Khi gia đình văn hóa tham gia xây dựng nông thôn mới

Muốn tham gia đóng góp xây dựng địa phương thì trước hết, mỗi gia đình cần có sự thống nhất, đồng lòng của các thành viên. Sự bền chặt của gia đình chính là nền tảng vững vàng nhất dẫn tới sức mạnh đoàn kết của cộng đồng, xã hội vì sự phát triển chung.

Làm Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 4, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, ông Lê Văn Hiệp luôn được gia đình ủng hộ

Làm Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 4, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, ông Lê Văn Hiệp luôn được gia đình ủng hộ

1. Về ấp 4, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An hỏi Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp - Lê Văn Hiệp hầu như ai cũng rõ, bởi ông Hiệp đã “đi mòn chân” khắp các ngõ nhà trong ấp. Hầu hết các công trình cầu, đường, ánh sáng an ninh, trật tự trong ấp đều có sự tham gia vận động của ông Hiệp. Không biết đi xe máy, ông Hiệp thường đi bộ hoặc xe đạp để vận động. Ngoài đi cùng với đoàn vận động, thi thoảng, ông cũng lân la tâm tình cùng người dân trong ấp để hiểu, nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân, giúp việc vận động thuận lợi hơn. Tuyến đường liên ấp 1 - 4 được mở rộng, trải bêtông có phần đóng góp công sức của ông Hiệp trong việc vận động người dân hiến đất, mở rộng đường. Cầu giao thông nông thôn trên đường Bờ Nam của kênh 2000 Bắc cũng do ông Hiệp vận động người dân góp 165 ngày công và 30 triệu đồng, chung tay với nhà hảo tâm xây dựng. Cây cầu mới có tải trọng 5 tấn, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn. Hiện tại, ông Hiệp chuẩn bị tham gia đoàn vận động kinh phí rải đá 1 tuyến đường khác trong ấp. Công trình thắp sáng trên tuyến đường liên xã Thủy Tây - Thạnh Phú - Thạnh Phước do ông Hiệp tham gia vận động cũng đang trong quá trình hoàn tất.

Khi được hỏi vì sao lại dành nhiều thời gian cho công tác xã hội, ông Hiệp chỉ cười và nói: "Tôi lớn tuổi rồi, sức khỏe còn được bao nhiêu thì đóng góp bấy nhiêu. Vợ chồng con gái tôi cũng rất ủng hộ, tôi hy vọng con mình có thể thấy những gì mình làm mà noi theo".

Không đi xe máy được nên mỗi khi đi vận động, ông Lê Văn Hiệp thường đi bộ hoặc xe đạp

Không đi xe máy được nên mỗi khi đi vận động, ông Lê Văn Hiệp thường đi bộ hoặc xe đạp

Vợ chồng ông Hiệp chỉ có 1 người con gái, hiện đã có việc làm ổn định và gia đình riêng. Còn vợ ông, sau nhiều lần bạo bệnh đã qua đời cách đây vài năm. Ông Hiệp kể: “Bà xã tôi lúc trước đau bệnh nhiều nên tôi xin nghỉ hưu sớm để ở nhà chăm bà. Khi bà mãn phần thì tôi tham gia công tác ấp, vừa để giải khuây, vừa đóng góp cho xã hội. Con cũng đã lớn, các cháu thì ngoan ngoãn nên tôi rất yên tâm. Con gái nhiều khi thấy tôi lớn tuổi mà còn đạp xe, đi bộ nhiều cũng xót nhưng thấy tôi vui nên con cũng ủng hộ”.

Bằng tất cả sự nhiệt tình của mình, ông Hiệp thường xuyên nhận khen thưởng của các cấp chính quyền về những thành tích nổi bật trong quá trình công tác. Giờ đây, niềm vui lúc xế chiều của ông Hiệp chính là vui vầy cùng con, cháu và đóng góp sức mình xây dựng địa phương.

2. Chung tay xây dựng quê hương là trách nhiệm và ý thức chung của tất cả mọi người. Ở bất cứ vùng quê nào cũng có thể tìm được những gia đình tiêu biểu, tiên phong trong việc đóng góp, chung tay thực hiện các công trình do chính quyền địa phương phát động. Gia đình ông Cao Văn Thạch và bà Lê Kim Dung (ấp 3, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) là một trong số đó. Gia đình ông Thạch là một trong số những hộ tiên phong bàn giao hơn 3.000m2 đất thuộc quy hoạch xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM (đoạn qua địa bàn tỉnh) để công trình sớm được khởi công. Sau khi lập gia đình, do hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông bà “đầu tắt mặt tối” để nuôi con và phát triển kinh tế gia đình. Ông làm thợ hồ, bà ở nhà chăn nuôi và chăm sóc các con. Đến khi con lớn, kinh tế gia đình mới bắt đầu ổn định. Đất của gia đình thuộc khu vực quy hoạch, sau khi bàn giao xong, ông bà nhanh chóng ổn định nơi ở mới.

Mấy mươi năm bên nhau, gia đình ông Cao Văn Thạch và bà Lê Kim Dung (ấp 3, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) luôn đầm ấm

Mấy mươi năm bên nhau, gia đình ông Cao Văn Thạch và bà Lê Kim Dung (ấp 3, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) luôn đầm ấm

Khi có chủ trương xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM (đoạn qua địa bàn tỉnh), ông bà vẫn rất vui vẻ, đồng thuận. Bà Dung chia sẻ: “Làm đường là vì lợi ích chung của toàn xã hội, mình nên đồng thuận. Các con tôi giờ cũng có gia đình, công việc, vợ chồng tôi còn khỏe, vẫn có thể làm ra tiền, không có gì phải lo lắng nhiều”. Theo bà Dung, điều khiến bà trân trọng và hạnh phúc nhất chính là tất cả các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, bình an. Chỉ cần có sức khỏe và sự cần lao, bà tin cuộc sống sẽ ổn định. Bà Dung nói: “Ngày trước, kinh tế gia đình khó khăn, nhờ đồng vợ đồng chồng mà đời sống ngày càng khá hơn. Vì vậy, đóng góp một phần vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, tôi nghĩ không có gì là quá to tát”. Theo bà Dung, từ trước đến nay, dù việc to hay nhỏ, gia đình bà đều bàn bạc, thống nhất cùng nhau. Một quyết định được đưa ra nghĩa là cả vợ và chồng đều đã đồng thuận. Và từ tốn bàn bạc, thống nhất cùng nhau trong mọi vấn đề cũng là bí quyết giữ gìn hạnh phúc của gia đình bà Dung suốt mấy mươi năm chung sống. Bà Dung nói rằng, bà vẫn hay căn dặn các con “cơm sôi bớt lửa” để giữ gìn hạnh phúc trong nhà. Sự bền chặt và ấm êm trong gia đình là nền tảng để cả gia đình và mỗi thành viên có thể tham gia đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương./.

Mộc Châu

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khi-gia-dinh-van-hoa-tham-gia-xay-dung-nong-thon-moi-a178437.html