Khi di sản khoác áo hội họa

Lần đầu tiên, một cuộc thi có quy mô được tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ tham gia, 'Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa'. Ở đó, bằng những mảng màu, bằng gốm, lụa... mới mẻ, đa đạng, di sản hiện diện với một vẻ đẹp mới. Đó cũng là cách nối dài sức sống cho những di sản quý giá mà ông cha để lại.

Khám phá kho tàng di sản rực rỡ của ông cha

Làm việc trong ngành dầu khí nhưng đam mê hội họa, Lại Lâm Tùng đã dành 2 năm nghiên cứu về văn hóa Chăm Pa để thực hiện tác phẩm "Lễ hội Khmer ở Cà Mau" và giành giải xuất sắc nhất của cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" lần thứ I - năm 2023.

Sống ở Nam bộ từ nhỏ, ông yêu văn hóa Nam bộ được phản ánh qua kiến trúc và những họa tiết độc đáo của người Khmer. Lại Lâm Tùng muốn gửi đi thông điệp, hãy trân trọng và gìn giữ truyền thống của cha ông, ngoài vốn văn hóa hữu hình còn là những giá trị tinh thần, ở đây là tình cảm gia đình, hiếu nghĩa... Với ông, hội họa có thể mang cho di sản một đời sống mới, để giá trị của di sản đến với công chúng theo nhiều cách khác nhau.

Một góc triển lãm Cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" lần thứ I.

Một góc triển lãm Cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" lần thứ I.

Ở một góc nhìn khác về di sản, tác giả Lê Thị Thanh, Khoa Thiết kế Mỹ thuật, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lại thực hiện bộ tác phẩm "Nghìn xưa lưu dấu" giành giải Nhất cuộc thi. Bộ tác phẩm gồm một số hình tượng được in rập tại Vườn bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngoài ra còn có các bản khắc cao su hình ảnh di sản tượng và phù điêu tiêu biểu của Việt Nam nói chung và hiện vật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng như rồng đá, voi đá, tượng đá cổng Thái Học, bút lông bằng đá… kết hợp với nghệ thuật in độc bản thủy ấn, gợi cảm giác về sự huyền bí, xa xưa. Bố cục tranh được cấu trúc như cách sắp gạch để xây một bức tường, ý nói đây là bức tường di sản, là nền móng tạo nên các giá trị thẩm mỹ của người Việt đương đại. Bộ tranh hiển thị các tín hiệu tạo hình mà cổ nhân để lại trong tinh thần của tác phẩm nghệ thuật.

Họa sĩ, TS. Lê Thị Thanh chia sẻ: "Tôi luôn bị hấp dẫn bởi những tạo tác của cha ông xưa, họ để lại rất nhiều những tác phẩm đẹp. Tôi muốn những vẻ đẹp đó sẽ bước ra khỏi di sản và hiển lộ trong những tác phẩm đương đại. Có như thế, di sản mới có đời sống mới, ngoài giá trị hiện tồn. Điều đó sẽ làm cho vẻ đẹp Việt Nam bay cao, bay xa hơn. Hiện nay, có nhiều di tích đang chìm dần trong lòng đất nên mong muốn của tôi là nhiều người sẽ nhìn thấy vẻ đẹp đó và chung tay bảo vệ di sản".

Còn với tác phẩm "Múa rồng" (giải Ba), tác giả Phạm Hồng Hạnh cho biết, tác phẩm lấy cảm hứng từ một lễ hội của tỉnh Hưng Yên mang tên "Múa rồng". Nó gắn với lịch sử hình thành thương cảng phố Hiến từ thế kỷ 16, 17. Nơi đây là một thương cảng sầm uất, một đô thị cổ xưa, nơi hội tụ, giao thoa nhiều nền văn hóa. Qua tác phẩm được làm cầu kỳ từ chất liệu gốm men, tác giả muốn tôn vinh trò chơi "Múa rồng" trong các lễ hội dân gian của người Việt nói chung và của phố Hiến nói riêng.

Còn ý tưởng của tác giả Y Luê Adrong xuất phát từ quan niệm của người Ê Đê, trong mỗi chiếc ché đều có một linh hồn, ché không chỉ là một đồ dùng thông thường mà còn mang tính thiêng liêng. Tác phẩm "Hồn ché" (giải Khuyến khích), giúp người xem hiểu hơn về phong tục tập quán của người Ê Đê qua một vật dụng. "Nếu như cồng chiêng được coi như là vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình và cộng đồng, thì ché thể hiện sự sung túc, sức mạnh của cộng đồng. Đối với các dân tộc Tây Nguyên, ché cổ, ché quý đồng thời là ché thiêng. Cũng có thể có sức mạnh siêu nhiên nào đó ẩn tàng, nên hóa thiêng". Tác giả Y Luê Adrong chia sẻ.

