Khi học sinh không chọn đại học

Ngày càng nhiều học sinh chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THPT. Trong ảnh: Sinh viên học nghề điện tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên - Ảnh: MẠNH THÚY

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2019, số lượng học sinh lớp 12 đăng ký xét tuyển vào đại học (ĐH) giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với 2018, 2017 và nhiều năm về trước.

Cụ thể, cả nước có hơn 886.000 học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019, trong đó có hơn 650.000 em xét tuyển ĐH; 279.001 em dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không vào ĐH (chiếm 27,8%). Con số này năm 2018 là 25,7% và 2017 là 25%. Tính riêng ở Phú Yên, có đến 1.584/10.354 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT. Tín hiệu này thể hiện nét mới trong xu hướng chọn nghề, chọn trường của học sinh và phụ huynh.

Theo Sở GD-ĐT Phú Yên, nếu như trước đây, lựa chọn này chủ yếu là học sinh miền núi, vùng khó khăn, thí sinh hệ giáo dục thường xuyên thì năm nay lại trải đều ở các vùng, kể cả vùng đồng bằng thuận lợi và đô thị. Theo thầy Huỳnh Xuân Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Tây Hòa), năm nay trường có 99 học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Mục tiêu của các học sinh này là để lấy điểm xét tốt nghiệp, sau đó đăng ký vào các trường nghề hoặc lựa chọn hướng đi khác.

Tương tự Trường THPT Phan Bội Châu (huyện Sơn Hòa) có đến 129 học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Một học sinh cho biết: Việc học nghề phù hợp với năng lực của em hơn, hơn nữa, cũng bớt cho gia đình gánh nặng về kinh tế bởi giờ tốt nghiệp ĐH ra trường rất khó tìm việc làm phù hợp với chuyên môn đã học. Học lực em không giỏi nên em hy vọng đỗ tốt nghiệp rồi đi học nghề.

Xu hướng chọn trường nghề thay vì vào ĐH cũng đã có sự chuyển biến tích cực trong suy nghĩ của các phụ huynh. Nếu như trước đây, có con em vào ĐH là cơ hội được “nở mày nở mặt” với xóm làng thì hiện nay, nhiều phụ huynh đã có cái nhìn thực tế hơn về việc chọn trường, chọn nghề cho con em mình. Ông Nguyễn Văn Chương ở phường 3, TP Tuy Hòa có con đang học lớp 12 chia sẻ: Con trai tôi học lực trung bình, nếu cứ “cố” vào đại học sợ cháu theo không nổi nên tôi định hướng cho con sau khi tốt nghiệp THPT thì đi học nghề.

Theo Sở GD-ĐT, để có sự thay đổi này, công tác hướng nghiệp được các trường phổ thông hết sức chú trọng. Bên cạnh phối hợp với các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các trường thường xuyên cập nhập xu hướng, dự báo cơ hội việc làm trong và ngoài tỉnh, cơ chế tuyển dụng của các cơ quan nhà nước và xu hướng tinh giản biên chế mà cả nước đang thực hiện để học sinh có sự lựa chọn phù hợp với thực tế cũng như năng lực của mình.

“Học sinh không xét tuyển ĐH mà chọn các trường nghề trong những năm gần đây ngày càng tăng là sự lựa chọn phù hợp với thực tế tuyển dụng nhân lực hiện nay. Bởi với nền kinh tế mở, nhiều khu công nghiệp mới được hình thành, các nhà tuyển dụng quan tâm lựa chọn những người thợ vững tay nghề. Điều này đã tác động đến xu hướng chọn nghề, chọn trường của các em học sinh lớp 12”, TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên nhận định.

Ngành nghề nào cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm; đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép người lao động có thêm nhiều lựa chọn ngành nghề hơn. Đã đến lúc người học thực tế hơn, tìm cho mình một con đường phù hợp với yêu cầu của xã hội.

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/222122/khi-hoc-sinh-khong-chon-dai-hoc.html