Khi gia đình được trao quyền quyết định số con

Cụ thể hóa quan điểm của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng dự án Luật Dân số với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2024 và trình Quốc hội vào tháng 10/2025.

Cha mẹ có trách nhiệm quyết định các vấn đề trong việc sinh con. (Ảnh minh họa: NV)

Cha mẹ có trách nhiệm quyết định các vấn đề trong việc sinh con. (Ảnh minh họa: NV)

Cha mẹ có trách nhiệm quyết định các vấn đề trong việc sinh con

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, hiện nay Việt Nam vẫn đang đạt mức sinh thay thế (hơn 2 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ) nhưng mức sinh thay thế giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể. Xu thế đẻ ít, lười đẻ, chậm kết hôn, chỉ sinh 1 con đang có xu hướng lan rộng. Trong đó có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế (chiếm 19% dân số); 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao (chiếm 42% dân số) và 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (chiếm 39% dân số).

TP HCM là địa phương có mức sinh thay thế thấp nhất cả nước hiện nay. Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, trong năm 2023, mức sinh đã giảm đáng kể so với 10 năm trước. Cụ thể, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản năm 2023 là khoảng 1,32 con/phụ nữ, trong khi đó vào năm 2013 là 1,68 con/phụ nữ.

Từ thực tiễn này, Bộ Y tế tập trung xây dựng dự án Luật Dân số với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự Luật đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trên phạm vi cả nước. Do đó, dự Luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.

Theo đó, các cặp vợ chồng, cá nhân tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân. Đồng thời, các cặp vợ chồng, cá nhân cần bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi, dạy con tốt; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Theo Bộ Y tế, trao quyền quyết định số lượng con cho các cha mẹ sẽ tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp, gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, vẫn cần có quy định các biện pháp để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước thông qua việc điều chỉnh mức sinh phù hợp với từng vùng, đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, từng tỉnh, thành phố.

Chuyển trọng tâm chính sách hướng tới mục tiêu dân số và phát triển

Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7 vừa qua, phát biểu tại lễ mít tinh do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hợp quốc - UNFPA tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, trong 30 năm qua, cơ cấu dân số Việt Nam đã chuyển dịch tích cực theo hướng dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, từ 56,1% năm 1989 lên 67,5% năm 2023. Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ 2007 với lực lượng lao động trẻ, dồi dào và cần được tiếp tục đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm, nâng cao năng suất lao động, hướng tới phát triển bền vững...

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác dân số và có sự điều chỉnh chính sách để phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế. Với nguyên tắc lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững của đất nước, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và nhiều chương trình, đề án, kế hoạch can thiệp cụ thể để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW.

“Bộ Y tế đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác dân số và các yếu tố tác động của dân số đến phát triển bền vững của đất nước, để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đặc biệt là các chính sách liên quan đến già hóa dân số, giảm tỷ suất sinh... Đồng thời, tập trung xây dựng dự án Luật Dân số với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2024 và trình Quốc hội vào tháng 10/2025”, theo bà Lan.

Như vậy có thể thấy, việc xây dựng dự thảo Luật Dân số theo hướng không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình là đúng với tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Đây là thay đổi căn bản so với Pháp lệnh Dân số hiện hành với quy định mỗi cặp vợ chồng sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.

Cũng theo Bộ Y tế, dù trao quyền quyết định số lượng con cho các ông bố, bà mẹ, nhưng Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để tuyên truyền vận động, thực hiện hỗ trợ, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho các đối tượng thực hiện chính sách; thực hiện các biện pháp khắc phục trước và sau khi ban hành luật, tránh lợi dụng việc quy định quyền tự quyết định về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân để vụ lợi, tuyên truyền, thực hiện trái với chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khi-gia-dinh-duoc-trao-quyen-quyet-dinh-so-con-post518952.html