Khi nào cần tầm soát ung thư tuyến tiền liệt?

Ung thư tuyến tiền liệt diễn tiến âm thầm, dễ nhầm lẫn với các triệu chứng rối loạn tiểu thông thường, khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn, di căn xa.

Gia đình tôi có người mắc ung thư tuyến tiền liệt đã di căn xương. Xin bác sĩ tư vấn tôi có phải tầm soát tuyến tiền liệt không? (Lê Minh Hưng, 45 tuổi, ngụ Long An).

Trả lời

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh thường gặp ở nam giới lớn tuổi. Tuy nhiên trong 30 năm qua, xu hướng ngày càng nhiều nam giới trẻ tuổi được chẩn đoán mắc bệnh.

Tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt là một trong những ung thư phổ biến nhất ở nam giới.

Bệnh thường diễn tiến âm thầm, dễ nhầm lẫn với các triệu chứng rối loạn tiểu thông thường. Do đó, nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, khối u đã xâm lấn và đã di căn xa. Trong đó, di căn xương thường là nơi khối u xâm lấn nhiều nhất, gồm xương cột sống, xương chậu, xương sườn, xương đùi.

Ung thư tuyến tiền liệt tiến triển chậm. Trong trường hợp bệnh tiến triển, có thể có đi tiểu ra máu và các triệu chứng tắc nghẽn đường tiểu (tiểu ngắt quãng, tiểu khó, tiểu nhiều lần…) hoặc gây ra các cơn đau quặn thận, đau hạ sườn, rối loạn chức năng thận, người mệt mỏi, sụt cân, suy kiệt.

Các cơn đau xương, gãy xương bệnh lý hoặc chèn ép tủy có thể là kết quả của di căn tế bào tạo xương đến xương (thông thường là xương chậu, xương sườn, xương sống).

 Bệnh nhân đến tầm soát ung thư tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân đến tầm soát ung thư tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: BVCC

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh di truyền. Ước tính có đến 58% người bị ung thư tuyến tiền liệt có người thân từng mắc bệnh.

Nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt có tính chất di truyền như sau: Có dưới 2 người thân mắc ung thư tuyến tiền liệt, nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần; Có từ 2 người thân mắc ung thư tuyến tiền liệt trở lên, nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần.

Nguy cơ sẽ càng tăng nếu có thành viên trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh trước tuổi 60. Nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn nếu có tiền sử gia đình mắc các bệnh ung thư khác, như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư đại tràng hoặc ung thư tuyến tụy.

Hiện nay, nhờ phát hiện sớm thông qua xét nghiệm PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) và cải thiện phương pháp điều trị, tỉ lệ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt đã giảm.

Trường hợp gia đình đã có người mắc ung thư tuyến tiền liệt, đã di căn đến xương, nam giới (sau 45 tuổi) trong gia đình cần phải đến chuyên khoa tiết niệu tại các bệnh viện để được thăm khám, tầm soát sớm ung thư tuyến tiền liệt (1 lần/năm).

Bác sĩ chuyên khoa 1 PHẠM CAO THÁP

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-nao-can-tam-soat-ung-thu-tuyen-tien-liet-post850730.html