Khi nào lò hơi phát nổ và cách xử lý để phòng tránh ra sao?
Liên quan vụ việc nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh, ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu khiến 6 người chết, 5 người bị thương, trong những ngày qua, nhiều người đặt câu hỏi về an toàn của lò hơi. Vậy lò hơi sẽ phát nổ trong những trường hợp nào? Cách xử lý ra sao để phòng tránh nổ lò hơi.
Thiết kế, kiểm định an toàn và vận hành lò hơi đều rất khắt khe, tỉ mỉ
Phóng viên Báo Đồng Nai đã có trao đổi với anh Võ Văn Nguyên - là một trong những thợ có gần 20 năm làm việc cho Công ty chuyên sản xuất, lắp ráp lò hơi tại thành phố Biên Hòa, chia sẻ kinh nghiệm quá trình làm nghề của mình.
Qua nắm thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng anh Nguyên cho biết, bản thân anh không bất ngờ về sức nổ cực lớn của một lò hơi vừa xảy ra khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương.
Bởi theo anh Nguyên, khi áp suất trong lò vượt quá mức điều chỉnh tối đa thì sẽ tạo thành áp suất cực đại và phát nổ cực lớn nên nếu có người ở gần thì nguy cơ rất cao về thương vong.
Theo anh Nguyên, nguyên tắc hoạt động của lò hơi là đốt nhiệt để làm sôi nước và tạo hơi nén phục vụ trong sản xuất đối với nhiều ngành nghề khác nhau. Việc thiết kế lò hơi to hay nhỏ tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp nhưng nguyên lý hoạt động của lò là giống nhau.
Cũng theo anh Nguyên, dù đã 20 năm theo nghề nhưng anh cũng khá bất ngờ khi nghe tin lò hơi phát nổ, bởi từ thiết kế đến kiểm định an toàn và chế độ vận hành lò hơi đều rất khắt khe tỉ mỉ. Đặc biệt là đối các lò hơi được sản xuất mới, các lò hơi này có thiết kế khá hiện đại.
Khi nào lò hơi phát nổ và cách phòng tránh
Có 3 mấu chốt cảnh báo cho một lò hơi có thể phát nổ là: 2 van an toàn gắn trên nóc lò hơi; hệ thống còi hú tự động đặt phía dưới và đồng hồ đo hơi nén đặt ngang tầm mắt người vận hành quan sát.
Theo đó, tùy vào nhu cầu sử dụng trong sản xuất của doanh nghiệp mà hơi nén sẽ được điều chỉnh cho phù hợp 4kg, 6kg hay 8kg…Nếu vượt các mức điều chỉnh này thì 2 chiếc van an toàn trên nồi hơi tự động xả hơi ra ngoài nhằm không tạo ra áp suất quá lớn trong nồi hơi và tránh phát nổ.
Đa phần nồi hơi được thiết kế có 2 van song song tránh trường hợp 1 van hư thì van kia vẫn hoạt động.
Thứ 2, nếu quá hạn mức điều chỉnh hơi thì sẽ có 1 còi báo động hú tự động bên cạnh. Khi còi hú này vang lên thì cũng đồng nghĩa với quạt gió thổi lửa lên các ống nhiệt sẽ ngừng. Điều này sẽ giảm nhiệt trong lò khiến nước giảm chế độ tạo hơi nên cũng sẽ khó tạo nên áp suất lớn để phát nổ.
Thứ 3, trên bồn hơi có gắn 1 chiếc đồng hồ để đo độ nén của hơi trong lò. Nếu kim đồng hồ chỉ vượt qua vạch giới hạn chỉ định thì người vận hành lò hơi sẽ xử lý các bước theo chuyên môn đã được hướng dẫn nhằm tránh phát nổ.
Vì vậy, theo anh Nguyên việc nổ lò hơi xảy ra khi cả 3 thiết bị trên đều hư. Trong trường hợp hư 2 thiết bị còi báo động và van an toàn mà đồng hồ vẫn hoạt động bình thường thì nguyên nhân còn lại là người vận hành không quan sát thấy kim đồng hồ chỉ quá hạn mức đã định trước đó nên áp suất trong lò tăng cao khiến lò hơn phát nổ.
Là người đã lắp ráp, vận hành thử các lò hơi cho hàng trăm doanh nghiệp từ Nam ra Bắc, theo anh Võ Văn Nguyên để phòng tránh việc nổ lò hơi thì người được giao nhiệm vụ trực vận hành phải cần chú ý đến 4 điều cảnh báo là: chuông báo, van an toàn, đồng hồ báo nén hơi và van xả nước.
Trong trường hợp chuông báo hư thì xem đồng hồ, trong trường hợp cả 2 là chuông báo và đồng hồ hư thì còn van an toàn. Lúc này người vận hành phải thường xuyên kiểm tra bằng việc giật dây thủ công có nối với đầu 2 van an toàn để xả hơi ra ngoài. Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp thì vặn xả luôn van nước ở dưới lò hơi để vừa đưa nước và khí ra ngoài nhằm giảm áp suất trong lò hơi để tránh phát nổ.