Khi mỗi người dân là một đại sứ du lịch

BPO - Với khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập được chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng. Vào mùa khô, thời tiết nơi đây khá dễ chịu, có nhiều nắng nên đường lên núi khô ráo và dễ đi hơn. Đầu năm cũng là mùa bướm sinh sản, dọc đường du khách sẽ gặp từng đàn bướm bay lượn rất đẹp. Tuy nhiên, ở thời điểm này du khách sẽ khó có thể quan sát được nhiều loài động, thực vật như mùa mưa. Lúc này là thời điểm hệ sinh thái nơi đây phát triển tươi tốt nhất với những con thác ầm ào suốt ngày đêm cùng thảm thực vật rừng đa dạng.

Bài cuối:
DU LỊCH LÀ QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH QUÊ HƯƠNG

Văn hóa - con người mới thực sự là “đặc sản”

Không chỉ mang đậm nét rừng nguyên sinh với nhiều cảnh quan đẹp, khí hậu ôn hòa, du khách đến VQG Bù Gia Mập để trải nghiệm những nét văn hóa riêng có của người dân nơi đây. Tour “Hành trình Bù Gia Mập” đã dựa vào những nét đẹp này để ghi điểm với du khách và khiến họ quay trở lại nhiều lần.

Du khách luôn giữ nụ cười trong suốt hành trình khám phá Vườn quốc gia Bù Gia Mập bởi cách phục vụ chuyên nghiệp của team “Hành trình Bù Gia Mập”

Du khách luôn giữ nụ cười trong suốt hành trình khám phá Vườn quốc gia Bù Gia Mập bởi cách phục vụ chuyên nghiệp của team “Hành trình Bù Gia Mập”

Với canh thụt, món ăn được công nhận là 1 trong 121 món đặc sắc tiêu biểu của Việt Nam, hướng dẫn viên du lịch đã biết cách biến món ăn bình thường của người dân bản địa thành đặc sản trong lòng du khách. Bằng cách “kể chuyện như không kể”, thông qua cách nấu dân dã của người dân, những nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên, canh thụt ở lại và gây thương nhớ với du khách không chỉ bởi cảm giác “lạ miệng” mà còn vì câu chuyện về truyền thống đoàn kết, chia sẻ, tính cộng đồng của người dân bản xứ.

Những bữa ăn dân dã, ngon miệng được team “Hành trình Bù Gia Mập” chuẩn bị để phục vụ du khách

Những bữa ăn dân dã, ngon miệng được team “Hành trình Bù Gia Mập” chuẩn bị để phục vụ du khách

Chị Phan Mỹ Lan, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh đã từng thưởng thức món canh thụt chia sẻ: Ăn món canh thụt lần đầu tiên mình thấy ngon vì có vị rất lạ, nhưng lạ hơn nữa là món này ai ăn cũng thấy ngon. Tôi nhớ nhất cái cách anh hướng dẫn viên tự hào nói về văn hóa của người S’tiêng, M’nông qua món canh thụt. Theo giới thiệu của anh ấy, món canh này thể hiện tính cộng đồng rất cao, là hồn cốt văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi đây. Trong món ăn có đủ nguyên liệu, nhưng ngon vì có lẽ chỉ cần mỗi người góp một phần nhỏ nguyên liệu như miếng da bò hay miếng thịt sẽ đem lại món ăn cho cả cộng đồng. Còn các món ăn chế biến từ rau rừng như thịt xào lá nhíp, đọt mây nướng chấm muối ớt, cơm lam nấu ống tre thể hiện sự thân thiện gần gũi và gắn kết con người với thiên nhiên”.

Điểm thú vị hơn là trong hoạt động du lịch tại VQG Bù Gia Mập còn thể hiện ở tinh thần, thái độ mến khách của các anh, chị người S'tiêng hiền lành, chất phác, nhất là ở vai trò hậu cần để góp phần làm nên thành công tốt đẹp của tour “Hành trình Bù Gia Mập”. Thông qua các lễ hội văn hóa với việc sử dụng nhạc cụ như cồng chiêng, kèn bầu, sáo ống hay những sản phẩm thủ công đan lát, dệt phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày, các anh chị đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thực sự đã khiến du khách hài lòng. Từ chỗ giới thiệu theo bản năng, hiện nay đội ngũ nhân sự này đã được huấn luyện nghiệp vụ hướng dẫn viên để đảm nhận thêm vai trò truyền tải văn hóa đặc trưng của dân tộc mình đến với du khách.

Để mỗi người dân là một đại sứ du lịch

Từ những năm tháng lớn lên ở vùng quê hương đất đỏ, chứng kiến những khó khăn, vất vả của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày, chị Đặng Thu Thương, Giám đốc Công ty du lịch Local Travel, huyện Bù Gia Mập luôn trăn trở rất nhiều. Với mong muốn tạo điều kiện cho lao động địa phương có cơ hội việc làm và giao lưu hội nhập văn hóa, chị Thương đã thành lập tour “Hành trình Bù Gia Mập” để kết nối du khách đến với Bình Phước. Có thể thấy, trong số những tiềm năng du lịch đang dần được "đánh thức", thì du lịch trải nghiệm đang trở thành xu hướng được quan tâm với nhiều hoạt động thú vị, đồng thời phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa độc đáo của vùng đất, con người Bình Phước. Làm đủ lâu, chị Thương cũng nhận ra tiềm năng phát triển của tỉnh nhà không chỉ từ vị trí địa lý chiến lược, có các tuyến giao thông kết nối hết sức thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, các di tích mang giá trị lịch sử mà yếu tố văn hóa, con người đã khiến Bình Phước trở thành một lựa chọn phù hợp để phát triển du lịch.

Chị Đặng Thu Thương, người đồng sáng lập tour “Hành trình Bù Gia Mập”, là một đại sứ du lịch lan tỏa tình yêu quê hương đến du khách

Chị Đặng Thu Thương, người đồng sáng lập tour “Hành trình Bù Gia Mập”, là một đại sứ du lịch lan tỏa tình yêu quê hương đến du khách

Trong suốt 7 năm gắn bó, chị Thương đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc truyền thông đến khách hàng một chương trình trải nghiệm khác hoàn toàn với nghỉ dưỡng. Kể cả thời điểm dịch Covid-19, chính khát khao góp phần làm cho quê hương đổi mới mà chị Thương dặn lòng không thể bỏ cuộc. Suốt những giai đoạn thăng trầm trong nghề, những lời động viên tinh thần của người anh, người chị S’tiêng luôn là động lực để chị tiếp tục cố gắng. Chị Thương kể: Mỗi lần nản, định bỏ cuộc thì lời nói của anh Điểu Ngát, thành viên của team “Hành trình Bù Gia Mập” lại nhắc mình cố gắng. Chị Thương nhớ mãi lời anh: “Các anh em rất trông đợi công việc vào cuối tuần để có thêm đồng lương cải thiện cuộc sống. Hy vọng mỗi người đều cố gắng một chút và không bỏ cuộc thì chắc chắn sẽ thành công”.

Chị Thương biết rằng phát triển du lịch là hành trình dài và dày công. Một cá nhân sẽ không làm thay đổi nhiều nhưng với sự kiên trì lan tỏa những hình ảnh đẹp sẽ thu hút được các công ty lữ hành, những dự án đầu tư khác cùng tham gia khai thác thị trường Bình Phước. Do đó, chị Thương luôn dặn mình phải thực sự kiên nhẫn.

Anh Đỗ Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyên truyền du lịch và cứu hộ, VQG Bù Gia Mập cho biết: Thời gian qua, VQG Bù Gia Mập phối hợp tiếp đón các đoàn khách của 3 đơn vị là Hành trình Bù Gia Mập, Itrek và Tổ ong Adventure, trong đó tour “Hành trình Bù Gia Mập” gần như tuần nào cũng đưa khách đến tham quan, trải nghiệm, trung bình mỗi đoàn ít nhất 10 người, nhiều nhất 30 người. Trong các công ty lữ hành gắn bó với VQG thì “Hành trình Bù Gia Mập” là đơn vị liên kết với vườn từ những ngày đầu đến nay. Hầu như các thành viên của “Hành trình Bù Gia Mập” là người địa phương, sinh sống ở 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên các bạn rất am hiểu địa hình. Đặc biệt, nhờ có cơ hội tiếp cận, giao lưu văn hóa mà một số thành viên đã thay đổi tích cực, tiến bộ và ngày càng trở thành những “đại sứ du lịch” chuyên nghiệp.

Với những trải nghiệm đã có sau 7 năm đồng sáng lập tổ chức tour “Hành trình Bù Gia Mập”, nắm bắt nhu cầu của du khách, chị Thương đã hiến kế để phát triển du lịch tại VQG Bù Gia Mập. Theo chị Thương, VQG Bù Gia Mập cần đầu tư kinh phí để đồng bộ hóa các dịch vụ, cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Về lưu trú nên đầu tư các khu vực có quy mô, số lượng lớn hơn để có thể tổ chức các giải chạy, đua xe đạp xuyên rừng nhằm quảng bá, truyền thông tốt hơn. Ngoài ra, VQG Bù Gia Mập cần có giải pháp bảo vệ, tôn tạo tài nguyên, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa để phục vụ du khách, đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, khu thương mại, dịch vụ ăn uống, vệ sinh công cộng... Cùng với đó là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp và nhân lực du lịch tại chỗ, nhân lực địa phương.

Người làm du lịch phải loại bỏ suy nghĩ tự hài lòng với chính mình, cần chăm chút vào từng sản phẩm, không ngừng học hỏi và đổi mới sáng tạo để tạo sự bền vững trong phát triển du lịch. Phát triển du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn là niềm tự hào quảng bá hình ảnh quê hương, xứ sở.

Chị ĐẶNG THU THƯƠNG, Giám đốc Công ty du lịch Local Travel, huyện Bù Gia Mập

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới chị Thương cho biết, sẽ chuyển hướng kết hợp với các trường học, mở rộng quy mô quảng bá tour “Hành trình Bù Gia Mập” ra ngoài khu vực để thu hút khách nước ngoài, nhất là sinh viên các nước Thái Lan, Indonesia, Campuchia… đến với VQG Bù Gia Mập. Đồng thời phát triển thêm các tour sâu trong rừng và tổ chức các giải chạy, đạp xe xuyên rừng để thu hút du khách.

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/161697/khi-moi-nguoi-dan-la-mot-dai-su-du-lich