Khi hàng xuất khẩu Trung Quốc tìm 'bến đỗ' mới
Dòng chảy hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc được điều hướng sang các thị trường mới nổi có thể góp phần kiềm chế lạm phát tại các quốc gia đang phát triển.

Tàu chở hàng hóa neo tại cảng ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Giới quản lý quỹ nhận định dòng chảy hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc được điều hướng sang các thị trường mới nổi có thể góp phần kiềm chế lạm phát tại các quốc gia đang phát triển, đồng thời củng cố sức hấp dẫn của những loại trái phiếu có kỳ hạn dài hơn.
Số liệu chính thức được công bố tuần trước cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 4/2025 đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi Mỹ áp thuế cao hơn vào đầu tháng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chóng đẩy mạnh bán hàng sang các thị trường khác để bù đắp, giúp tổng kim ngạch xuất khẩu trong kỳ tăng vọt 8,1% - cao hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia.
Theo đánh giá của các quỹ và ngân hàng đầu tư hàng đầu, hàng hóa từ Trung Quốc dự kiến sẽ tìm đến những thị trường khác ngoài Mỹ trong bối cảnh Washington áp thuế cao hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Điều này có thể tạo ra một lực đẩy giúp hạ nhiệt lạm phát ở những khu vực khác.
Trái phiếu phát hành bằng nội tệ của các thị trường mới nổi đã khởi sắc trong tháng Tư, với chỉ số theo dõi các tài sản loại này do Bloomberg tổng hợp tăng khoảng 2%.
Diễn biến trên xảy ra khi những đe dọa thuế quan của Tổng thống Trump làm suy yếu đồng USD và kéo giá dầu đi xuống. Áp lực lạm phát giảm cùng với các đồng tiền tăng giá được xem là cơ hội để các ngân hàng trung ương có thêm không gian cắt giảm lãi suất, qua đó tăng sức hấp dẫn của các công cụ nợ kỳ hạn dài.
Ngân hàng Barclays chỉ ra rằng, trái phiếu tại các quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa Trung Quốc như Malaysia, Brazil và Nam Phi khi đó sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Bà Guan Yi Low, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý đầu tư toàn cầu M&G Plc nhận định: một trong những lý do chính để lạc quan về trái phiếu thị trường mới nổi kỳ hạn dài là xu hướng giảm lạm phát do yếu tố Trung Quốc, điều sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách hạ lãi suất.
Trong ngắn hạn, thị trường có thể chứng kiến lạm phát giảm sâu hơn nữa nhờ dòng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Điều này sẽ tạo điều kiện để nhiều ngân hàng trung ương châu Á sớm triển khai các đợt cắt giảm lãi suất. Sự suy yếu của đồng USD cũng đồng nghĩa những nhà hoạch định chính sách sẽ bớt lo ngại về nguy cơ đồng nội tệ mất giá nếu họ hạ lãi suất.
Tuy nhiên, không phải lúc nào dòng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc cũng được đón nhận tích cực.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) và các doanh nghiệp nước này đã cảnh báo về tác động tiêu cực khi hàng hóa Trung Quốc tràn vào các thị trường Đông Nam Á, gây sức ép cạnh tranh lên những nhà sản xuất khác.
Cùng với đó, một số nhà đầu tư vẫn tỏ ra e dè với việc mua trái phiếu bằng nội tệ của các thị trường mới nổi, do lo ngại mặt bằng lãi suất tương đối cao của Mỹ sẽ hạn chế dòng vốn chảy vào các tài sản này.
Ông John Woods, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á của ngân hàng Lombard Odier, cho biết các khách hàng vẫn chuộng những công cụ nợ bằng đồng USD hơn. Theo ông, chưa thể khẳng định đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu đáng kể trong khi chênh lệch lãi suất vẫn còn khá lớn.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khi-hang-xuat-khau-trung-quoc-tim-ben-do-moi/373803.html