Khi doanh nghiệp không dám vay vốn ngân hàng

Thời gian gần đây, lãi suất ngân hàng đã từng bước hạ nhiệt. Lãi suất giảm, doanh nghiệp (DN) sẽ dễ thở hơn trong tiếp cận vốn. Tuy nhiên, do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn nên nhiều DN đã hạn chế vay vốn.

Cần các giải pháp khơi thông thị trường, sản xuất để gia tăng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Ảnh: V.GIA

Cần các giải pháp khơi thông thị trường, sản xuất để gia tăng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Ảnh: V.GIA

Vấn đề hiện nay của DN là tìm kiếm được đơn hàng để duy trì sản xuất trước mắt, sau đó mới có thể tính toán lâu dài bởi đầu tư trong giai đoạn này là tương đối rủi ro. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay có giảm nhưng vẫn còn khá cao khiến DN vẫn e ngại.

* Lãi suất tiếp tục giảm

Chính phủ đã có chỉ đạo, yêu cầu ngành ngân hàng giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6-2023; có định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay nhằm tích cực hỗ trợ DN, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.

Thực hiện chỉ đạo trên, từ ngày 19-6-2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng giảm lãi suất điều hành từ 0,25-0,5%. Với lần thứ 4 liên tiếp giảm lãi suất, dù chưa thể ngay lập tức kéo giảm lãi suất cho vay do độ trễ chính sách nhưng xác lập rõ xu hướng mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ tiếp tục hạ nhiệt rõ rệt trong thời gian tới.

Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ LÊ MINH KHÁI, nếu 12 tháng chỉ tăng hơn 8% là rất thấp vì định hướng năm 2023, tín dụng phải tăng 14-15%. Điều này chứng tỏ hấp thụ và tiếp cận vốn của DN đang rất khó khăn.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc giảm lãi suất điều hành tạo ra nhiều tác động tích cực đối với nền kinh tế và hoạt động của DN. Trong đó việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước qua các công cụ như: cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn, liên ngân hàng, qua đó có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay.

Khi lãi suất giảm đối với cả nợ cũ và vay mới sẽ hỗ trợ DN, người vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Thế nhưng, việc giảm lãi suất thôi là chưa đủ. Tại Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của DN và hấp thụ vốn của nền kinh tế tổ chức ngày 19-6-2023, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, để tiếp cận được vốn, hấp thụ được vốn thì tình hình sản xuất kinh doanh, các đơn hàng, chuỗi cung ứng phải đảm bảo. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đã tháo gỡ quyết liệt thị trường trong và ngoài nước, trong đó có bất động sản, thị trường xuất khẩu.

* DN ngại vay vốn

Khảo sát tại nhiều DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, khác biệt so với năm ngoái, hiện nay nhu cầu vay vốn từ ngân hàng của họ không thực sự nóng. Mối quan tâm hiện nay của hầu hết DN là làm sao bán được hàng, ký kết các hợp đồng để duy trì sản xuất chứ không dám đầu tư mạnh bởi sợ hiệu quả không cao.

Chủ một DN ngành thời trang cho hay, trước đây anh có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất. Nhưng hiện đơn hàng khan hiếm, từ 2 xưởng sản xuất anh đã phải tái cơ cấu chỉ giữ lại một xưởng chính. Do đó, dù thủ tục, hồ sơ không bị siết chặt hơn và lãi suất đã rục rịch giảm thì DN của anh không có nhu cầu vay vốn. Điều quan trọng là vấn đề tối ưu hóa tài chính, bởi vay được nhưng không thể tái đầu tư sản xuất trong thời buổi đơn hàng khó khăn như hiện nay thì không hợp lý.

Chưa dám vay để đầu tư, không dám vay lâu dài vì lo ngại rủi ro về chi phí lãi suất và thị trường hiện tại chưa đủ hấp dẫn để mở rộng sản xuất là thực tế tại nhiều DN. Họ lựa chọn hướng "tự thân vận động", chờ đợi kinh tế ổn định, kỳ vọng lãi suất có thể về lại mức 6-7%/năm thì mới tính hướng mở rộng sản xuất bởi lãi còn cao, vấn đề trả nợ là bài toán hóc búa.

Theo ông Đinh Thành Cương, Giám đốc Công ty TNHH Ishikawa (TP.Biên Hòa), vay vốn hiện chưa phải là mối quan tâm lớn nhất mà quan trọng hơn là do sức cầu của thị trường yếu, đơn hàng từ các đối tác chưa hồi phục. Do vậy, chưa thể mạnh tay vay vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thị trường xuất khẩu giảm do nhu cầu trên thế giới giảm, sản xuất kinh doanh khó khăn, các DN không còn đủ điều kiện vay vốn và ngay cả ngân hàng không mạo hiểm rót cho các đối tượng này nên tổng cầu thị trường vốn vì thế tăng trưởng thấp so với năm trước. Chính phủ đã chỉ đạo phải tập trung tìm thêm thị trường xuất khẩu mới nhưng khi kinh tế thế giới suy giảm rất khó tìm đơn hàng mới.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai nhận định khi kinh tế khối tư nhân suy giảm, hầu hết các ngành đều tăng trưởng thấp thì điểm sáng, động lực tăng trưởng mà tất cả chờ đợi là ở đầu tư công của Nhà nước.

Ông Hưng cho rằng Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ cho hàng ngàn dự án đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng lớn, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt dự án bất động sản đang vướng pháp lý để sớm đưa vào thị trường, kích thích nền kinh tế.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202306/khi-doanh-nghiep-khong-dam-vay-von-ngan-hang-3169514/