Khi Mỹ bật đèn xanh cho Đức chuyển giao tên lửa ATACMS và Patriot cho Ukraine - Kỳ cuối

Việc Mỹ chấp thuận Đức chuyển giao hỏa lực mạnh cho Ukraine là một bước đi thực dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, phản ánh sự cân bằng tinh vi giữa nhu cầu quân sự, chính trị liên minh và phụ thuộc công nghệ - những yếu tố đang định hình cuộc chiến sinh tử của Kiev.

Hiệu quả đối với chiến trường Ukraine

Hệ thống phòng không Patriot tại Schoenefeld, Đức. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Hệ thống phòng không Patriot tại Schoenefeld, Đức. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Quyết định cho phép Đức chuyển giao vũ khí phản ánh sự đan xen phức tạp giữa các ưu tiên quân sự và ngoại giao. Đức – nước viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ - là đối tác then chốt trong việc cung cấp các hệ thống phòng không như IRIS-T, Gepard và đạn pháo.

Vào tháng 4/2025, chính phủ Đức đã công bố gói hỗ trợ bao gồm thêm tên lửa Patriot và 370.000 quả đạn pháo, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Berlin với Kiev. Tuy nhiên, việc Đức từ chối chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus với tầm bắn lên tới 310 dặm (gần 500km) đã làm dấy lên tranh cãi.

Thủ tướng Đức khi đó là ông Olaf Scholz viện dẫn lo ngại về leo thang xung đột - một lập trường trái ngược với sự chấp thuận của Mỹ đối với việc chuyển giao ATACMS và Patriot. Điều này cho thấy Đức có thể đang đóng vai trò trung gian để đưa vũ khí do Mỹ sản xuất vào Ukraine, nhằm né tránh những trở ngại chính trị nội bộ tại Washington, nơi viện trợ cho Ukraine đang chịu sự giám sát chặt chẽ dưới chính quyền hiện tại.

Việc cần có sự chấp thuận của Mỹ cho việc tái xuất phát sinh từ Quy định Giao dịch Vũ khí Quốc tế (ITAR), điều chỉnh việc chuyển giao công nghệ quân sự nhạy cảm. Dù Đức sở hữu các vũ khí đó, nhưng nguồn gốc từ Mỹ buộc họ phải xin phép Washington trước khi tái xuất, nhằm đảm bảo phù hợp với mục tiêu chiến lược của Mỹ.

Cơ chế kiểm soát này từng bị chỉ trích là tạo ra nút thắt cổ chai trong dòng viện trợ cho Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh Liên bang Nga đang điều chỉnh chiến thuật để khai thác các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Kiev.

Một phân tích hồi tháng 3/2025 của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) chỉ ra rằng việc Liên bang Nga gia tăng sử dụng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik có khả năng né tránh một số hệ thống phòng không phương Tây nhờ tốc độ và độ cao, đã làm tăng mức độ cấp bách của các hệ thống như Patriot.

Trên chiến trường, các loại vũ khí được chuyển giao dự kiến sẽ tạo ra ảnh hưởng ngay lập tức. Các lực lượng Liên bang Nga đang phụ thuộc mạnh vào pháo binh tầm xa và không kích để duy trì áp lực lên các vị trí của Ukraine, đặc biệt là ở vùng Donbass.

Khả năng của ATACMS trong việc tấn công các nút hậu cần như kho nhiên liệu và trung tâm chỉ huy có thể làm gián đoạn hoạt động của Liên bang Nga, buộc họ phải phân tán lực lượng để bảo vệ khu vực hậu phương. Tương tự, tên lửa Patriot sẽ nâng cao khả năng bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine như nhà máy điện, trung tâm giao thông – những mục tiêu trọng điểm trong chiến dịch tàn phá nền kinh tế Ukraine của Liên bang Nga.

Một báo cáo ngày 4/5/2025 của The Times of Israel đã nhấn mạnh mối đe dọa thường trực với dân thường khi một cuộc tấn công UAV của Liên bang Nga đã làm hư hại một trung tâm thương mại ở Kiev.

Cả ATACMS và Patriot đều đã được thử nghiệm trong các cuộc xung đột ngoài Ukraine. ATACMS từng được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh vùng Vịnh để tiêu diệt các bệ phóng Scud của Iraq với độ chính xác cao.

Trong khi đó, hệ thống Patriot từng nổi bật trong cùng cuộc chiến khi đánh chặn tên lửa của Iraq – dù hiệu quả ban đầu với tên lửa đạn đạo chiến thuật từng gây tranh cãi. Các nâng cấp sau đó, đặc biệt là dòng PAC-3, đã khắc phục nhược điểm và biến Patriot thành trụ cột trong hệ thống phòng không của Mỹ và đồng minh.

