Khí hậu cực đoan gia tăng

Tháng 5-2023, hồ thủy điện lớn nhất miền Nam là hồ Thủy điện Trị An tiệm cận mực nước chết, thấp nhất trong 12 năm qua. Tháng 10-2024, sông Đồng Nai - dòng sông lớn thứ nhì ở Nam Bộ về lưu vực, có triều cường lập đỉnh, cao nhất trong 24 năm trở lại đây.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đi kiểm tra khu vực ngập tại huyện Nhơn Trạch do triều cường tháng 10-2024. Ảnh: C.T.V

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đi kiểm tra khu vực ngập tại huyện Nhơn Trạch do triều cường tháng 10-2024. Ảnh: C.T.V

Trên đây là 2 dẫn chứng cho thấy, khí hậu cực đoan ở vùng Đông Nam Bộ đang gia tăng và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội.

Hạn hán, ngập nước lập đỉnh

Mùa khô năm 2023, hồ Thủy điện Trị An nằm trên địa bàn Đồng Nai tiệm cận mực nước chết. Khi đó, không chỉ việc vận hành các tổ máy sản xuất điện khó khăn mà phía hạ du, nguồn nước và chất lượng nước đầu vào cho sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt cho cả chục triệu người dân ở Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương bị ảnh hưởng. Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nuôi thủy sản phía hạ nguồn như Long Thành, Nhơn Trạch khó khăn hơn.

Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An Võ Tấn Nhẫn cho biết, hồ Thủy điện Trị An là hồ thủy điện lớn nhất miền Nam với dung tích hơn 2,7 tỷ m3 nước và diện tích lưu vực hơn 30 ngàn hécta. Ngoài mục đích chính là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, hồ còn điều tiết lũ cho vùng hạ du, đảm bảo lượng nước sinh hoạt và nước tưới cho nhiều vùng thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời hạn chế xâm nhập mặn. Hồ thủy điện và vùng bán ngập Trị An góp phần kiến tạo cảnh quan cho Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Vào mùa khô năm 2023, mực nước hồ giảm còn 50,5m/62m.

Cùng thời điểm mùa khô năm 2023, hồ thủy lợi Dầu Tiếng (nằm trên địa bàn 3 tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) cũng bị giảm mực nước nghiêm trọng. Một số khu vực, nhất là các nơi nằm ngoài phạm vi cấp nước của hệ thống công trình thủy lợi và khu vực có địa hình cao, xảy ra thiếu nước cục bộ.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam (đơn vị quản lý), hồ Dầu Tiếng là công trình đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh quốc gia, có dung tích chứa hơn 1,5 tỷ m3 nước. Trước đây, công trình được xây dựng nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng về sau, hồ có nhiều chức năng khác như: điều tiết lũ, xả nước xuống sông Sài Gòn để ngăn mặn; khai thác năng lượng tái tạo, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, du lịch. Vào mùa khô năm 2023, mực nước ở hồ lúc thấp nhất là 20,8m/24,4m.

Hồ Thủy điện Trị An, hồ Dầu Tiếng là những công trình chứa nước đa mục đích. Vào mùa khô năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng đến sớm và kết thúc muộn, kết hợp với mưa ít khiến các hồ bị cạn, làm giảm chức năng của hồ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Trái với tình trạng trên, tháng 10-2024, dòng sông lớn thứ nhì ở Nam Bộ về lưu vực là sông Đồng Nai lại có triều cường cao nhất trong 24 năm qua. Điều này khiến một số khu vực trũng thấp ở hạ lưu sông của Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh bị ngập, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, giao thông thủy và sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết, trong 3 ngày 18, 19 và 20-10, triều cường trên sông Đồng Nai duy trì ở mức cao, lúc cao nhất là 2,9m, trên báo động II là 0,9m và là đỉnh cao nhất trong 24 năm qua. Cũng theo ông Huy, những năm gần đây, vào mùa mưa triều cường duy trì ở mức cao, nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng.

