Khi học sinh bị rối loạn tâm thần, lo âu

Gia đình, nhà trường và xã hội chưa theo kịp những vấn đề về sức khỏe tâm thần mà học sinh, sinh viên gặp phải hiện nay. Những khoảng trống này gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Có trẻ lên kế hoạch chi tiết tự tử

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, hiện nay có hai vấn đề ở học sinh, sinh viên cần quan tâm là sức khỏe tình dục (kiến thức về các bệnh lây truyền qua đường tình dục) và an toàn tình dục. Thực tiễn khám, tư vấn, BS Thành gặp trường hợp nam sinh bị bạn gái tố cáo hay gửi ảnh ấu dâm.

Thực tế, nam học sinh này bị một tài khoản trên mạng làm quen, dụ dỗ gửi ảnh và đoạn phim ấu dâm, sau đó, bị những đối tượng lừa đảo phát tán trên mạng. Từ câu chuyện trên, BS Thành cho rằng, phải giúp các em trưởng thành không chỉ về sức khỏe, thể chất mà còn cả tinh thần, kiến thức xã hội.

Diễn đàn Điều em muốn nói do báo Tiền Phong tổ chức là nơi học sinh, người trẻ bày tỏ tâm tư về sức khỏe tâm thần, các vấn đề về bạo lực học đường. Ảnh:TP

Diễn đàn Điều em muốn nói do báo Tiền Phong tổ chức là nơi học sinh, người trẻ bày tỏ tâm tư về sức khỏe tâm thần, các vấn đề về bạo lực học đường. Ảnh:TP

BS Thành khuyến cáo, các gia đình cần quan tâm đến y học giới tính, về xu hướng tính dục của trẻ hiện nay (thí dụ như yêu đồng giới). Nhiều bác sĩ cũng lúng túng khi tư vấn nội dung này. Ông nhấn mạnh, để giáo dục giới tính, cần phải có 3 trụ cột: Sinh lí - tâm lí - xã hội và vai trò của tổ chức, người hoạch định chính sách vô cùng giá trị

BS Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thực trạng đáng lo ngại đó là nhiều trẻ đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đó, phổ biến nhất là rối loạn lo âu.

Theo thống kê, tỉ lệ trẻ em Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần nói chung (có ít nhất 1 rối loạn tâm thần chiếm tới 29%. Bác sĩ Mai thông tin, rối loạn lo âu có nhiều hình thái khác nhau và phụ huynh thường bỏ qua vì nghĩ trẻ không căng thẳng, chỉ biết ăn, biết ngủ, biết học hành, biết chơi. Tuy nhiên trẻ có áp lực từ học tập, từ kì vọng của cha mẹ dẫn đến rối loạn lo âu, sớm nhất mới 3 tuổi.

“44% trẻ em có vấn đề về lo âu không đến khám tại các phòng khám tâm thần, mà đến khám với các bệnh lí như tiêu hóa, đau đầu, rối loạn giấc ngủ kéo dài. Dù được điều trị tích cực nhưng không cải thiện, cuối cùng tìm ra bệnh do trẻ bị rối loạn lo âu”, bà Mai nói.

“Con số giật mình khi 44% trẻ em có vấn đề về lo âu không đến khám tại các phòng khám tâm thần, mà đến khám với các bệnh lí như tiêu hóa, đau đầu, rối loạn giấc ngủ kéo dài. Các bác sĩ nhi khoa, dù được điều trị tích cực nhưng không cải thiện. Cuối cùng tìm ra bệnh do trẻ bị rối loạn lo âu”.

BS Nguyễn Thị Phương Mai

Trầm cảm, một dạng rối loạn lo âu, chiếm tới 1/4 số trẻ. Trầm cảm ở trẻ khác với người lớn, không mang phong thái trầm buồn mà kích thích, chống đối, kích động… Có trẻ còn có ý tưởng tự sát và kế hoạch tỉ mỉ chi tiết cho việc này. “Chúng tôi từng tiếp nhận trẻ có ghi nhật kí chi tiết kế hoạch tự tử của mình”, bác sĩ Mai xót xa.

Ngoài ra, trẻ còn có hành vi tự làm đau bản thân bằng những vật sắc nhọn. Bác sĩ Mai từng ấn tượng với một trẻ 14 tuổi đến khám trong tình trạng từ cổ đến chân đều có vết cắt, bố mẹ nói bị mèo cào. Nhưng dưới con mắt của bác sĩ, đó là vết cắt có chủ ý của trẻ. Nguyên nhân do trẻ bị rối loạn bản dạng giới tính nhưng mỗi lần chia sẻ, bố mẹ không chấp nhận.