So với hệ thống S-400 của Liên bang Nga – dù có tầm hoạt động xa hơn nhưng thiếu thành tích thực chiến chống lại các mối đe dọa đa dạng – MIM-104 Patriot vẫn là tiêu chuẩn vàng. Hệ thống SAMP/T của châu Âu, do Pháp và Italy cung cấp cho Ukraine, dù có năng lực bổ sung, nhưng không thể so với Patriot về quy mô sản xuất hay số lượng tên lửa.

Việc chuyển giao lần này cũng phản ánh các xu hướng công nghệ và địa chính trị rộng lớn hơn. Mỹ và các đồng minh đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt kho đạn – một thách thức nghiêm trọng trong bối cảnh tiêu thụ cao tại Ukraine.

Một báo cáo của tạp chí Business Insider tháng 3/2025 chỉ ra rằng châu Âu không có hệ thống thay thế trực tiếp cho Patriot, trong khi các phương án thay thế như Gravehawk của Anh chỉ phù hợp với mục tiêu chậm. Hệ thống phóng tên lửa MARS II của Đức, dù đang được sử dụng ở Ukraine, lại thiếu tính cơ động như HIMARS và dễ bị phản pháo.

Những lỗ hổng này càng làm nổi bật vai trò trung tâm của Mỹ trong việc cung cấp các hệ thống công nghệ cao – một vị trí vừa mang lại sự phụ thuộc, vừa gây khó chịu cho một số đối tác châu Âu.

Phản ứng của Liên bang Nga đối với việc chuyển giao vẫn là một ẩn số. Moskva từng nhắm vào các vị trí phòng không và bệ phóng HIMARS của Ukraine bằng UAV và tên lửa. Việc đưa thêm ATACMS và Patriot vào có thể khiến Liên bang Nga có động thái đáp trả.

Một báo cáo của tạp chí Foreign Policy vào tháng 3/2025 cảnh báo rằng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Liên bang Nga - có khả năng vượt qua một số hệ thống phòng không phương Tây - đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn. Thành công của Ukraine sẽ phụ thuộc không chỉ vào các vũ khí được chuyển giao, mà còn vào khả năng tích hợp chúng vào chiến lược phòng thủ nhiều lớp – kết hợp giữa tấn công tầm xa và phòng không mạnh.

Quyết định chấp thuận chuyển giao cũng đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì hỗ trợ của phương Tây. Dù Đức đóng vai trò trung gian, số lượng – 125 ATACMS và 100 Patriot – vẫn chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu của Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi thêm các khẩu đội Patriot, ước tính cần từ 10 đến 25 hệ thống để bảo vệ toàn bộ không phận Ukraine. Tuy nhiên, chi phí cao và tiến độ sản xuất chậm, cùng với bất ổn chính trị tại Mỹ, khiến khả năng đáp ứng đầy đủ trở nên khó khăn.

Một báo cáo của báo The Kyiv Post tháng 1/2025 đề cập đến việc Israel đã chuyển giao riêng 90 tên lửa Patriot cho Ukraine – cho thấy Kiev phải nhờ đến cả ngoại giao hậu trường để tìm kiếm đạn dược.

Nhìn về tương lai, việc chuyển giao sẽ củng cố vị thế của Ukraine trong ngắn hạn, cho phép tiến hành các cuộc tấn công chính xác và tăng cường phòng không. Tuy nhiên, tác động lâu dài phụ thuộc vào các yếu tố ngoài chiến trường, bao gồm ý chí duy trì viện trợ của NATO và kết quả của các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột.

Vai trò “người gác cổng công nghệ” của Mỹ - dù có lợi về chiến lược - cũng có thể gây ra cảm giác bị áp đặt trong nội bộ liên minh, nhất là khi châu Âu tìm cách phát triển năng lực quốc phòng độc lập.

Cuối cùng, việc Mỹ chấp thuận Đức chuyển giao vũ khí là một bước đi thực dụng trong cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, phản ánh sự cân bằng tinh vi giữa nhu cầu quân sự, chính trị liên minh và phụ thuộc công nghệ - những yếu tố đang định hình cuộc chiến sinh tử của Ukraine.

Liệu đợt vũ khí này có thể xoay chuyển cục diện hay chỉ kéo dài thời gian đối đầu vẫn là điều chưa rõ. Nhưng nó cho thấy một thực tế rõ ràng: trong chiến tranh hiện đại, quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến có thể quan trọng không kém ý chí chiến đấu. Khi Ukraine tiếp nhận và triển khai những vũ khí này, cả thế giới đang dõi theo để xem liệu chúng có thể làm thay đổi cục diện chiến trường, hay chỉ đơn thuần kéo dài một cuộc đối đầu không thể tránh khỏi.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/khi-my-bat-den-xanh-cho-duc-chuyen-giao-ten-lua-atacms-va-patriot-cho-ukraine-ky-cuoi-20250511223440147.htm