Nối dài sức sống của di sản

Phát biểu tại Lễ trao giải và triển lãm Cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" lần thứ I - năm 2023, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi nhận định, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, là cơ sở để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thông qua hội họa, các tác giả đã khắc họa nét đẹp của di sản, lan tỏa giá trị ấy đến mọi người.

Cuộc thi nhận được 839 tác phẩm của 494 tác giả từ 55 tỉnh, thành phố. 100 tác phẩm vào vòng chung khảo, 30 tác phẩm được trao giải. Những con số này đã thể hiện được mối quan tâm của các họa sĩ đối với di sản văn hóa Việt Nam, thể hiện di sản văn hóa thực sự là một đề tài hấp dẫn với giới mỹ thuật.

Các tác phẩm được thể hiện trên nhiều chất liệu, như sơn dầu, sơn mài, sơn khắc, tranh lụa, tranh in, chất liệu tổng hợp và nghệ thuật sắp đặt. Hầu hết bám sát chủ đề cuộc thi, phản ánh những nét hay, nét đẹp, nét độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước. Đó là các di sản văn hóa vật thể như đình, đền, chùa, miếu, di sản thiên nhiên; di sản văn hóa phi vật thể như nhã nhạc cung đình Huế, múa hoa đăng, ca Huế, hát chầu văn, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, hò khoan Lệ Thủy, tuồng, chèo, đờn ca tài tử, múa Chăm, múa rối nước, bài chòi, phong tục, tập quán, lễ hội…

Tác phẩm "Lễ hội Khmer ở Cà Mau" của tác giả Lại Lâm Tùng.

Tác phẩm "Lễ hội Khmer ở Cà Mau" của tác giả Lại Lâm Tùng.

"Trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đòi hỏi phải luôn năng động, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp hoạt động, làm cho tình yêu di sản văn hóa, ý thức trách nhiệm đối với di sản văn hóa ngày càng lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Từ đó, không chỉ đóng góp vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam mà còn thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật, hướng hội họa về đề tài di sản", PGS. TS. Đỗ Văn Trụ nói.

Còn theo nhận định của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, cuộc thi đã đánh thức được tình yêu di sản, tình yêu văn hóa Việt Nam của mỗi họa sĩ. Đây là thành công mở đầu cho hành trình hội họa song hành, lưu giữ và phát huy giá trị di sản. Ông khẳng định: "Với những tác phẩm hiện diện trong cuộc thi cho thấy tình yêu của các nghệ sĩ dành cho di sản rất lớn và được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Qua ngôn ngữ hội họa, di sản hiện diện đầy vẻ đẹp đa dạng, mới mẻ. Mỗi cách nhìn mang đến vẻ đẹp mới, sự phát hiện mới từ những giá trị của di tích, di sản còn lại cho đến ngày hôm nay. Với thành công bước đầu này, tôi tin rằng rồi đây, chúng ta sẽ có nhiều bước tiến mới trong đề tài di sản trong hội họa".

Họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế - Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật ngành Phê bình, Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Ban giám khảo đánh giá: "Ở đây, có nhiều di sản thế giới đã được vinh danh. Cuộc thi mang một thông điệp quan trọng là sự quan tâm của Nhà nước trong định hướng, chính sách phát triển văn hóa, bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Cuộc thi với những vẻ đẹp của di sản đang hiện diện ở đây cho thấy văn hóa Việt Nam không ngừng phát triển và chúng ta không ngừng trân trọng những di sản của quá khứ".

Cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" lần thứ I - năm 2023 diễn ra từ ngày 18/5 - 30/9/2023. Tại Lễ trao giải ngày 16/1, Ban tổ chức đã trao giải Xuất sắc cho tác phẩm "Lễ hội Khmer ở Cà Mau" (tác giả Lại Lâm Tùng); giải Nhất cho tác phẩm "Nghìn xưa lưu dấu" (tác giả Lê Thị Thanh); hai giải Nhì cho tác phẩm "Hiếu Lăng một chiều thu" (tác giả Trần Thị Thanh Dung) và "Chùa Hang đảo Lý Sơn" (tác giả Lê Phi Hùng); cùng 4 giải Ba, 20 giải Khuyến khích. Triển lãm Cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" lần thứ I - năm 2023 diễn ra từ ngày 16 - 21/1, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/khi-di-san-khoac-ao-hoi-hoa-i721428/