Khi nào chip 2 nm được trang bị trên iPhone?
Trong khi các hãng sản xuất khác không ngừng gia tăng tốc độ, Apple dường như đang cẩn trọng hơn với chip 2 nm.
Apple là một trong những công ty nổi tiếng nhất trên toàn cầu với khả năng đổi mới không ngừng, tuy nhiên, tốc độ phát triển chip dường như đang dần chậm lại. Với lộ trình từ 7 nm đến 5 nm và giờ là 3 nm, Apple dường như đang kéo dài chu kỳ sử dụng mỗi tiến trình công nghệ, khiến nhiều người tự hỏi khi nào hãng sẽ chính thức bước sang chip 2 nm.
Chu kỳ sản xuất chip dài hơn, vì sao?
Truyền thống của Apple thường là hai năm cho mỗi tiến trình công nghệ mới. Chip A14, được sản xuất trên tiến trình 5 nm của TSMC, ra mắt năm 2020, tiếp nối bởi A15 vào năm 2021 và sau đó là A16 vào năm 2022.
Dù A16 được giới thiệu là chip 4 nm, thực tế, nó vẫn thuộc "gia đình công nghệ 5 nm" của TSMC, với những cải tiến nhỏ hơn về hiệu năng và tiết kiệm năng lượng.
Nguyên nhân của việc này nằm ở sự phức tạp ngày càng tăng trong việc phát triển silicon thế hệ mới. Chi phí cao, cùng các rào cản kỹ thuật, khiến việc chuyển đổi nhanh chóng không còn khả thi như trước. Điều này giải thích tại sao Apple chỉ sử dụng chip 3 nm đầu tiên trong dòng iPhone 15 Pro và MacBook Pro vào năm 2023, thay vì từ năm 2022 như kỳ vọng.
Ban đầu, nhiều tin đồn cho rằng iPhone 17 sẽ là thiết bị đầu tiên sử dụng chip 2 nm. Tuy nhiên, các phân tích gần đây, bao gồm dự đoán từ nhà phân tích uy tín Ming-Chi Kuo, cho thấy iPhone 17 năm 2025 sẽ vẫn sử dụng tiến trình 3 nm thế hệ thứ ba của TSMC, được gọi là N3P.
Điều này có nghĩa là, nếu bạn đang mong chờ công nghệ 2 nm, iPhone 18 Pro, ra mắt năm 2026, mới là lựa chọn đáng chờ đợi. Tuy nhiên, ngay cả với iPhone 18, không phải tất cả các mẫu đều sẽ được trang bị chip 2 nm, do chi phí sản xuất cao. Các phiên bản cơ bản có thể tiếp tục dùng tiến trình 3 nm, như N3P hoặc thậm chí N3X thế hệ thứ tư.
TSMC, đối tác sản xuất chính của Apple, dự kiến bắt đầu sản xuất thử nghiệm chip 2 nm thế hệ đầu tiên (N2) vào năm 2025, và đi vào sản xuất hàng loạt vào cuối năm đó. Dù tiến trình này trùng với thời điểm ra mắt iPhone 17, nhưng có vẻ như Apple sẽ chưa chính thức sử dụng. Công ty cũng từng trì hoãn áp dụng chip 3 nm một năm sau khi TSMC hoàn thiện công nghệ này.
Điều tương tự cũng được dự đoán cho dòng chip M của Apple. Theo báo cáo từ The Elec và MacRumors, chip M5 dành cho Mac và iPad, dù ra mắt sau năm 2025, vẫn có thể sử dụng tiến trình 3 nm thay vì 2 nm. Điều này cho thấy Apple đang thận trọng hơn trong việc triển khai công nghệ mới, đảm bảo sự ổn định và tối ưu hóa chi phí.
Vì sao Apple không vội?
Quyết định kéo dài chu kỳ công nghệ của Apple có thể xuất phát từ sự cân nhắc chiến lược.
Việc nhanh chóng chuyển đổi sang tiến trình mới không chỉ đòi hỏi chi phí khổng lồ mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về hiệu năng và khả năng sản xuất đại trà. Hơn nữa, với các cải tiến nhỏ nhưng đáng kể trong cùng một tiến trình, Apple vẫn có thể duy trì lợi thế cạnh tranh mà không cần vội vàng bước sang thế hệ tiếp theo.
Chip 2 nm, với tiềm năng mang lại hiệu năng vượt trội và tiết kiệm năng lượng tối đa, chắc chắn sẽ là cột mốc quan trọng tiếp theo trong lộ trình công nghệ của Apple.
Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-nao-chip-2-nm-duoc-trang-bi-tren-iphone-post822670.html