Khi Mỹ bật đèn xanh cho Đức chuyển giao tên lửa ATACMS và Patriot cho Ukraine - Kỳ 1
Việc Mỹ chấp thuận Đức chuyển giao hỏa lực mạnh cho Ukraine là một bước đi thực dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, phản ánh sự cân bằng tinh vi giữa nhu cầu quân sự, chính trị liên minh và phụ thuộc công nghệ - những yếu tố đang định hình cuộc chiến sinh tử của Kiev.
Quyết định thể hiện vai trò điều phối dòng chảy vũ khí tiên tiến đến Kiev

Hệ thống phòng không Patriot tại Schoenefeld, Đức. Ảnh: Getty Images/TTXV
Chuyên trang quân sự bulgarianmilitary.com cho biết vào ngày 9/5 vừa qua, Mỹ đã chính thức cho phép Đức chuyển giao 125 tên lửa tầm xa và 100 tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine.
Quyết định này được một quan chức Quốc hội xác nhận với tờ The New York Times, công bố vào ngày 9/5/2025, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) của Liên bang Nga ngày càng gia tăng. Những loại vũ khí này, được sản xuất tại Mỹ, cần có sự cho phép của Washington để được tái xuất, ngay cả khi chúng thuộc sở hữu của quốc gia khác, do các quy định nghiêm ngặt liên quan đến công nghệ quân sự nhạy cảm.
Động thái này nhấn mạnh vai trò then chốt của Washington trong việc điều phối dòng chảy vũ khí tiên tiến đến Kiev, đồng thời cho thấy sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các đồng minh NATO nhằm đối phó với hành động của Moskva (Moscow).
Việc chuyển giao diễn ra vào thời điểm then chốt của cuộc xung đột Nga–Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ tư. Các lực lượng Liên bang Nga đã tăng cường các cuộc oanh tạc từ trên không, nhắm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine bằng làn sóng tên lửa và UAV không ngừng nghỉ.
Một báo cáo gần đây của The New York Times cho biết các cuộc tấn công này đã gia tăng trong những tuần qua, bất chấp các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ dẫn đầu. Hệ thống phòng không của Ukraine, dù đã được hỗ trợ từ các đợt viện trợ trước đây của phương Tây, vẫn đang vật lộn để theo kịp cường độ và mức độ tinh vi của các đợt tấn công từ Liên bang Nga.
Các loại vũ khí vừa được Mỹ chấp thuận dự kiến sẽ giúp Ukraine lấp đầy những khoảng trống khẩn cấp trong khả năng tấn công sâu vào vùng lãnh thổ do Liên bang Nga kiểm soát và bảo vệ bầu trời trước các mối đe dọa tiên tiến.
Loại pháo phản lực tầm xa được nói đến được cho là hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), do Lockheed Martin sản xuất. Đây là loại tên lửa đạn đạo đất đối đất, được thiết kế để tấn công chính xác ở cự ly xa.
Tên lửa này tương thích với các hệ thống phóng M270 và HIMARS mà Ukraine đang vận hành, với tầm bắn lên đến 190 dặm (hơn 300 km) đối với các biến thể mới nhất như MGM-140B.
Mỗi tên lửa có thể mang theo nhiều loại đầu đạn, bao gồm đầu nổ đơn mạnh hoặc, ở các phiên bản cũ hơn, bom chùm – mặc dù việc sử dụng bom chùm bị hạn chế do các hiệp định quốc tế.
Hệ thống dẫn đường của ATACMS kết hợp giữa định vị quán tính và GPS, cho phép đánh trúng mục tiêu với sai số vòng tròn nhỏ hơn 10 mét, theo một báo cáo năm 2023 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Trong chiến đấu, ATACMS đã chứng minh hiệu quả tại Ukraine. Năm 2024, lực lượng Ukraine đã sử dụng loại tên lửa này để tấn công dữ dội các sân bay và trung tâm hậu cần của Liên bang Nga tại vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát, bao gồm một cuộc tấn công nổi bật vào căn cứ quân sự ở Crimea, phá hủy nhiều máy bay và kho đạn.
Khả năng tấn công sâu vào hậu phương của ATACMS cho phép Ukraine làm gián đoạn chuỗi tiếp tế và hệ thống chỉ huy của Liên bang Nga, buộc Moskva phải di chuyển các tài sản quan trọng ra xa tiền tuyến. Với tầm bắn vượt xa pháo binh thời Liên Xô, ATACMS đem lại lợi thế chiến thuật trong một cuộc chiến mà độ chính xác tầm xa ngày càng mang tính quyết định.
Cũng quan trọng không kém là tên lửa phòng không Patriot, đặc biệt là dòng MIM-104. Hệ thống Patriot – cũng do Lockheed Martin sản xuất – là trụ cột của hệ thống phòng không hiện đại, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay.
Loại tên lửa được chuyển giao lần này nhiều khả năng là phiên bản PAC-3 hoặc PAC-3 MSE với tầm bắn và độ sát thương được nâng cao so với các phiên bản trước đó. PAC-3 MSE sử dụng phương pháp đánh chặn “va chạm tiêu diệt” (hit-to-kill), dựa vào động năng thay vì đầu đạn nổ.
Hệ thống dò tìm tiên tiến và khả năng cơ động cao giúp PAC-3 MSE hiệu quả trong việc đối phó với các mục tiêu có tốc độ cao và khó phát hiện như tên lửa đạn đạo Iskander và UAV Shahed-136 của Liên bang Nga.
Cốt lõi của hệ thống Patriot là radar AN/MPQ-65, cung cấp khả năng quan sát 360 độ và theo dõi tới 100 mục tiêu cùng lúc. Radar có thể phát hiện và phân loại mục tiêu ở khoảng cách hơn 60 dặm, đảm bảo khả năng phản ứng nhanh - yếu tố then chốt khi đối mặt với các đợt tấn công chồng lớp từ Liên bang Nga.
Mỗi khẩu đội Patriot gồm bệ phóng, radar và hệ thống chỉ huy, có thể mang tối đa 16 tên lửa. Tuy nhiên, theo tổ chức Action on Armed Violence, đến tháng 4/2025, Ukraine chỉ có 6 khẩu đội đang hoạt động và phải trải rộng trên khắp lãnh thổ.
Kể từ khi được triển khai ở Ukraine vào năm 2023, hệ thống Patriot đã làm thay đổi cục diện phòng không. Vào tháng 4/2024, một khẩu đội ở Kiev đã đánh chặn thành công loạt tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Liên bang Nga - minh chứng rõ ràng cho năng lực vượt trội của hệ thống.
Tuy nhiên, chi phí cao của mỗi tên lửa PAC-3 MSE - khoảng 4 triệu USD - và năng lực sản xuất hạn chế đã khiến Ukraine gặp khó khăn trong việc duy trì các đợt phòng thủ kéo dài. Một báo cáo của Forbes năm 2025 cho biết Lockheed Martin đang nỗ lực nâng công suất lên 650 quả/năm vào năm 2027, nhưng hiện tại chỉ đạt khoảng 500 quả/năm - điều làm cho đợt chuyển giao 100 tên lửa lần này trở nên đặc biệt quan trọng.
Đón đọc kỳ 2: Hiệu quả đối với chiến trường Ukraine