Khi nào hành vi vi phạm nồng độ cồn, tấn công cảnh sát bị xử lý hình sự?

Thời gian gần đây, xảy ra một số vụ việc lái xe có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn không chấp hành hiệu lệnh, chống đối, tấn công cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ. Vậy dưới góc độ pháp lý, hành vi trên bị xử lý ra sao?

Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương làm việc với đối tượng Đinh Ngọc Hai, người vi phạm nồng độ cồn, tấn công cảnh sát. Ảnh: Phương Thùy

Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương làm việc với đối tượng Đinh Ngọc Hai, người vi phạm nồng độ cồn, tấn công cảnh sát. Ảnh: Phương Thùy

Những vụ việc điển hình

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Đinh Ngọc Hai, SN 1990, trú tại huyện Nam Sách, Hải Dương để điều tra về hành vi vi phạm chống đối người thi hành công vụ.

Theo kết quả điều tra bước đầu, khoảng 20h20 ngày 24/5, Tổ công tác thuộc Công an huyện Nam Sách đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, chất ma túy tại đường Trần Phú (khu dân cư Mạc Thị Bưởi, thị trấn Nam Sách) đã ra tín hiệu dừng xe mô tô mang BKS 34B2-106.44 do Đinh Ngọc Hai điều khiển để kiểm tra.

Tuy nhiên, Đinh Ngọc Hai không chấp hành hiệu lệnh mà điều khiển xe đâm thẳng vào tổ công tác khiến thượng úy Trần Văn Đoàn, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự bị ngã ra đường.

Trước hành vi trên của tài xế, Tổ công tác đã kịp thời khống chế đối tượng, lập biên bản và đưa về trụ sở Công an huyện làm việc. Tại đây, lực lượng công an đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế Đinh Ngọc Hai, cho kết quả là 0,605mg/l khí thở.

Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Công an huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cũng đang tạm giữ Nguyễn Văn Tựa, SN 1972, ở xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn để làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ.

Cảnh sát khống chế người đàn ông vi phạm nồng độ cồn, bàn giao cho Công an huyện Sóc Sơn xử lý theo thẩm quyền. Ảnh: cắt từ clip

Cảnh sát khống chế người đàn ông vi phạm nồng độ cồn, bàn giao cho Công an huyện Sóc Sơn xử lý theo thẩm quyền. Ảnh: cắt từ clip

Theo thông tin ban đầu, ngày 24/5, Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an huyện Sóc Sơn thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn tại đường Núi Đôi, xã Tân Minh. Đến 12h35 cùng ngày, phát hiện người đàn ông điều khiển xe máy có biểu hiện sử dụng bia, rượu, tổ công tác yêu cầu dừng phương tiện và kiểm tra nồng độ cồn.

Kết quả kiểm tra cho thấy, người này vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,323 miligam/lít khí thở. Tuy nhiên, sau khi bị Tổ công tác lập biên bản tạm giữ phương tiện, ông Nguyễn Văn Tựa đã to tiếng và chửi bới lực lượng chức năng. Người này sau đó còn thẳng tay tát một cán bộ Công an huyện Sóc Sơn.

Tổ công tác đã nhanh chóng khống chế đối tượng và bàn giao cho Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Sóc Sơn để xử lý theo đúng thẩm quyền.

Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe?

Nhìn nhận vấn đề trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, mặc dù chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều khiển phương tiện khi trong máu và hơi thở có nồng độ cồn được tăng nặng, song hiệu quả mang lại chưa cao, một số tài xế có dấu hiệu khinh nhờn quy định pháp luật, cố tình điều khiển xe khi sử dụng rượu bia, thậm chí khi sử dụng rượu bia và điều khiển phương tiện giao thông đã chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho người và xe lưu thông trên đường, khi bị phát hiện thì không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng cảnh sát giao thông mà chống đối, thậm chí lao xe trực tiếp vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, chửi bới, thóa mạ, xô xát với lực lượng đang làm nhiệm vụ...

Luật sư Đinh Thị Nguyên viện dẫn, chế tài xử phạt vi phạm đã có, tuy nhiên trong quá trình làm nhiệm vụ lực lượng chức năng cần kiên quyết xử lý đối với hành vi vi phạm mà còn cố tình chống đối lực lượng chức năng. Những trường hợp này ngoài xử phạt vi phạm hành chính, hành vi không chấp hành hiệu lệnh cần bị xử phạt thêm lỗi hành chính quy định tại Điều 21, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ.

Cụ thể, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

Nếu hành vi chống đối tới mức cần truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần kiên quyết xử lý theo quy định tại Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Chống người thi hành công vụ”. Còn nếu hành vi chống đối để lại thương tích hoặc lao xe vào lực lượng Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ… thì hành bị này cần truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự hoặc tội “Giết người” quy định tại Điều 123 của Bộ luật này.

“Để siết chặt công tác xử lý các tài xế vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng chức năng khi xử lý cần kiên quyết, không khoan nhượng trước hành vi chống đối, không chấp hành hiệu lệnh, xử lý dứt khoát khi phát hiện vi phạm, không thương lượng, không thỏa hiệp… thì sẽ chấn chỉnh được tình trạng tài xế vi phạm nhưng vẫn chống đối, nhờn luật.

Ngoài ra, các địa phương cần tích cực, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường bộ, về quy định sử dụng rượu, bia, trong hơi thở có nồng độ cồn thì không điều khiển phương tiện giao thông. Cần thực hiện các giải pháp xử phạt và tuyền phổ biến một cách đồng bộ, sâu rộng để mang lại hiệu quả bền vững” - luật sư Đinh Thị Nguyên nêu quan điểm.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khi-nao-hanh-vi-vi-pham-nong-do-con-tan-cong-canh-sat-bi-xu-ly-hinh-su-382256.html