Khi điểm số trở thành 'đồng tiền công vụ'

Chỉ khi điểm số trở thành 'đồng tiền công vụ' có tác động trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm thì hệ thống đánh giá mới phát huy hiệu quả thực chất.

Trong dự thảo Nghị định về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến, một điểm nhấn quan trọng đang thu hút sự chú ý là đề xuất chấm điểm công chức theo tháng, tổng hợp theo quý, làm căn cứ cho việc xét thưởng, quy hoạch, luân chuyển và kỷ luật cán bộ.

 Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm

chuyển từ quản lý theo cảm tính sang quản trị theo dữ liệu

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm – một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp, cải cách thể chế và quản trị công vụ cho rằng, đây có thể xem là một bước chuyển mạnh từ quản lý theo cảm tính sang quản trị theo dữ liệu, phù hợp với yêu cầu xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và minh bạch.

“Đây là một đề xuất tiến bộ. Việc đánh giá xuyên suốt năm sẽ giúp kiểm soát chất lượng công chức theo thời gian thực, thay vì chờ đến cuối năm mới dồn hết hồ sơ, rồi bình bầu theo kiểu ‘hòa cả làng’. Đã đến lúc phải lượng hóa khoa học hiệu suất làm việc – không thể để tình trạng đánh giá cán bộ vẫn dựa vào yêu – ghét, hoặc quan hệ cá nhân”, Luật sư Trương Anh Tú đánh giá.

Theo dự thảo, kết quả đánh giá hằng tháng sẽ được lưu trữ trên hệ thống và làm căn cứ cho xếp loại cuối năm. Việc phân loại công chức được cụ thể hóa bằng thang điểm 100, với bốn nhóm: từ 90 điểm trở lên là “Hoàn thành xuất sắc”; từ 70 đến dưới 90 là “Hoàn thành tốt”; 50–70 là “Hoàn thành nhiệm vụ”; dưới 50 hoặc có vi phạm là “Không hoàn thành”.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, thang điểm 100 là cấu trúc phổ biến trong các hệ thống quản lý nhân sự hiện đại. Vấn đề không nằm ở con số mà ở cách xây dựng bộ tiêu chí đánh giá đủ rõ ràng và định lượng. Nếu không có tiêu chí cụ thể cho từng vị trí, vai trò, thì con số vẫn sẽ bị “mềm hóa” bởi cảm tính.

Đánh giá quy định cơ quan cũ phải gửi kết quả đánh giá 6 tháng gần nhất nếu công chức được điều động sang đơn vị mới là hợp lý, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, điều này giúp đảm bảo sự xuyên suốt trong đánh giá, không xảy ra tình trạng “trắng điểm” giữa năm, đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp lại các đơn vị hành chính và luân chuyển cán bộ ngày càng phổ biến.

“Tôi đặc biệt đồng tình với quy định này. Nó cho thấy cách làm có tính hệ thống – tương tự như cơ chế kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp – giúp việc đánh giá công chức có tính truy xuất, kế thừa và minh bạch”, Luật sư Tú nhận định.

Dự thảo cũng đề xuất quy trình ba bước: công chức tự lập báo cáo đánh giá công việc trình bày tại cuộc họp của đơn vị lấy ý kiến và chấm điểm. Cấp ủy cùng cấp sẽ có ý kiến bằng văn bản, cơ quan tổ chức – cán bộ sẽ đối chiếu thang điểm, lập phiếu chính thức và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nếu điểm số đẹp nhưng người dân vẫn bức xúc...

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, đây là một cơ chế mới, tạo không gian phản biện và minh bạch trong nội bộ hành chính. Việc yêu cầu công chức chủ động cập nhật tiến độ công việc, đề xuất sản phẩm chuẩn theo vị trí, cũng góp phần thay đổi tư duy từ “làm cho xong” sang “làm để ghi nhận”.

Tuy nhiên, hiệu quả cuối cùng vẫn phải là thực tiễn trả lời. Nếu điểm số đẹp nhưng người dân vẫn bức xúc vì thủ tục nhiêu khê, thì hệ thống đánh giá chưa thể gọi là thành công.

Khác với các kỳ tổng kết hành chính trước đây mang tính hình thức, dự thảo lần này gắn điểm số với ba nhóm mục tiêu cụ thể: (1) Phát hiện và điều chỉnh công việc kịp thời, (2) Xét thưởng tăng thêm tối đa 10% quỹ lương, và (3) Làm căn cứ quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển và kỷ luật cán bộ.

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, đây là cải tiến then chốt, vì chỉ khi điểm số trở thành “đồng tiền công vụ”, có tác động trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm thì hệ thống đánh giá mới phát huy hiệu quả thực chất.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để vận hành mô hình mới này, cần đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống theo dõi tiến độ công việc điện tử, và năng lực đánh giá của đội ngũ tổ chức cán bộ. Không thể “chấm điểm bằng tay” khi đòi hỏi đánh giá hàng tháng trên diện rộng.

Đề xuất chấm điểm công chức theo tháng của Bộ Nội vụ là bước đi đáng hoan nghênh, cho thấy xu hướng cải cách hành chính ngày càng tiệm cận chuẩn mực quản trị hiện đại. Dù vậy, để điểm số không trở thành hình thức mới của “bình bầu cảm tính”, cần chuẩn hóa tiêu chí, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, và đặc biệt là đo lường hiệu quả cuối cùng qua phản hồi thực tế của người dân và doanh nghiệp.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khi-diem-so-tro-thanh-dong-tien-cong-vu-post1553677.html