Khi doanh nghiệp làm kinh tế tuần hoàn vì 'FOMO'
Doanh nghiệp bị bủa vây bởi các thông tin liên quan đến xu thế kinh tế tuần hoàn, quyết định triển khai mô hình này bởi FOMO (fear of missing out – sợ bị bỏ lỡ), dẫn đến những mô hình chắp vá và kém hiệu quả.
Tại cuộc thi khởi nghiệp với chủ đề kinh tế tuần hoàn, một startup đang thao thao giới thiệu về giải pháp ống hút được làm từ cỏ sậy giúp giảm tiêu thụ nhựa, giảm rác thải nhựa ra môi trường, thì bị ban giám khảo ngắt lời.
“Chúng tôi không muốn sau khi ứng dụng các giải pháp như vậy, giải quyết được câu chuyện rác thải nhựa đại dương, chúng ta lại phải ráo riết tìm cách giải quyết rác thải lau, sậy đại dương”, vị giám khảo nói.
May mắn, startup kể trên đã trình bày phương án thu hồi ống hút đã qua sử dụng để chế biến thành viên nén năng lượng, bên cạnh các phương án truyền thông nâng cao ý thức của người tiêu dùng, nhờ đó đạt được giải cao trong cuộc thi.
Tuy nhiên, không hiếm những doanh nghiệp, startup có ý tưởng tương tự về việc sử dụng các loại vật liệu “thân thiện với môi trường” nhằm thay thế nhựa nhưng hoàn toàn không có bằng chứng khoa học cho sự thân thiện với môi trường ấy, cũng không có giải pháp xử lý chất thải phát sinh từ vật liệu mới.
Hình dung, nếu kinh tế tuần hoàn là khép kín một vòng lặp, những doanh nghiệp như vậy vẽ được một đường hơi cong, sau đó bỏ ngỏ. Điểm đầu và điểm cuối chuỗi cung ứng không gặp được nhau nên dù “hơi cong” nhưng đó vẫn là một mô hình tuyến tính hướng tới tiêu dùng thật nhiều, thải bỏ cũng thật nhiều.
Kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế
Cuối năm 2020, kinh tế tuần hoàn chính thức được luật hóa tại Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tiếp sau đó, kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng.
Nhiều chính sách về kinh tế tuần hoàn được các bộ, ngành, địa phương xây dựng và ban hành. Nhiều sự kiện giới thiệu, phân tích mô hình kinh tế tuần hoàn được tổ chức. Tất cả tạo ra một không khí có phần khẩn trương.
Doanh nghiệp được xác định là chủ thể chính của xu thế kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, bên cạnh một số doanh nghiệp bỏ công sức, nguồn lực nghiên cứu áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả nhất, không ít doanh nghiệp lựa chọn chạy theo xu thế này vì FOMO, sợ bỏ lỡ cơ hội, dù chưa hẳn đã hiểu cơ hội đó thực chất là gì.
“Họ chắp vá những lỗ hổng trong bộ máy quản lý bởi chưa có con số tổng quát về vấn đề khan hiếm tài nguyên cũng như rủi ro nguồn nguyên vật liệu trong tương lai”, bà Kim Lê, Nhà sáng lập công ty tư vấn CL2B, nhận xét.
Tệ hơn, có doanh nghiệp coi kinh tế tuần hoàn chỉ là một công cụ đánh bóng thương hiệu, nên các giải pháp kinh tế tuần hoàn đưa ra chỉ với tiêu chí “nghe thật hay” chứ hầu như không đem lại hiệu quả gì cho môi trường và xã hội.
Làm gì để xây dựng một chiến lược kinh tế tuần hoàn?
Thấu hiểu sâu sắc khái niệm kinh tế tuần hoàn là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp xây dựng được mô hình kinh tế tuần hoàn đúng nghĩa.
Xét trên mặt chữ, kinh tế tuần hoàn phải bao gồm hai yếu tố, bao gồm tính tuần hoàn và tính kinh tế. Hiện nay, nhiều đơn vị, tổ chức, diễn đàn, hội thảo thường quá tập trung vào khía cạnh tuần hoàn, quan tâm quá nhiều đến khía cạnh xử lý chất thải mà bỏ quên đi bản chất kinh tế của mô hình này.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP.HCM, khi nhắc đến kinh tế tuần hoàn, cần phải quan tâm đến các vấn đề như các bên liên quan là ai, tạo ra giá trị như thế nào, chi phí, giá trị đem lại là bao nhiêu.
Nhưng vấn đề đó thuộc về doanh nghiệp, mang bản chất một mô hình kinh doanh. Do đó, ông Quân nhấn mạnh kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh doanh khi định nghĩa khái niệm này.
Các mô hình kinh doanh luôn cần phải đảm bảo tạo ra giá trị, trong đó bao gồm cả lợi nhuận. Một mô hình không tạo ra lợi nhuận, dù có được hỗ trợ hết sức có thể, sớm muộn cũng sụp đổ, gây ra thiệt hại cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Soi chiếu vấn đề lợi nhuận dưới góc nhìn tiết giảm tài nguyên, kéo dài vòng đời sử dụng của sản phẩm, vật liệu, có thể hình dung, kinh tế tuần hoàn là một mô hình giảm thiểu tài nguyên đầu vào thông qua sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát lãng phí nhưng đem lại giá trị cao, tức là tối ưu hóa các nguồn lực đầu vào.
Hiểu khái niệm kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp, tổ chức còn cần phải thấu hiểu chuỗi cung ứng của mình để đưa ra những giải pháp sát sườn nhất. Cụ thể, doanh nghiệp cần biết bộ máy đang được vận hành thế nào, khâu nào kém hiệu quả và gây thất thoát nguồn lực và có thể làm được gì để cải thiện.
Đây cũng là cách giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí khi theo đuổi kinh tế tuần hoàn, thay vì tiêu tốn tiền của mua một loạt máy móc, công nghệ hiện đại về nhưng nhiều khi không có hiệu quả bằng một vài điều chỉnh nhỏ.
Chẳng hạn, một máy nung điện hiện đại chưa chắc đã tiết kiệm nhiên liệu hơn so với việc phơi khô đồ gốm trước khi nung ở một doanh nghiệp gốm sứ. Hoặc, đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu thay thế chưa hẳn đem lại hiệu quả môi trường so với thay đổi thiết kế để sản phẩm nhựa dễ dàng thu gom, tái chế sau sử dụng.