Khi nào Việt Nam có thể phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ?

Các chuyên gia cho rằng chỉ nên triển khai điện hạt nhân quy mô nhỏ khi công nghệ đã trưởng thành và nhân lực Việt Nam đã có kinh nghiệm.

Việt Nam có duy nhất 1 lò phản ứng hạt nhân, đặt tại Lâm Đồng, đã vận hành 40 năm qua.

Việt Nam có duy nhất 1 lò phản ứng hạt nhân, đặt tại Lâm Đồng, đã vận hành 40 năm qua.

Cần tối thiểu 10 năm

Mới đây, tại cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cần phát triển tối đa năng lượng tái tạo nhưng phải lựa chọn vùng phù hợp.

“Chúng ta sẽ phát triển hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Theo Bộ Công thương, ngoài mô hình truyền thống với công suất lớn, công nghệ hạt nhân gần đây phát triển loại lò phản ứng công suất nhỏ (Small Modular Reactors - SMR). Loại này có kích thước chỉ bằng 1/10 lò phản ứng tiêu chuẩn, nên dễ xây dựng và suất đầu tư phù hợp.

Ước tính chi phí đầu tư cho một nhà máy 300 MW khoảng 2,1-3,6 tỷ USD. Thời gian xây dựng các nhà máy loại này khoảng 2-3 năm. Trong khi chi phí xây dựng một nhà máy tiêu chuẩn khoảng 6-9 tỷ USD, cần trên dưới 5 năm, thậm chí có dự án hơn 10 năm.

Nguồn điện hạt nhân (kể cả điện hạt nhân quy mô nhỏ SMR) đều phải đặt ở những vị trí có tiềm năng do đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn, địa chất khu vực và vấn đề chôn cất chất thải hạt nhân.

“Các lò SMR hiện nay là loại lò có thiết kế mới thuộc thế hệ III+ hoặc IV với mục tiêu an toàn hơn, kinh tế hơn, ít chất thải hạt nhân hơn và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Công nghệ lò điện hạt nhân quy mô nhỏ này có thể sử dụng cùng loại nhiên liệu và có những cải tiến về độ an toàn, đặc biệt các tính năng an toàn thụ động gần như trở thành yếu tố bắt buộc với các lò quy mô nhỏ”, báo cáo của Bộ Công thương nêu rõ.

Trao đổi với VietTimes về tính khả thi của điện hạt nhân quy mô nhỏ, TS Hoàng Sỹ Thân, Trưởng Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng SMR có nhiều ưu điểm nhưng việc triển khai SMR trong bối cảnh hiện nay chưa phù hợp và không khả thi.

 TS Hoàng Sỹ Thân cho rằng chưa nên xây dựng lò điện hạt nhân cỡ nhỏ lúc này.

TS Hoàng Sỹ Thân cho rằng chưa nên xây dựng lò điện hạt nhân cỡ nhỏ lúc này.

“Chúng ta không nên làm ‘chuột bạch’ mà triển khai nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ lúc này”, ông Thân nói.

Lý giải cho quan điểm này, TS Thân cho rằng hiện loại lò SMR chưa hoàn thiện về thiết kế, chưa kiểm chứng được tính an toàn. Mặc dù các nước phát triển công nghệ hạt nhân như Nga, Hàn Quốc, Nhật, Pháp, Mỹ, Trung Quốc,… đều đang chạy đua phát triển lò điện hạt nhân quy mô nhỏ nhưng hiện chưa một công nghệ nào thực sự bứt phá, đảm bảo an toàn, được ứng dụng rộng rãi.

Ngoài ra, cũng vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm triển khai nhà điện hạt nhân, ông Thân cho rằng tiến độ triển khai lò hạt nhân cỡ nhỏ sẽ trở thành vấn đề vướng mắc. Khác với các nước mạnh về công nghệ hạt nhân, các nước mới ứng dụng hạt nhân như Việt Nam sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khi triển khai thực tiễn, như tiến độ thực hiện dự án, nhân lực vận hành, việc xử lý chất thải hạt nhân,…

Theo ông Thân, với bối cảnh hiện tại, an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu trong vận hành nhà máy điện hạt nhân. Lò điện hạt nhân công suất lớn ứng dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống làm mát thụ động và lò phản ứng được thiết kế để có thể tự động ngừng hoạt động và kiểm soát nhiệt độ, ngay cả khi không có sự can thiệp của con người. Do đó, rủi ro trong nhà máy điện hạt nhân gần như được kiểm soát hoàn toàn.

Tuy vậy, lò điện hạt nhân quy mô nhỏ chưa được kiểm chứng về tính an toàn, khác xa với lò công suất lớn đang được triển khai rộng rãi trên thế giới.

 Lò điện hạt nhân quy mô nhỏ chưa được quốc tế áp dụng rộng rãi

Lò điện hạt nhân quy mô nhỏ chưa được quốc tế áp dụng rộng rãi

TS Thân cho biết công nghệ SMR đang trong giai đoạn nghiên cứu, thiết kế, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong vận hành. Với các nước có năng lực công nghệ hạt nhân tiên tiến như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Pháp, họ có đủ kinh nghiệm để xử lý nếu có sự cố. Còn đối với Việt Nam, lúc này chưa phải thời điểm thích hợp.