Bác sĩ Mai nhấn mạnh đến vấn đề bắt nạt học đường nổi cộm và ngày càng trở nên tinh vi hơn khi có sự hỗ trợ của mạng xã hội. Theo bà Mai, bạo lực học đường không chỉ bạo lực nóng (tác động vật lí) như trước, các hình thức của bạo lực lạnh (bạo lực trắng, bạo lực tinh thần) không thể biết ảnh hưởng như thế nào với đứa trẻ. Nhiều em đến khám trong tình trạng hoảng loạn.

Cha mẹ hầu như chỉ quan tâm đến điểm số, phàn nàn nhiều của giáo viên nhưng không quan tâm đến đời sống học đường của con. Nhiều cha mẹ cho con đi khám không nắm bắt được việc con em mình bị bắt nạt học đường. Thực tế, những tổn thương tinh thần do bắt nạt học đường không thể cân đo đong đếm.

Bà Mai chỉ ra rối loạn phát triển thần kinh, điển hình như rối loạn học tập, chiếm khoảng 36 % trong tất cả các rối loạn phát triển của trẻ. Thêm nữa, rối loạn tăng động, giảm chú ý, nhưng thường bị phụ huynh bỏ qua giai đoạn vàng điều trị (dưới 3 tuổi). Hậu quả của rối loạn phổ tự kỉ để lại gánh nặng với xã hội khi sau này trẻ mất khả năng kết nối xã hội và có thể trở thành một trong những đối tượng nhạy cảm, dễ bị bắt nạt, dễ bị lạm dụng.

Bác sĩ Mai bày tỏ, hiện có nhiều vấn đề các bác sĩ bức xúc khi mạng xã hội lan truyền kiến thức hầu hết chưa được kiểm chứng, dẫn đến cha mẹ bị định hướng sai, can thiệp sai cho con.

“Nhiều thông tin cho rằng trẻ tự kỉ không được phép uống sữa. Thực tế, trẻ cần uống sữa theo nhu cầu để tăng trưởng chiều cao, nhưng nhiều cha mẹ cắt bỏ sữa, thịt bò, protein cho trẻ. Như vậy, trước khi trẻ hình thành kĩ năng, trẻ đã suy dinh dưỡng”, bác sĩ Mai cho hay.

Đặt người trẻ vào vị trí trung tâm

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội chia sẻ, mỗi cách tiếp cận đều có thể mở ra những giải pháp phù hợp hơn với từng nhóm người trẻ cụ thể. Chính vì vậy, cần một tầm nhìn khách quan và không định kiến khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến thế hệ trẻ.

Theo ông Sơn, xã hội có xu hướng quy trách nhiệm cho người trẻ khi đối diện với các hiện tượng tiêu cực, bất cập. Nếu tiếp cận dưới lăng kính xã hội học, cần thừa nhận rằng, trong nhiều trường hợp, họ không có lỗi, nguyên nhân sâu xa gồm những bất cập trong hệ thống chính sách, môi trường, văn hóa. Việc quy chụp này sẽ khó tìm được giải pháp đúng đắn và căn cơ.

Để giải quyết các vấn đề của giới trẻ một cách hiệu quả, PGS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề xã hội tổng thể, liên quan đến kinh tế, văn hóa, pháp luật, chính trị…; trong đó, cốt lõi phải đặt người trẻ vào vị trí trung tâm trong quá trình hoạch định chính sách.

"Không phải sự ban phát, mà tạo điều kiện để người trẻ có tiếng nói, có cơ hội được thể hiện, được tham gia và được quyết định. Trong các diễn đàn, trong xây dựng chính sách, định hướng phát triển cho tương lai - thanh niên cần được lắng nghe, được thể hiện chính kiến và nguyện vọng của mình. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường phát triển bền vững cho thanh niên", PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Ông khẳng định, để thực hiện điều đó, phải làm thật bằng chính sách cụ thể, có chiến lược rõ ràng, không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Trong đó, Đoàn Thanh niên cần được phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối giữa thanh niên và hệ thống chính trị-xã hội, là nơi truyền tải tâm tư, khát vọng và đóng góp thiết thực của thế hệ trẻ vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khi-hoc-sinh-bi-roi-loan-tam-than-lo-au-post1731718.tpo