Cùng khoảng thời gian ngày 18-10, triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt đỉnh 1,8m, vượt mức báo động III 0,2m, nhiều tuyến đường ven sông, ven kênh bị ngập sâu, người dân và phương tiện đi lại khó khăn. Còn tại tỉnh Bình Dương, triều cường cũng đạt đỉnh 1,8m, vượt mức báo động III 0,2m và là đỉnh triều cường cao nhất từng được ghi nhận tại tỉnh.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đặt ra mục tiêu đến năm 2030 cơ bản giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, ngập úng; năm 2050 phát triển hài hòa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.

Cần có giải pháp ứng phó lâu dài

So với các vùng kinh tế khác của cả nước, Đông Nam Bộ có thời tiết ôn hòa. Tuy nhiên, những năm gần đây, BĐKH khiến các yếu tố cực đoan ngày một gia tăng. Theo đó, mùa khô đến sớm và kết thúc muộn, nắng nóng gay gắt dẫn đến hạn. Mùa mưa thì xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, kéo dài kết hợp với triều cường gây ngập.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Thường cho rằng, BĐKH và khí thải nhà kính đang làm gia tăng các yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường và con người. Chẳng hạn, về nguồn nước, chất lượng và trữ lượng nước suy giảm đã tác động tiêu cực đến sản xuất điện, sự sống của các sinh vật, sinh hoạt và sản xuất của con người. Môi trường sống của nhiều loài sinh vật, kể cả con người, bị thu hẹp do nước biển dâng, sạt lở đất, do xâm nhập mặn. Nhiệt độ tăng cao khiến cháy rừng dễ xảy ra hơn. Sự thay đổi lượng mưa và nhiệt độ có thể gia tăng bệnh truyền nhiễm…

Cũng theo ông Thường, Đồng Nai đã có những cam kết và đang hành động mạnh mẽ cùng với Chính phủ và các quốc gia trên thế giới ứng phó BĐKH. Có thể kể đến Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 ban hành năm 2021; Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành năm 2024; Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Một số khó khăn mà tỉnh gặp phải trong nỗ lực giảm phát thải, thích ứng với BĐKH là thiếu nhân lực cũng như tiêu chuẩn/quy chuẩn áp dụng kiểm kê khí nhà kính đối với các cơ sở bắt buộc; chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo, xanh, sạch; phát triển nông nghiệp xanh, nhất là trong chăn nuôi; áp dụng công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải các loại.

Thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện các nhóm giải pháp đó là: triển khai các hợp phần của Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh trong Quy hoạch tỉnh cũng như quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bảo vệ diện tích rừng và trồng thêm cây xanh; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng; giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực phát thải lớn…

Hồ Thủy điện Trị An, hồ thủy điện lớn nhất miền Nam cạn nước mùa khô năm 2023.

Hồ Thủy điện Trị An, hồ thủy điện lớn nhất miền Nam cạn nước mùa khô năm 2023.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, nắng nóng kéo dài, mưa ngập, triều cường tăng là những yếu tố cực đoan do BĐKH gây ra. Giải pháp đặt ra là phải nỗ lực để giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động tiêu vực đến môi trường. Việc này cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, mỗi doanh nghiệp và người dân.

Khi đi kiểm tra thực tế các điểm ngập do triều cường tại 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi lưu ý chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền người dân tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường. Rà soát lại các tuyến kênh, rạch, sông để thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy và gia cố bờ bao.

Trong Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tháng 5-2024 đặt ra mục tiêu là vùng sẽ đi đầu trong đổi mới tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, carbon thấp, thích ứng với BĐKH. Đến năm 2030, tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, ngập úng cơ bản được giải quyết. Muốn vậy, các địa phương phải liên kết, cùng hành động giảm phát thải, xử lý tốt các điểm nghẽn, đồng thời thực hiện đúng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng đã được duyệt.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202410/khi-hau-cuc-doan-gia-tang-46f72a2/