Khi hôn nhân bắt lỗi... chính tả
Là một người viết, sử dụng chữ nghĩa làm nghề nghiệp như tôi thì gặp lỗi chính tả giống như cắn phải sạn trong cơm vậy. Nhiều khi, bệnh nghề nghiệp, tôi bắt lỗi chính tả cả trong tin nhắn yêu thương mà vợ gửi cho mình. Và thế là một trận cãi nhau đúng nghĩa từ trên trời rớt xuống đầu. Vợ tôi thì cho rằng tôi chỉ quan tâm đến lỗi chính tả mà không đọc ra tâm ý của vợ. Còn tôi thì khăng khăng rằng tôi hiểu tâm ý của vợ nhưng mà cái lỗi chính tả nó 'cà khịa' tôi…
Yêu bao nhiêu mới biết bao dung?
Ngôn tình mà nói, nếu người ta yêu nhau đủ sâu nặng, đủ lớn, họ sẽ tha thứ cho nhau mọi điều. Chẳng phải thế sao nhiều phụ nữ mê đắm cái mùi mồ hôi của chồng. Yêu nhau chín bỏ làm mười, chẳng ai như tôi lại đi soi cái lỗi chính tả trong tin nhắn vô cùng tình tứ của vợ.
Mà "em yêu anh vì anh trân thành" với "em yêu anh vì anh chân thành" nào có sai lệch bao nhiêu? Ừ thì trân trọng và thành thật cũng được chứ sao phải bắt bẻ chân chứ không phải là trân? Thà là vợ viết sai kiểu Thúy thành Thúi đã đành. Là tôi chưa yêu vợ đủ nên bắt lỗi vợ đúng không?
Hôm trước, trong chương trình "Phụ Nữ Là Để Yêu Thương" mà tôi làm người dẫn chương trình, một phụ nữ cũng than thở với tôi rằng:
"Đàn ông các anh có phúc mà không biết hưởng, cứ hở tí là lại bắt lỗi chị em chúng tôi. Như hôm trước chồng tôi có uống 1 ly rượu nên giao xe cho tôi chở anh về. Thà là cứ nằm im trên xe mà ngủ đi, vợ lái mãi rồi, đằng này cứ ngồi bên cạnh bắt lỗi. Nào là sao em chuyển làn mà không xi nhan? Làn bên dành cho xe máy, sao em lái vào đó?
Tôi tức điên lên mắng cho một trận. Cứ như thể giao xe cho phụ nữ là tội ác vậy. Đường khuya đêm vắng, cả đường có cái xe nào đâu ngoài xe mình mà phải nhan với cả phân định làn nào? Nhiều khi các anh rõ ràng là nguyên tắc thái quá, cứ phải khoét đủ 2 lỗ, một cho chó và một cho mèo, trong khi linh hoạt một chút, một lỗ chung cho cả 2 con có sao?".
Nhiều người đàn ông nguyên tắc và cứng nhắc. Tôi công nhận. Và nhiều khi mâu thuẫn bắt đầu từ những thứ bé xíu đó. Các ông thì nhất quyết phải thế này, phải thế kia mới là chuẩn.
Còn các bà thì miễn sao được việc. Hoặc cũng có khi ngược lại, nhiều ông chồng bị vợ mắng suốt vì làm gì cũng lề mề (vì theo từng bước), trong khi việc dồn ứ lại, đưa vào tay các bà một nhoáng là xong. Chưa hết đâu, cãi nhau một chặp thế nào cũng thành to chuyện. Nếu một trong hai người không xuống nước, cuộc cãi nhau sẽ tràn tới tận cửa tòa án có khi.
Đừng để người thương hóa người thường
Thầy Thích Nhất Hạnh nói: "Một cái gánh dù nhẹ mà gánh hoài cũng thành nặng, những phiền giận nếu không được tháo gỡ thì người thương sẽ sớm thành người bình thường, đến lúc thành người tầm thường trong mắt mình thì đổ vỡ là chắc chắn". Bao nhiêu cuộc hôn nhân đổ vỡ từ việc người thương hóa người thường?
Chuyện bắt lỗi nhau cũng vậy. Nếu ai cũng khư khư giữ cái đúng về mình thì đối phương hẳn phải gánh chữ "sai". Dù rõ ràng chúng ta nào muốn hơn thua cùng nhau đâu kia chứ? Như tôi, vì bệnh nghề nghiệp mà la toáng lên lúc cắn nhầm hạt sạn lỗi chính tả.
Nào phải tôi không yêu vợ mà bắt bẻ vợ đâu. Hay người chồng nọ của người phụ nữ kia, anh nhắc vợ xi nhan, chỉnh vợ về làn đường chẳng phải vì anh không tin vào tay lái của vợ. Chỉ là thấy tức mắt mà kêu lên một tiếng.
Cái tức mắt xảy ra mỗi ngày. Như cái tất bẩn để rớt bên cạnh sọt quần áo bẩn. Như "ra đụng vào chạm" có đổ vỡ đôi phen. Chỉ là đừng khiến cái tức mắt thành cái tức xì khói ra đằng mũi, thành cơn thịnh nộ, thành cãi vã, thành ấm ức, thành đủ thứ gớm ghiếc ném vào nhau. Nên cần lắm một chữ Thương trong đời sống hôn nhân. Là Người Thương chớ đừng là Người Thường.
