Khi dân chủ ở cơ sở được phát huy

Thực hiện phương châm: 'Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng', Đảng ủy xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) đã chú trọng tuyên truyền, triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã.

Xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) niêm yết công khai các thủ tục hành chính cho dân được biết. Ảnh: NVCC

Xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) niêm yết công khai các thủ tục hành chính cho dân được biết. Ảnh: NVCC

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể ở xã luôn lắng nghe, giải quyết kịp thời kiến nghị của nhân dân bằng nhiều hình thức, qua đó đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân vào xây dựng Phước An ngày càng văn minh, phát triển.

Tuyên truyền bằng nhiều hình thức

Bí thư Đảng ủy xã Phước An Lê Ngọc Lân cho biết, toàn xã có 4 ấp, 46 tổ nhân dân, hơn 12 ngàn nhân khẩu. Những năm qua, Đảng ủy xã luôn quan tâm công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực ngày 1-7-2023, Đảng ủy xã đã ban hành công văn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ trên địa bàn xã với phương châm thực hiện dân chủ ở cơ sở là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân; tạo điều kiện thuận lợi trong công tác dân vận; huy động nguồn lực, trí tuệ trong dân, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của địa phương...

Thực hiện dân chủ ở cơ sở, chính quyền xã đã công khai mọi việc cho dân được biết; được bàn và quyết định; được tham gia góp ý trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và công khai những nội dung nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát.

Bà Nguyễn Thị Hồ, người dân ở ấp Bà Trường, chia sẻ: “Qua các cuộc họp ở khu dân cư và các hình thức thông tin khác nhau, người dân đã biết được chủ trương, chính sách, kế hoạch của xã trên các lĩnh vực. Người dân được lấy ý kiến về quy ước, hương ước của ấp, về bình xét hộ nghèo; việc đóng góp xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, hệ thống thắp sáng ngõ hẻm…”.

Mới đây, khi về làm việc với Đảng ủy xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH đánh giá, thời gian qua, xã Phước An đã làm tốt dân chủ ở cơ sở, lãnh đạo xã cần tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của người dân, vấn đề người dân phản ánh đúng thì giải quyết cho dân để việc thực hiện dân chủ ở xã càng tốt hơn nữa...

Lắng nghe dân nói

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Phước An Lê Ngọc Lân, trước khi quyết định một vấn đề nào đó, xã đều lấy ý kiến nhân dân theo quy định, dân đồng tình thì chính quyền mới quyết định làm.

Chẳng hạn, khi xã có chủ trương bê tông tuyến đường tổ 14, ấp Bà Trường dài 150m, kinh phí xây dựng 55 triệu đồng do dân tự đóng góp, xã và ấp đã họp dân, dân đồng tình mới triển khai. Hoặc việc lấy ý kiến nhân dân tham gia đóng góp trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định như: lấy ý kiến thẩm định nhu cầu sử dụng đất Dự án Xây dựng tuyến đường kết nối vào Cảng Phước An (từ nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến Cảng Phước An) theo hình thức BOT, được dân đồng tình thì cơ quan thẩm quyền mới quyết định làm.

Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về các vấn đề theo quy định và qua nắm bắt tình hình nhân dân, vấn đề nào “nóng”, được nhân dân quan tâm nhiều, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền lựa chọn nội dung để đối thoại với dân. Cụ thể như, khi nắm được Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành qua địa bàn xã, quá trình thi công làm nứt nhà dân, không có đường dân sinh đi lại, việc đường cao tốc không có hệ thống thoát nước thì nước thoát đi đâu..., xã đã tổ chức đối thoại với 112 người dân trong vùng dự án; đồng thời, mời chủ đầu tư, đơn vị thi công cùng dự để trực tiếp nghe các kiến nghị, phản ánh của nhân dân.

Sau đối thoại, xã tổng hợp các ý kiến của người dân để báo cáo lên huyện xem xét giải quyết cho người dân, tạo ổn định xã hội.

Cùng với việc thực hiện dân chủ ở địa phương, việc thực hiện dân chủ trong cơ quan nhà nước ở xã Phước An được gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đưa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở thành tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ, công chức. Nhờ đó, đã có tác động tích cực làm chuyển biến ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.

Bí thư Đảng ủy xã Phước An Lê Ngọc Lân nhận định, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân khi tham gia bàn bạc những công việc của địa phương; xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng các chính sách, pháp luật; giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.

Mặt khác, khi làm tốt việc công khai các vấn đề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, các thủ tục hành chính sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về các quy định, chế độ, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, làm cho người dân sống và làm việc theo đúng pháp luật.

Kết quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã đóng góp quan trọng để Đảng bộ xã Phước An được Ban Thường vụ Huyện ủy Nhơn Trạch công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ suốt 8 năm qua (từ năm 2016-2023).

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202409/khi-dan-chu-o-co-so-duoc-phat-huy-3016ee4/