Sắp 'chấm điểm' doanh nghiệp nhà nước bằng thước đo mới
Dự thảo Nghị định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang đưa ra nhiều chỉ tiêu mới. Lần đầu tiên, hiệu quả hoạt động đầu tư, nghĩa vụ nộp ngân sách và mức độ vượt kế hoạch doanh thu, sản lượng được đưa vào làm căn cứ 'chấm điểm'.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung
Gắn xếp loại với mục tiêu tăng trưởng hai con số
Căn cứ các chỉ tiêu xếp loại và tiếp thu một cách rất toàn diện ý kiến, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp được đánh giá hoàn thành "xuất sắc" có thêm yếu tố chỉ tiêu 1 vượt so với kế hoạch từ 10% trở lên, với tinh thần tăng trưởng bình quân hai con số giai đoạn tới. Trong các phiên họp Chính phủ liên quan đến vấn đề tăng trưởng, khi làm kế hoạch 5 năm giai đoạn 2026 - 2030, các tổng công ty đều thống nhất mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên, có đơn vị đặt mục tiêu tăng trưởng mấy chục phần trăm. Do đó, xếp loại "xuất sắc" chắc chắn phải vượt kế hoạch, mức vượt cụ thể như “10%” hay con số khác, sau hội thảo chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp thu, lấy ý kiến. Ông Lê Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nướ
Tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính vừa tổ chức, các nội dung liên quan đến dự thảo Nghị định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được nhiều tập đoàn, tổng công ty bày tỏ quan tâm, đặc biệt là hệ thống chỉ tiêu đánh giá, xếp loại trong dự thảo.
Các tiêu chí "chấm điểm" doanh nghiệp và lãnh đạo
Điều 32 tại dự thảo Nghị định quy định rõ 7 chỉ tiêu cơ bản để đánh giá, xếp loại doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp được xếp loại A, B hoặc C dựa trên mức độ hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Trong đó, 5 chỉ tiêu đầu tiên kế thừa từ Nghị định 87/2015/NĐ-CP và về cơ bản không có vướng mắc khi triển khai, gồm: chỉ tiêu 1 - tổng doanh thu, sản lượng; chỉ tiêu 2 - lợi nhuận sau thuế; chỉ tiêu 3 - tỷ suất lợi nhuận (ROE, ROA, ROS); chỉ tiêu 4 - nợ phải trả; chỉ tiêu 5 - thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đáng chú ý, 2 chỉ tiêu mới được bổ sung, gồm: chỉ tiêu 6 - hoạt động đầu tư theo khối lượng và giá trị giải ngân; chỉ tiêu 7 - thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách, nhằm hoàn thiện hơn việc đánh giá hiệu quả và trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp.
Trong đó, chỉ tiêu 6 được bổ sung nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công - đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá giúp doanh nghiệp nhà nước thể hiện vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số các năm tiếp theo. Chỉ tiêu 7 về nghĩa vụ nộp ngân sách được đưa vào và gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để khắc phục bất cập trước đây, dự thảo loại bỏ chỉ tiêu về chấp hành pháp luật thuế, vì đây là sai phạm cá nhân, đã có quy định riêng tại pháp luật về thuế, việc đánh giá tuân thủ pháp luật chỉ áp dụng khi xem xét cá nhân người đại diện phần vốn nhà nước. Dự thảo Nghị định cũng quy định cơ chế loại trừ yếu tố khách quan, bất khả kháng.
Kết quả xếp loại doanh nghiệp không chỉ là thước đo hiệu quả hoạt động, mà còn là cơ sở quan trọng để trích lập và chi quỹ khen thưởng, phúc lợi, tạo động lực cho người lao động. Đồng thời, là căn cứ để đánh giá năng lực và trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên, cũng như để xem xét việc đầu tư vốn nhà nước, bổ sung vốn điều lệ, tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định cũng bổ sung nhiều điểm mới trong cách “chấm điểm” những người đóng vai trò then chốt trong doanh nghiệp nhà nước. Việc đánh giá người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước dựa trên 4 mức xếp loại. Trong đó, để được xếp loại "hoàn thành xuất sắc", người đại diện không chỉ hoàn thành nhiệm vụ cá nhân mà doanh nghiệp phải đạt mức tăng trưởng doanh thu từ 10% trở lên so với kế hoạch.
"Vừa làm, vừa xếp hàng", khẩn trương hoàn thiện trước ngày 1/8
Làm rõ các nội dung mới tại dự thảo, theo ông Lê Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, nguyên tắc giao chỉ tiêu căn cứ vào lĩnh vực, chuyên ngành và đặc thù sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, theo đó cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ quyết định giao một số chỉ tiêu cơ bản.
Đơn cử, trong chỉ tiêu số 1, sở dĩ gồm cả doanh thu và sản lượng, bởi đối với các doanh nghiệp như VNPT, nếu không giao chỉ tiêu sản lượng thì việc đánh giá hiệu quả hoạt động có thể không phản ánh đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh. Việc giao chỉ tiêu nào sẽ do cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, căn cứ vào đặc thù hoạt động của doanh nghiệp.
Tương tự, với chỉ tiêu số 3 về tỷ suất lợi nhuận, trong thực tế, với một số doanh nghiệp đang âm vốn chủ sở hữu, chỉ số ROE (tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu) trở nên vô nghĩa. ROA (tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản) lại kém phản ánh hiệu quả thực tế, vì phần lớn tài sản doanh nghiệp đến từ vốn vay, tức là chủ nợ nắm hết. Do đó, ROS (tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần) là công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động thiết thực nhất, kể cả khi nợ phải trả lớn hơn tài sản.
Về chỉ tiêu đầu tư, theo lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, hiện có nhiều ý kiến đóng góp, dự kiến dựa trên giá trị khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp như tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), doanh nghiệp có thể hoàn thành tiến độ thi công, nhưng giá trị giải ngân lại chưa phát sinh do hồ sơ, thủ tục, hoặc các yếu tố khác tác động.
Do đó, việc đánh giá sẽ căn cứ cả giá trị thực hiện khối lượng công việc và giá trị giải ngân thực tế, để phản ánh đầy đủ hiệu quả triển khai. "Có thể loại trừ giá trị giải ngân nhưng trong kế hoạch, phải quy đổi giá trị bằng tiền" - ông Tùng cho biết.
Theo lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, toàn bộ nội dung còn lại trong dự thảo liên quan đến giám sát, đánh giá, xếp loại, chỉ tiêu cụ thể, đơn vị sẽ tiếp thu đầy đủ, rà soát, hoàn chỉnh toàn diện trước khi trình ban hành chính thức.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của các tập đoàn, tổng công ty đã tham gia góp ý đối với các dự thảo Nghị định. Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị phát hiện vấn đề đến đâu, tham gia góp ý đến đó và có ý kiến chính thức với 3 dự thảo Nghị định.
Về tiến độ, Thứ trưởng Bộ Tài chính lưu ý, thời gian còn lại rất gấp, chỉ còn khoảng 3 tuần trước khi các Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/8/2025, do đó, các đơn vị cần triển khai trên tinh thần "vừa làm, vừa xếp hàng". Theo kế hoạch, hồ sơ sẽ được trình Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 15/7, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và phù hợp thực tiễn.
Tăng tính chủ động, trách nhiệm trong quản trị doanh nghiệp
Việc ban hành Nghị định được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nghị định hướng đến mục tiêu phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, thất thoát, lãng phí trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước, đồng thời tăng cường tính chủ động, trách nhiệm trong quản trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Nghị định còn góp phần khắc phục các bất cập, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi trước đây. Qua đó, hướng tới mục tiêu tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn mới.