Chúng ta đến với nhau vì yêu nhau, vì thương nhau, vì muốn có nhau. Chúng ta đã có những yêu đến từng xăngtimet da thịt của nhau. Chúng ta cũng đã có những giây phút mà chắc chắn nhắm mắt lại sẽ nhớ đến cồn cào. Vậy mà sao ta lại buông tay nhau ra vậy? Vì người ta thương đã hóa người thường, đến tầm thường, đáng khinh thường?
Thương giận của nhau ơi! Cái gánh trên vai này trút xuống được chưa? Bạn đang gánh trên vai, trong tim mình điều gì vậy? Bạn đời của bạn không san sẻ cái gánh đó của bạn hay vì bạn vẫn cố gánh mãi? Nhiều khi là bởi bạn không chịu buông xuống chứ chẳng phải vì bạn đời không chịu san sẻ cho bạn. Rồi thành oán trách. Rồi thành phiền muộn lúc nào không hay.
Thương giận của nhau à! Đừng để người thương hóa người thường. Thầy Thích Nhất Hạnh cũng nói rằng: "Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương".
Thấu hiểu không phải là bắt người khác phải hiểu thấu mình trong khi mình cứ khép chặt lòng mình lại đâu. Thấu hiểu là món quà chúng ta dành tặng nhau cơ mà. Học cách thấu hiểu bạn đời trước khi muốn bạn đời phải thấu hiểu ta. Người thương hóa người thường vì ta không chịu thấu hiểu bạn đời vậy.
Thương giận của nhau ạ! Niềm vui thì mang đến nụ cười nhưng nụ cười cũng sẽ mang đến niềm vui, đừng quên điều đó và sẵn sàng dành tặng bạn đời của mình, người thương của mình nụ cười của bạn đi, được không?
Đừng để đến nụ cười chúng ta cũng hiếm dành cho nhau. Đừng để một ngày phải xót xa khi thấy người thương hóa người thường. Ta thành người thường trong nhau vậy…
Chữa lành hôn nhân
Đâu phải cứ thương tổn, rách nát mới đem hôn nhân đi chữa lành. Dù đúng là khi chúng ta đang an ổn, đang hạnh phúc chẳng ai mang hôn nhân đi chữa lành cả. Nhưng như một chiếc xe chạy đến hạn kỳ cũng cần được bảo dưỡng, xiết lại cái ốc, thay dầu, bôi trơn lại để chiếc xe chạy ngon hơn, an toàn hơn. Là nếu bạn yêu cuộc hôn nhân này, yêu người vợ này, người chồng này, ta cũng nên mang cuộc hôn nhân của ta đi bảo dưỡng nó, phỏng ạ?
Tôi nghĩ về chữa lành như thế! Không phải là chữa những hỏng hóc mà là để nó đừng hỏng hóc. Không phải để cứu vãn hôn nhân mà là để hạnh phúc được vẹn tròn. Không phải để có người chồng hoàn hảo, người vợ tuyệt vời mà là để chúng ta ở bên nhau được tốt hơn, lâu bền hơn vậy.
Chữa lành một cuộc hôn nhân bắt đầu bằng việc vợ chồng dành thời gian chất lượng cho nhau. Để nhìn vào sâu tận bên trong chính bản thân mình: Liệu mình có thể làm được điều gì tốt hơn cho cuộc hôn nhân này? Đừng là người kia phải làm gì mà hãy là mình sẽ làm gì? Chẳng phải chúng ta cũng luôn muốn ta của hôm nay phải tốt hơn ta của hôm qua đó sao? Chữa lành chính những điều chưa ổn của bản thân mình để bản thân mình ổn hơn nữa. Và bạn đời sẽ đóng góp cùng ta không phải là em sai ở điểm này, anh chưa ổn ở điểm nọ mà là em tuyệt nhất trong mắt anh khi em ĐÃ làm điều này. Là anh khiến em hạnh phúc vô cùng khi anh ĐÃ làm điều nọ. Là chúng ta cho nhau thấy đối phương tuyệt vời ra sao để điều tuyệt vời đó được tiếp tục phát huy.
Chữa lành một cuộc hôn nhân còn là việc chạm vào nhau nhiều hơn, mỗi ngày. Tiếp xúc cơ thể luôn là liệu pháp chữa lành hiệu quả. Ra đụng vào chạm mà gây thương nhớ nhau. Để bạn đời của mình nhớ mãi cái đụng chạm đó, tủm tỉm cười khi nhớ về những đụng chạm đó. Khơi gợi lại cái xuyến xao, cái rung run của thuở ban đầu hai đứa.
Còn nhiều lắm những cách chúng ta có thể chữa lành cuộc hôn nhân này. Để thất vọng nào cũng chỉ là thất vọng tạm thời. Để giận thoáng qua thôi. Để thay tiếng thở dài thành hơi thở gấp. Để mỗi ngày tháng chúng ta được sống bên nhau sẽ vì thế mà thành mãi mãi lưu trong ký ức của ta. Dụm dành yêu thương ấy cho những "ngày thời tiết xấu", những lúc chớp tắt của hôn nhân vậy, được không?
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khi-hon-nhan-bat-loi-chinh-ta-20240325154213184.htm