Khi học sinh đóng vai đại biểu Liên hợp quốc
Sau 2 mùa hoạt động rất thành công, hội nghị mô phỏng phiên họp Liên hợp quốc tiếp tục được Câu lạc bộ Hung Vuong Speech and Debate Society Presents (Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai) tổ chức trong 2 ngày 22 và 23-8. Hoạt động này đã tạo sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ tiếp cận tri thức một cách mới mẻ, trau dồi ngoại ngữ và các kỹ năng tranh biện.
Chủ đề của hội nghị lần này là sự nỗ lực của toàn cầu trong việc bài trừ nạn phân biệt chủng tộc và tiến tới sự hợp pháp hóa mối quan hệ đồng giới. Hội nghị có chủ tọa, quan sát viên, truyền thông và 25 học sinh từ lớp 8 đến lớp12 đóng vai đại biểu đại diện cho các quốc gia, đưa ra những ý kiến dựa trên lập trường quốc gia về chủ đề của hội nghị. Ngoài học sinh của tỉnh Gia Lai, hội nghị còn có sự tham gia của 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Bình Định) và 3 học sinh tỉnh Bến Tre tham gia với hình thức online.
Để được tham gia hội nghị chính thức, từ đầu tháng 5-2020, Câu lạc bộ đã triển khai cuộc thi online để nhận hồ sơ. Các ứng viên phải trả lời câu hỏi liên quan, thể hiện sự hiểu biết của mình về chủ đề của hội nghị. Từ đó, Ban tổ chức lựa chọn những hồ sơ đạt tiêu chuẩn, trong đó, yêu cầu bắt buộc là phải biết tiếng Anh vì mọi giao tiếp được truyền đạt hoàn toàn bằng ngôn ngữ này.
Là thành viên nhỏ tuổi nhất, em Nguyễn Thị Thanh Nga (lớp 8, Trường THCS Nguyễn Du, TP. Pleiku) chia sẻ: “Hùng biện, tranh biện bằng tiếng Việt đã khó, trình bày bằng tiếng Anh còn khó hơn. Em nói khá tốt tiếng Anh nhưng khi tham gia hội nghị, thấy các anh chị đều rất tự tin và tranh biện một cách ấn tượng, em được mở mang kiến thức và học hỏi được nhiều kinh nghiệm”.
Tại hội nghị, lần lượt đại diện các nước trình bày theo chủ đề, các đại biểu phát biểu, đàm phán liên tục để bảo vệ lợi ích của quốc gia mình. Các nước tham gia hội nghị gồm: Nga, Trung Quốc, Mỹ, Colombia, Việt Nam, Thái Lan, Brazil, Mexico… Đóng vai đại biểu Mỹ tại hội nghị, em Nguyễn Đăng Thủy Trúc (lớp 11C2A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) đã đọc rất nhiều tài liệu, những bài báo về phân biệt chủng tộc và giới tính; những chính sách, pháp luật, thông tin liên quan đến nước Mỹ. Từ đó, Trúc đã đưa ra những giải pháp về giáo dục, truyền thông, chính trị để cải thiện tình trạng này.
“Lúc đầu, em thấy chủ đề này hơi quá sức so với lứa tuổi THPT. Nhưng sau khi tìm hiểu, em thấy nếu mình có kiến thức thì sẽ hiểu và nhận biết được, từ đó có cái nhìn đúng đắn. Hội nghị định hướng người tham gia có cái nhìn sâu hơn về các vấn đề toàn cầu, em cũng có thêm sự tự tin và khả năng đàm phán, rèn luyện tư duy phản biện”-Trúc chia sẻ.
Theo dõi hội nghị, có thể thấy sự nghiêm túc của Ban tổ chức trong việc mô phỏng những chi tiết một phiên họp của Liên hợp quốc. Cách xưng hô, không gian hội nghị, cờ đại diện cho các nước, cách bày tỏ quan điểm của các đại biểu đều thể hiện sự đầu tư tìm hiểu. Đặc biệt, tất cả các đại biểu đều bắt buộc phải mặc trang phục lịch sự.
Em Hồ Bùi Mỹ Duyên (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bình Định) và bạn cùng lớp bắt xe khách lên Gia Lai tham gia hội nghị đủ thấy sự hào hứng với hoạt động này. Duyên cho biết: “Khi vào vai đại biểu đại diện cho một quốc gia, tất cả thành viên phải tranh biện, đàm phán dựa trên luật pháp, các điều khoản đã quy định, tuyệt đối không được phát biểu theo cảm tính. Ngoài trang bị kiến thức thì việc đặt mình vào vị trí công dân của một đất nước khác cũng là một trải nghiệm rất thú vị”.
Kết thúc phiên họp, các “nhà ngoại giao” đã đồng lòng thông qua bản nghị quyết từ chủ tọa với giải pháp thiết thực để giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và mối quan hệ đồng giới ở các quốc gia. Điều mà mỗi thành viên tham gia hội nghị lần này nhận được chính là những bài học kinh nghiệm, là cơ hội trau dồi khả năng ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng tranh biện và kết nối bạn bè cùng niềm đam mê.
Em Nguyễn Mai Linh (lớp 12, Trường THPT chuyên Hùng Vương)-Trưởng ban tổ chức hội nghị mô phỏng phiên họp Liên hợp quốc-thông tin: “Năm trước, em đóng vai đại biểu tham gia hội nghị. Chỉ ở mức độ mô phỏng nhưng để tổ chức thành công hội nghị, chúng em đã tìm hiểu kỹ lưỡng về quy trình của một phiên họp Liên hợp quốc và tìm hiểu những vấn đề “nóng” hiện nay trên toàn cầu. Chúng em hy vọng, sau chương trình này, mỗi bạn sẽ tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích, có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng”.