Khi kẻ bắt cóc là người thân: Phụ huynh lưu ý điều gì?
Chuyên gia tâm lý cho rằng phụ huynh cần tạo các tình huống thực tế để trẻ nhận biết được nguy hiểm và tìm cách ứng phó.
Thời gian qua xảy ra nhiều vụ bắt cóc trẻ em, các đối tượng gây án với nhiều động cơ khác nhau như chiếm đoạt tài sản, trả thù cá nhân, thậm chí sát hại nạn nhân khi mục đích bất thành.
Điều đáng nói, đối tượng bắt cóc không chỉ là người lạ, hàng xóm xung quanh mà chính là người thân quen với gia đình nạn nhân. Có thể xem đây là tình tiết cần lưu tâm trong việc ngăn chặn những nguy cơ mất an toàn đối với trẻ.
Nghi phạm là người quen
Mới đây, ngày 19-10 đã xảy ra vụ bắt cóc bé trai sáu tuổi ở tỉnh Lâm Đồng, nghi phạm là ĐVĐ (người tình của mẹ nạn nhân). Sau khi xảy ra mâu thuẫn với mẹ cháu bé, ĐVĐ vì muốn nối lại tình cảm nên đã chạy xe máy đến trường đón cháu A (nạn nhân) với lý do mẹ cháu bị tai nạn. Thấy nạn nhân và hung thủ thân thiết nên cô giáo đồng ý cho đón về. Sau đó, Đ chở cháu bé bỏ trốn được một đoạn thì bị Công an TP Đà Lạt bắt giữ.
Cách đó không lâu, ngày 2-10, tại Long An, nghi phạm NTS đã bắt cóc bé gái ba tuổi (con của bạn) để đòi tiền chuộc 2 tỉ đồng do nợ nần vì thua cờ bạc. Cụ thể, NTS đến trường mẫu giáo đón con ruột và bé C (nạn nhân), sau đó S gửi con ở nhà nội và đưa nạn nhân chạy về hướng TP.HCM. Sau khi nhận tiền chuộc từ gia đình nạn nhân, S gửi cháu bé vào một khách sạn rồi lái xe bỏ trốn.
111 là số tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em. Năm 2022 và quý I-2023, tổng đài 111 thực hiện hỗ trợ khẩn cấp 20 ca trẻ em bị xâm hại với 20 trẻ em.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em chính thức ra đời vào ngày 19-5-2004 với tên gọi là đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em.
Tháng 10-2013, tổng đài được lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH giao nhiệm vụ triển khai đường dây nóng phòng, chống mua bán người trên nền tảng đường dây trợ giúp trẻ em.
Tương tự, ngày 19-9, một sự việc thương tâm đã xảy ra ở Hà Nội khi nữ nghi phạm GTHT bắt cóc bé gái 21 tháng tuổi để đòi 1,5 tỉ đồng tiền chuộc. Tuy nhiên, hung thủ đã sát hại cháu bé, ném xuống ao của một nhà dân ở tỉnh Hưng Yên khi lực lượng chức năng đang vào cuộc. Nghi phạm từng là người giúp việc của gia đình nạn nhân. Sau khi thôi việc, người nhà vẫn thuê người này đưa đón cháu bé đi nhà trẻ.
Dạy trẻ ứng phó với tình huống thực tế
TS tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam, cho biết những vụ bắt cóc đến từ người quen là hiện tượng đáng lo ngại. Trong trường hợp nghi phạm của vụ bắt cóc là người thân quen có thể xuất phát bởi nhiều lý do như cần tiền, tâm lý bất ổn, xảy ra mâu thuẫn gia đình, hoặc từ các nguyên nhân bột phát khác khiến họ mất kiểm soát. Để đề phòng, cha mẹ khi giao con cho bất kỳ ai cũng cần hiểu rõ về gia đình cũng như bản thân người đó.
“Trong trường hợp này, trẻ có thể sẽ trải qua sự lo lắng, sợ hãi và khó hiểu khi người quen của trẻ thực hiện hành động “lạ”. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và tạo ra nhiều tác động tiêu cực về sau” - TS An nhấn mạnh.
Theo TS An, để giáo dục trẻ biết cảnh giác đối với những người xung quanh, bao gồm người thân quen, phụ huynh có thể chú ý đến việc giáo dục trẻ về giới hạn cá nhân. Cụ thể, hãy giúp trẻ hiểu về giới hạn cá nhân và quyền của trẻ như biết từ chối nếu con cảm thấy không thoải mái trong bất kỳ tình huống nào. Đồng thời kết hợp giảng dạy bằng cách sử dụng ví dụ thực tế, đóng vai trong các tình huống để trẻ nhận thức được đó là nguy hiểm và cách ứng phó.
Hãy giúp trẻ hiểu về việc bảo vệ thông tin cá nhân của con, bao gồm số điện thoại, địa chỉ, trường học và tên các thành viên tin cậy trong gia đình để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Luôn lắng nghe và tạo điều kiện để trẻ có thể chia sẻ mọi thứ với bạn. Nếu trẻ nhận thấy bất kỳ điều gì đáng ngờ hoặc không an toàn, cổ vũ con nói ra và đừng ngó lơ điều đó. Phụ huynh cần đảm bảo rằng con nhớ được số điện thoại của gia đình để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.
Cũng theo TS An, nếu gia đình nhận được cuộc gọi thông báo con mình bị bắt cóc, phải xử lý tình huống một cách nhanh chóng và thông minh. Cần bình tĩnh và lắng nghe thông tin từ người gọi một cách cẩn thận. Ghi lại mọi chi tiết quan trọng như giọng điệu, ngôn ngữ và nhu cầu của kẻ bắt cóc. Đồng thời cần xác minh sự an toàn của con thông qua hình ảnh, giọng nói hoặc gọi điện thoại bằng hình ảnh (video call). Sau đó, ngay lập tức gọi điện thoại đến cơ quan công an để báo cáo tình huống và thông tin cần thiết. Ngoài ra, liên hệ với người thân và người có khả năng giúp đỡ để có thể hỗ trợ tìm kiếm và xử lý tình huống.
Tùy thuộc vào tình huống cụ thể, người nhà của nạn nhân cần tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng để không bị rơi vào các tình huống nguy hiểm.
Bắt cóc tống tiền có thể bị tù chung thân
Điều 165 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
Căn cứ Điều 153 BLHS, tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi có thể chịu mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, phạt tiền 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Căn cứ Điều 169 BLHS, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể chịu mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân. Đồng thời, bị phạt tiền 10-100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú 1-5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư ĐÀO THỊ BÍCH LIÊN, Đoàn Luật sư TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-ke-bat-coc-la-nguoi-than-phu-huynh-luu-y-dieu-gi-post757791.html