Khi nào người đưa hối lộ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?
Tội 'Đưa hối lộ' hoàn thành khi người đưa hối lộ thực hiện hành vi đưa lợi ích vật chất, phi vật chất và kèm theo yêu cầu đối với người có chức vụ quyền hạn. Người đưa hối lộ có thể được xem giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu…
Thêm nhiều đối tượng liên quan đến “Chuyến bay giải cứu”:
Mở rộng điều tra
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra (CQANĐT) Bộ Công an ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự “Đưa hối lộ” xảy ra tại Thái Nguyên và một số tỉnh, TP. Cụ thể, CQANĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Hồng Quang (SN 1977, cựu Phó trưởng Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT) và Vũ Hoàng Dũng (SN 1987, lao động tự do) cùng về tội "Đưa hối lộ" quy định tại Điều 364, BLHS năm 2015.
Vũ Hồng Quang là bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố. CQANĐT Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với Nguyễn Mạnh Cương (SN 1977, Trưởng Phòng Thương mại điện tử tại một công ty hàng không); Trần Thanh Nhã (SN 1991, lao động tự do) và Đặng Nhật Đức (SN 1975, Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan) cùng về tội "Đưa hối lộ" quy định tại Điều 364, BLHS. Sau khi VKSND tối cao phê chuẩn, CQANĐT Bộ Công an thực hiện tống đạt các quyết định tố tụng đối với bị can nêu trên.
Theo tài liệu của cảnh sát, Vũ Hồng Quang là một trong 54 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ "Chuyến bay giải cứu" hồi tháng 7. Bị cáo buộc nhận hối lộ 2 lần với số tiền khoảng 2 tỷ đồng của doanh nghiệp và đồng ý cấp phép bay vượt số lượng khách so với văn bản đã được duyệt. Trong vụ án trên, bị cáo Vũ Hồng Quang bị tuyên 4 năm tù giam về tội "Nhận hối lộ". Hiện CQANĐT Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nhận định pháp lý
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, về nguyên tắc, mọi hành vi phạm tội đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ thực hiện hành vi mà người vi phạm có thể phải trách nhiêm pháp lý về hành chính, dân sự, hình sự nêu trên.
Người phạm tội đưa hối lộ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tùy theo tính chất, hậu quả của vụ việc. Tội "Đưa hối lộ" hoàn thành khi người đưa hối lộ thực hiện hành vi đưa lợi ích vật chất, phi vật chất và kèm theo yêu cầu đối với người có chức vụ quyền hạn. Trường hợp, đối tượng chủ động đưa hối lộ để đạt được mục đích thì người đó có thể sẽ bị khởi tố về tội “Đưa hối lộ” được quy định tại Điều 364, BLHS năm 2015.
Còn trường hợp người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Còn nếu hành vi đưa hối lộ được thực hiện qua người trung gian thì người trung gian sẽ bị xử lý hình sự về tội "Môi giới hối lộ" theo Điều 365, BLHS năm 2015 với mức hình phạt cao nhất của tội danh này là đến 15 năm tù.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, hành vi đưa hối lộ từ 2 triệu đồng đến 100 triệu đồng có thể bị phạt tiền, phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù. Hành vi đưa hối lộ với số tiền từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì người đưa hối lộ có thể phải chịu mức án tù theo quy định tại Điều 364, BLHS năm 2015 với mức hình phạt tù thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là 20 năm tù. Bên cạnh đó người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Quy định này cũng áp dụng cho người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.
Luật sư Nguyên cũng cho biết, đối với mỗi vụ án hình sự, bên cạnh các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, pháp luật còn thể hiện sự khoan hồng khi quy định các tình tiết giảm nhẹ đối với những người phạm tội có thái độ tích cực trong vụ án.
Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á phân tích, theo khoản 1, Điều 51, BLHS năm 2015, người phạm tội có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu thuộc các trường hợp như tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, học tập, công tác; là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều này, khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi đầu thú hoặc một số tình tiết khác là các tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Đối với các tình tiết giảm nhẹ khác được đề cập tại khoản 2 Điều 51, BLHS năm 2015, Công văn số 212/TAND-PC ngày 13/9/2019 của TAND Tối cao đã có giải đáp cụ thể về vấn đề này. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể đối với quy định này. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, tòa án có thể tham khảo quy định tại mục 5, Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xác định tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự