Khí hóa lỏng LNG: Mũi nhọn mới trong bản đồ năng lượng quốc gia

Việt Nam đang từng bước loại bỏ hoàn toàn năng lượng từ than, chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện hiện có sang sử dụng khí tự nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với công suất cao.

Ngày 21/5, phát biểu tại Hội thảo chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)” nằm trong khuôn khổ Chương trình “Hợp tác chia sẻ giải pháp cho các ngành công nghiệp tương lai”, ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng cao và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang được định hướng là nguồn năng lượng chuyển tiếp quan trọng.

Cụ thể tại Việt Nam, dự kiến mỗi 1% tăng trưởng GDP sẽ kéo theo mức tăng tiêu thụ điện khoảng 1,4%. Đến năm 2050, nhu cầu điện thương phẩm ước đạt từ 1.237,7 - 1.375,1 tỷ kWh (tương đương 1.237,7 - 1.375,1 TWh). Trong đó, các ngành công nghiệp và xây dựng dự kiến chiếm khoảng 50-60% tổng nhu cầu điện năng.

Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).

Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).

Tại đây, ông Thịnh cũng trích dẫn lại lời của Thủ tướng Chính phủ tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: "Phát triển điện lực phải đi trước một bước, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Theo đó, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng quan trọng nhằm thực hiện các cam kết phát triển bền vững toàn cầu.

“Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang từng bước loại bỏ hoàn toàn năng lượng từ than, chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện hiện có sang sử dụng khí tự nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với công suất cao. Đồng thời, Việt Nam mở rộng đáng kể nguồn cung từ năng lượng tái tạo và đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi chiến lược này”, ông Đỗ Tiến Thịnh nói.

Đặc biệt, sự kết hợp đa dạng các giải pháp là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam. LNG đóng vai trò nguồn năng lượng chuyển tiếp ổn định, giúp giảm phụ thuộc vào than và thúc đẩy phát triển năng lượng sạch. Khi tích hợp với hệ thống lưu trữ và lưới điện thông minh, LNG tăng tính linh hoạt và ổn định cho các nguồn tái tạo. Ngoài ra, đầu tư hạ tầng LNG còn mở đường cho công nghệ mới như hydro xanh, thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) và lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR).

Cũng tại Hội thảo, ông Keith Mark Doten - Giám đốc Tư vấn Giao dịch tại PwC đánh giá LNG được đánh giá là giải pháp điện nền có tính ổn định cao, giúp đảm bảo cung – cầu điện trong bối cảnh nhu cầu tăng trưởng mạnh (ước tăng trưởng GDP trung bình ~8%/năm đến 2050).

So với than đá, LNG có phát thải thấp hơn, linh hoạt hơn về vận hành, và thuận lợi hơn khi kết hợp với các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trong hệ thống điện tương lai. Chi phí sản xuất điện từ LNG hiện nay tương đương với các nguồn truyền thống như thủy điện, năng lượng mặt trời trên mái nhà, và thậm chí thấp hơn năng lượng gió ngoài khơi.

Ông Keith Mark Doten - Giám đốc Tư vấn Giao dịch tại PwC.

Ông Keith Mark Doten - Giám đốc Tư vấn Giao dịch tại PwC.

Đặc biệt, việc phát triển ngành điện LNG tại Việt Nam không đơn thuần là câu chuyện kỹ thuật hay đầu tư, mà còn liên quan chặt chẽ tới chính sách điều hành giá điện, cơ chế PPA (hợp đồng mua bán điện), năng lực lưu trữ – tái khí hóa LNG, và tính ổn định trong chuỗi cung ứng.

Mặc dù một số dự án như Nhơn Trạch 3&4 đã ký PPA và chuẩn bị vận hành thương mại trong năm 2025, nhưng đa số các dự án còn lại vẫn đang gặp khó khăn ở các khâu lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thiện pháp lý và đàm phán giá điện.

Vì vậy, với tầm nhìn dài hạn và tốc độ tăng trưởng GDP hàng đầu châu Á, ông Keith nhận định Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và chính sách tài chính cho ngành LNG, từ đó biến năng lượng sạch này trở thành động lực tăng trưởng mới, song hành với phát triển công nghiệp và đô thị hóa.

Phạm Thị Thanh Loan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khi-hoa-long-lng-mui-nhon-moi-trong-ban-do-nang-luong-quoc-gia-204250521165421301.htm