Thuốc trị Hội chứng Ganser
Hội chứng Ganser rất hiếm gặp, là một dạng rối loạn giả tạo mà người bệnh cố tình giả vờ mắc bệnh về thể chất hoặc tinh thần, khiến người bệnh bị stress nặng, lo âu, mất trí, mất năng lực định hướng…
1. Các thuốc điều trị Hội chứng Ganser
Điều trị Hội chứng Ganser bằng thuốc thường được kết hợp khi người bệnh có biểu hiện của rối loạn lo âu, trầm cảm... đi kèm.
1.1. Thuốc điều trị lo âu
Tác dụng: Thuốc điều trị rối loạn lo âu phổ biến và hiệu quả nhanh đó là thuốc benzodiazepin (seduxen). Thuốc có tác dụng làm tăng chất dẫn truyền thần kinh GABA trong não, một chất tạo sự kết nối giữa các tế bào thần kinh giúp cho người bệnh trở nên bình tĩnh, giảm bớt những biểu hiện của lo âu như bồn chồn, hồi hộp trống ngực, vã mồ hôi, tim đập nhanh, ngủ ít... của bệnh. Tuy nhiên việc dùng thuốc này cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tình trạng lạm dụng dẫn đến nghiện thuốc.
Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng benzodiazepin: Buồn ngủ, ngủ gà, rối loạn ý thức, choáng váng, ảnh hưởng đến sự phối hợp, tăng nguy cơ ngã và tai nạn, đặc biệt với người cao tuổi, có thể gây trầm cảm, tăng lo âu, sử dụng lâu dài dẫn đến chứng quên, tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, có thể có những hành vi nguy hiểm, mê sảng (đặc biệt ở người già).
Ngoài ra, người bệnh có nguy cơ phụ thuộc, đặc biệt là khi sử dụng thuốc benzodiazepin lâu dài. Người bệnh đang sử dụng benzodiazepin mà dừng thuốc đột ngột, có thể gây ra hội chứng cai với những biểu hiện như lo âu hoảng sợ, kích thích vật vã, run, choáng váng, mệt mỏi, mất ngủ, thở nhanh nông, vã mồ hôi, co cơ, cơ co giật, nóng bừng, đau đầu, đau cơ...

Hội chứng Ganser, một hội chứng rất hiếm gặp, là một dạng rối loạn giả tạo mà người bệnh cố tình giả vờ mắc bệnh.
1. 2. Thuốc điều trị trầm cảm
Tác dụng: Với những bệnh nhân mắc Hội chứng Ganser có biểu hiện của trầm cảm, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc chống trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng làm tăng serotonin, cải thiện cảm xúc, giúp người bệnh vui vẻ, thoải mái, không còn buồn chán bi quan tiêu cực. Những thuốc chống trầm cảm thường thể hiện hiệu quả sau thời gian điều trị từ 2 đến 4 tuần.
Thuốc chống trầm cảm phổ biên hiện nay là nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) như sertralin, fluoxetin, fluvoxamin... Thuốc chống trầm cảm ba vòng amitriptylin hiện nay còn được sử dụng khá phổ biến nhưng có nhiều tác dụng phụ hơn thuốc thế hệ mới SSRI.

Cần tuân thủ đúng chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc chống trầm cảm bao gồm: Cảm giác bị kích động, lo âu, run, khó tiêu, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy/táo bón, mất cảm giác ngon miệng, chóng mặt, mất ngủ/ngủ nhiều, đau đầu, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, rối loạn nhịp tim, tăng cân...
Hội chứng Ganser là một hội chứng có nhiều yếu tố tâm lý gây khởi phát bệnh. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, việc trị liệu tâm lý là quan trọng với hội chứng này. Các liệu pháp trị liệu tâm lý như: Liệu pháp nhận thức hành vi, kỹ thuật quản lý stress như thiền, thư giãn hít thở và thay đổi lối sống...
2. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị
Để đảm bảo việc dùng thuốc an toàn, hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ:
- Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
- Tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ, không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Tái khám theo lịch.
- Trong thời gian dùng thuốc, nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
Rối loạn tâm thần do mất ngủ- những dấu hiệu cảnh báo.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-hoi-chung-ganser-169250407112633047.htm