Khi nào không áp dụng xử lý chuyển hướng trong tư pháp người chưa thành niên?

Việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm mục đích hạn chế tác động tiêu cực của thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên, xử lý kịp thời và hiệu quả đối với người chưa thành niên phạm tội, ngăn ngừa người chưa thành niên phạm tội mới, tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào, người chưa thành niên phạm tội cũng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Tại phiên họp sáng 23/10, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến để hoàn thiện quy định này.

Điều 39 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã liệt kê những trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, như đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng; người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng; người chưa thành niên phạm tội trong trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm…

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, liệt kê như vậy là chưa đầy đủ và thuyết phục.

Đại biểu cũng băn khoăn đối với quy định, không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu tại thời điểm xem xét, người phạm tội đã đủ 18 tuổi.

Liên quan đến điều kiện để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy trình, thủ tục để các quyết định của người chưa thành niên được đưa ra một cách tự nguyện, rõ ràng.

Đại biểu cũng đề nghị, cần bổ sung thêm các trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đó là: Người chưa thành niên là chủ mưu, tổ chức cầm đầu, chỉ huy; người phạm tội có tính chất côn đồ, chuyên nghiệp; người chưa thành niên phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người; sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để phạm tội.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thùy Linh

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/khi-nao-khong-ap-dung-xu-ly-chuyen-huong-trong-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-240571.htm