Nguyên lý hoạt động của nhà máy điện hạt nhân cũng giống như hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.

Nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu hoặc khí đốt…) để tạo ra điện. Còn nhà máy điện hạt nhân sử dụng nhiệt lượng từ các phản ứng phân hạch hạt nhân để điều khiển các tuabin quay, từ đó tạo ra điện năng.

Theo TS Hoàng Sỹ Thân

Nói tới thời điểm phù hợp để Việt Nam triển khai điện hạt nhân cỡ nhỏ, ông Thân cho rằng cần tối thiểu 10 năm, thậm chí có thể lên tới 20-30 năm nữa. Khi đó, Việt Nam đã có kinh nghiệm vài năm triển khai điện hạt nhân lò lớn, đã nắm bắt công nghệ, sở hữu đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm, hiểu biết về công nghệ này. 10 năm cũng là khoảng thời gian tối thiểu để các mô hình nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ hoàn thiện công nghệ, có thể đưa vào ứng dụng rộng rãi.

“Chỉ khi các quốc gia khác đã xây dựng và phát triển hoàn thiện công nghệ lò điện hạt nhân cỡ nhỏ và đưa vào sử dụng an toàn, thì Việt Nam mới nên triển khai, vì công nghệ SMR chỉ phù hợp với các nước đã có trình độ hiểu biết, có kinh nghiệm vận hành các lò hạt nhân công suất lớn.

Có thể nghiên cứu về SMR, chứ không nên triển khai xây dựng lò hạt nhân cỡ nhỏ giai đoạn này”, ông Thân nói.

Theo dõi, nắm bắt thông tin để sẵn sàng ứng dụng

Đồng quan điểm này với Trưởng Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn (A), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng việc này cần có nghiên cứu, cân nhắc kỹ.

 Ông Nguyễn Anh Tuấn (A), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (A), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Các loại lò điện hạt nhân quy mô nhỏ và vừa có ưu thế dễ xây dựng, triển khai ở nhiều khu vực, suất đầu tư phù hợp và thời gian xây dựng ngắn. Tuy nhiên, ông Tuấn nêu thực tế công nghệ xây dựng lò điện hạt nhân quy mô nhỏ và vừa đang ở giai đoạn thử nghiệm.

“Các nước tiên tiến phát triển đang nghiên cứu công nghệ này và chưa thương mại hóa. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng lò điện hạt nhân cỡ nhỏ ứng dụng công nghệ IV, sử dụng vật liệu an toàn, thời gian triển khai nhanh hơn so với lò công suất lớn nhưng thực tế chưa có dự án module lò nhỏ nào xây dựng nhanh hơn module công nghệ lò lớn cả. Chúng ta không dại gì làm vật thí nghiệm”, ông Tuấn nói với VietTimes.

Ông Tuấn nhắc lại cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ việc phát triển khai lò điện hạt nhân cỡ nhỏ khi công nghệ chưa trưởng thành. Tuy vậy, Việt Nam vẫn nên nắm bắt thông tin để theo dõi và sẵn sàng ứng dụng khi công nghệ chín muồi.

“Trong phát triển điện hạt nhân, vấn đề an toàn cần đặt lên hàng đầu, hướng tới mục tiêu không có rủi ro”, ông Tuấn nói và cho rằng hiện nay, công nghệ an toàn, tiên tiến nhất đang được áp dụng cho các loại lò lớn. Nga, Mỹ và một số các nước phát triển điện hạt nhân đều đang sử dụng các công nghệ thế hệ III+ với có 4 lớp bảo vệ an toàn, cả chủ động và thụ động. Do đó, Việt Nam nên nghiên cứu kỹ khi triển khai SMR.

Khác với công nghệ lò điện hạt nhân nhỏ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn khẳng định "không bao giờ lặp lại các sự cố như thảm họa Chernobyl (1986) hay Fukushima (2011) trước đây” khi nói về lò điện hạt nhân cỡ lớn. Ông cho biết Việt Nam đang lựa chọn những công nghệ an toàn nhất, khả năng xảy ra sự cố ở mức thấp nhất.

Cần phải bổ sung các nguồn năng lượng khác

Nhắc tới chiến lược phát triển cân bằng về điện giữa các khu vực. Sau Ninh Thuận, nhiều các lò điện hạt nhân sẽ được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có cả ở miền Bắc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần phải bổ sung các nguồn năng lượng khác.

Dẫn chứng Đức chỉ có 900 giờ nắng mỗi năm nhưng đã tạo ra 96.000 MW điện mặt trời. Trong khi đó, miền Bắc Việt Nam có tới 1.200 giờ nắng. Ông Tuấn gợi ý tận dụng tiềm năng điện mặt trời ở miền Bắc để xử lý nhu cầu về điện.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/khi-nao-viet-nam-co-the-phat-trien-dien-hat-nhan-quy-mo-nho-post182945.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat