt món, chờ đợi khá lâu. Nay, nhiều chi nhánh các hệ thống này đưa hàng ra tận vỉa hè, chỉ cần ngồi trên xe sẽ có nhân viên phục vụ tận nơi, vô cùng tiện lợi. Chưa kể, giá cả cũng rất cạnh tranh, như chiếc bánh mì chỉ có giá 19.000 đồng khi mua mang đi, ngoài ra quầy hàng cũng có menu để khách có nhu cầu lựa thêm món” - chị Minh Nhị (nhân viên văn phòng) cho biết.
Nhiều chuỗi F&B (Food and Beverage Service: dịch vụ nhà hàng và quầy uống) lớn tại TPHCM có động thái đưa các ki-ốt nhỏ ra vỉa hè để kinh doanh. Trên đường Hoàng Diệu (quận 4, TPHCM), McDonald’s cũng đặt ki-ốt có hamburger và cà phê trước cửa hàng. Đưa hàng ra vỉa hè của các thương hiệu lớn được các DN cà phê tận dụng triệt để. Highlands là một trong những “brand” (nhãn hiệu) đầu tiên triển khai mô hình này tại Việt Nam, đưa những ly cà phê với giá rẻ hơn, nhanh chóng hơn tại những địa điểm đông đúc người dân như tại quận 1 hay các ngã 5 nổi tiếng.
Vinacafe là một thương hiệu chỉ sản xuất cà phê đóng gói, thế nhưng Tổng công ty Cà phê Việt Nam cũng chọn cách ra “vỉa hè” để thu hút khách hàng về cho mình. Hiện tại, những xe cà phê của thương hiệu này tập trung chủ yếu ở quận Phú Nhuận và Bình Thạnh, những xe bán hàng được trang trí bắt mắt với tông màu chủ đạo là màu vàng (màu nhận diện của thương hiệu). Giá của những ly cà phê “Take away” cũng khá rẻ, chỉ 12.000 đồng cho cà phê đen và 14.000 đồng cho cà phê sữa; hoặc tùy size do khách chọn, nhưng cũng chỉ tầm 29.000-30.000 đồng/ly.
Tuy nhiên, các thương hiệu “đại gia” vẫn còn khá dè dặt khi đưa hàng xuống vỉa hè. Do đó, chỉ một số cửa hàng nằm trên tuyến đường sầm uất mới có mô hình này chứ chưa áp dụng đại trà trên toàn hệ thống. Trong tất cả, Ông Bầu chính là thương hiệu chú trọng tới mô hình này nhất. Sở dĩ họ dám đặt mục tiêu có 10.000 quán cà phê mang thương hiệu Ông Bầu tới năm 2022 là dựa vào việc phát triển thật mạnh mô hình quán nhỏ và ki-ốt ở phố.
Khách sạn 5 sao giá 1 sao
Cuối tuần vừa qua, gia đình anh Minh Khang (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) chuẩn vị hành lý đi nghỉ dưỡng, nhưng không đi xa mà chọn khách sạn cao cấp ngay trong thành phố để... thử cảm giác thượng lưu.
“Dịch bệnh COVID-19 nên chúng tôi ngại đi chơi xa. Tình cờ biết các khách sạn đang có giảm giá “sập sàn” nên đưa cả nhà vào trải nghiệm. 3 người ở phòng VIP “5 sao”, vui chơi 3 ngày 2 đêm nhưng chi phí chưa tới 5 triệu đồng - điều không thể xảy ra so với trước đây” - anh Khang nói.
Theo Sở Du lịch TPHCM, từ nay đến cuối năm, hàng loạt khách sạn trên địa bàn thành phố sẽ giảm giá lên đến 60% hoặc giảm giá kết hợp tặng các sản phẩm dịch vụ kèm theo như đưa đón sân bay, dịch vụ spa, giặt ủi miễn phí... nhằm kích cầu du lịch, kéo khách sử dụng dịch vụ.
LOTTE Hotel Saigon ưu đãi lên đến 32% giá phòng, bao gồm ăn sáng và miễn phí hủy phòng. Giá phòng từ gần 2 triệu đồng/đêm; ưu đãi 20% các dịch vụ spa; ưu đãi 20% dịch vụ ẩm thực (không áp dụng cho sự kiện)… Phòng thương gia của khách sạn Rex giá từ 7 triệu rớt xuống còn hơn 2 triệu đồng/đêm.
Khách sạn Grand giảm giá còn từ 1,69 triệu đồng/đêm/phòng và tặng thêm ưu đãi 30% dịch vụ spa. Saigon Prince tham gia chương trình kích cầu với giá giảm tới 60%, từ 1,4 triệu đồng/phòng/đêm gồm ăn sáng miễn phí, sử dụng hồ bơi và gym, giảm 30% trên giá Buffet hải sản, miễn phí sử dụng dịch văn phòng…
Minh, nhân viên lễ tân tại khách sạn Sheraton cho biết, chưa bao giờ hệ thống khách sạn này có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn như hiện nay. Tuy vậy, số lượng khách vẫn rất ít, chỉ đạt khoảng 20% so với bình thường. Thú vị ở chỗ rất nhiều khách là người dân tại thành phố tận dụng thời điểm giá giảm mạnh này để đặt phòng đưa gia đình đến nghỉ ngơi ngày cuối tuần.
Nhìn nhận về việc các thương hiệu lớn “xuống đường”, chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hùng cho rằng, đây không phải mô hình mới. “Trong nhiều lĩnh vực bán lẻ đại chúng sự tiện lợi là xu hướng tất yếu, nhiều hệ thống F&B phát triển rất mạnh với chuỗi bán mang đi là phần lớn. Khi một thương hiệu nhảy ra làm các thương hiệu khác cũng chạy theo, đây là cuộc cạnh tranh lý thú có lợi cho cả thương hiệu và khách hàng. Đặc biệt, xu hướng này có sức bật mạnh hơn sau dịch COVID-19, các thương hiệu đang tạo dấu ấn cho mình” - ông Hùng phân tích.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia marketing tại TPHCM, “vỉa hè” là phân khúc mà nhiều “ông lớn” đã từng bỏ lửng. Khi phân khúc trung cấp và cao cấp ngày càng chật hẹp thì nhóm bình dân, người có thu nhập thấp lại là đối tượng tiềm năng. Ở nhóm này, thị trường khá lớn lại dễ phục vụ nên nếu xây dựng mô hình đúng gu, giá cả hấp dẫn thì lợi nhuận sẽ tăng vì chi phí để đầu tư không cao. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng việc kinh doanh bằng xe đẩy hay các quầy bên đường là chưa chuyên nghiệp, thiếu bền vững và chỉ mang tính thời vụ.
Chia sẻ về lý do mức giá các phòng hạng sang có mức giá thấp kỷ lục, đại điện một số khách sạn tại TPHCM cho rằng, phân khúc 5 sao chủ yếu phục vụ đối tượng khách hàng là người nước ngoài và giới doanh nhân. Do dịch COVID-19, khách quốc tế không tới, đồng thời giới doanh nhân đi công tác ở TPHCM cũng giảm mạnh nên công suất các phòng của khách sạn không đạt tới 10%. Ðây là lý do khiến nhiều khách sạn buộc phải có chương trình giảm giá sâu để thu hút các đối tượng khách hàng khác tới đặt phòng và trải nghiệm.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/khi-dai-gia-cung-ra-via-he-1749789.tpo