Khi nào Xuân Son, Tấn Tài trở lại sân cỏ?

Cơ chế chấn thương có tác động lớn đến thời gian trở lại sân cỏ của các cầu thủ.

 Nguyễn Xuân Son (trái) và Hồ Tấn Tài (phải) đang bước vào giai đoạn hồi phục chức năng sau các ca phẫu thuật. Ảnh: Minh Chiến.

Nguyễn Xuân Son (trái) và Hồ Tấn Tài (phải) đang bước vào giai đoạn hồi phục chức năng sau các ca phẫu thuật. Ảnh: Minh Chiến.

Đội tuyển Việt Nam đã giành chức vô địch ASEAN Cup 2024. Song, chấn thương của ba cầu thủ Hồ Tấn Tài, Nguyễn Xuân Son và Nguyễn Văn Toàn đã khiến niềm vui chiến thắng chưa trọn vẹn.

Hình ảnh Xuân Son ôm mặt đau đớn sau pha gãy xương khiến nhiều người xót xa. Tuy nhiên, chấn thương gãy xương của anh có thể phục hồi nhanh hơn so với chấn thương dây chằng - nỗi ám ảnh của các cầu thủ.

Đáng tiếc, hậu vệ Hồ Tấn Tài và Nguyễn Văn Toàn lại gặp phải chấn thương này. Trong khi Văn Toàn cần khoảng 1 tháng nghỉ dưỡng, Tấn Tài buộc phải phẫu thuật và mất gần một năm để trở lại sân cỏ.

Trao đổi với Tri thức - Znews, chuyên gia chấn thương chỉnh hình - y học thể thao Phạm Quốc Hùng nhận định cả chấn thương gãy xương lẫn đứt dây chằng đều ảnh hưởng đến khả năng thi đấu của cầu thủ. Song mức độ tác động và thời gian phục hồi, quay lại sân cỏ của hai chấn thương này là khác nhau.

Hai loại chấn thương ám ảnh trong bóng đá

Theo bác sĩ Hùng, dây chằng khớp gối có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của khớp và điều khiển các chuyển động đầu gối. Khi dây chằng đứt hoàn toàn, như trong trường hợp của hậu vệ Hồ Tấn Tài, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Tổn thương này không chỉ gây mất ổn định khớp gối mà còn tạo nguy cơ dẫn đến rách sụn chêm, làm suy giảm chức năng khớp.

Đối với gãy xương, đây là sự phá hủy đột ngột các cấu trúc bên trong xương, gây các tổn thương và làm gián đoạn về truyền lực qua xương. Nếu được xử lý kịp thời, tổn thương này có thể không gây ra nhiều biến chứng.

Tình huống dẫn đến chấn thương của Xuân Son. Ảnh: Minh Chiến.

Tình huống dẫn đến chấn thương của Xuân Son. Ảnh: Minh Chiến.

Bên cạnh độ nguy hiểm cao, bác sĩ Hùng đánh giá các tổn thương về dây chằng cũng thường khó phát hiện hơn so với gãy xương. Kết quả chụp MRI lần đầu của hậu vệ Tấn Tài không phát hiện tổn thương do tụ máu ở đầu gối, dẫn đến chẩn đoán và can thiệp chậm trễ, làm phức tạp thêm quá trình điều trị.

Trong khi đó, ngay khi Xuân Son rướn người chuyền bóng và khụy xuống sân, các chuyên gia đã lập tức nhận ra anh bị gãy xương. Điều này cũng được xác thực thông qua ảnh chụp X-quang với kết quả gãy kín 1/3 giữa thân hai xương cẳng chân với một mảnh rời dài đến 7 cm ở thành sau.

“Gãy xương xảy ra khi xương chịu lực tác động vượt quá khả năng đàn hồi, thường liên quan đến va chạm mạnh, gây đau đớn ngay lập tức nên dễ nhận diện hơn”, chuyên gia này lý giải.

 Tấn Tài được khiêng khỏi sân bằng cán trong trạng thái đau đớn ở bán kết lượt về ASEAN Cup 2024 với Singapore hôm 29/12/2024. Ảnh: Bảo Ngọc.

Tấn Tài được khiêng khỏi sân bằng cán trong trạng thái đau đớn ở bán kết lượt về ASEAN Cup 2024 với Singapore hôm 29/12/2024. Ảnh: Bảo Ngọc.

Về phương pháp điều trị, phẫu thuật tái tạo dây chằng là một quy trình phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu. Trong quá trình này, bác sĩ phải ghép mô để thay thế phần dây chằng bị đứt, điều này phức tạp hơn rất nhiều so với phẫu thuật gãy xương.

Ngược lại, điều trị gãy xương đơn giản hơn, bao gồm các phương pháp cố định như bó bột, nẹp, hoặc phẫu thuật gắn đinh. Nhờ khả năng tự lành mạnh mẽ của xương, các phương pháp này giúp xương nhanh chóng tái tạo và ổn định trở lại.

 Tấn Tài di chuyển bằng nạng sau chấn thương nặng. Ảnh: Bảo Ngọc.

Tấn Tài di chuyển bằng nạng sau chấn thương nặng. Ảnh: Bảo Ngọc.

Với chấn thương đứt dây chằng, hậu vệ Tấn Tài buộc phải lên bàn mổ và rời xa sân cỏ trong khoảng 9 tháng. Trước và nặng nề hơn, hậu vệ Đoàn Văn Hậu với chấn thương viêm gân gót chân Achilles vẫn gặp rất nhiều khó khăn để quay lại sân cỏ.

Trong khi đó, chỉ vài ngày sau ca phẫu thuật đóng đinh nội tủy, Xuân Son đã bắt đầu tập phục hồi chức năng và dự kiến sẽ trở lại sân cỏ sau 6 tháng luyện tập với cường độ tối đa. Sự khác biệt về đặc điểm sinh lý giữa các loại chấn thương tạo nên chênh lệch trong thời gian phục hồi.

Xương có hệ thống mạch máu phong phú, giúp cung cấp dinh dưỡng và hỗ trợ quá trình tái tạo nhanh chóng. Ngược lại, dây chằng là mô liên kết không có mạch máu trực tiếp nuôi dưỡng, khiến khả năng lành chậm hơn.

Quá trình phục hồi không chỉ đơn thuần là khâu nối mà đòi hỏi mảnh ghép (thường lấy từ gân) phải "bám rễ" vào gốc xương. Tương tự một cái cây cần thời gian để phát triển hệ thống rễ vững chắc, dây chằng của con người cũng phải lành lại, nối vào mô. Đối với một vận động viên tổn thương dây chằng, quá trình hồi phục kéo dài từ 6-12 tháng do cần thời gian để mô ghép tái tạo và ổn định hoàn toàn.

Ngược lại, thời gian hồi phục đối với gãy xương thường nhanh hơn, chỉ từ 6 đến 8 tuần. Phẫu thuật gãy xương có thể được thực hiện theo hai phương pháp: mổ hở và mổ kín. Mổ hở có thể gây phá hủy màng xương khiến xương hồi phục chậm hơn. Trong khi đó, mổ kín không tác động trực tiếp lên màng xương, giúp rút ngắn thời gian lành.

Các yếu tố quyết định khả năng phục hồi

Là người từng thực hiện nhiều ca phẫu thuật cho các cầu thủ chuyên nghiệp, bác sĩ Hùng chia sẻ ông từng đối mặt với áp lực tâm lý ở những ca đầu tiên.

Nhưng theo thời gian và kinh nghiệm tích lũy từ các ca phẫu thuật lớn nhỏ, vị chuyên gia cũng dần trở nên thông thạo hơn. Qua những ca phẫu thuật này, bác sĩ Hùng đã nhận ra rằng yếu tố then chốt giúp cầu thủ quay lại đỉnh cao chính là sự vững vàng về tinh thần.

"Chấn thương dây chằng là một thử thách lớn về mặt tâm lý đối với vận động viên. Đội ngũ y tế luôn chú trọng hỗ trợ tinh thần, giúp cầu thủ giữ vững ý chí và động lực trong suốt quá trình phục hồi," ông nhấn mạnh.

 Dự kiến sau 6 tháng, Xuân Son có thể trở lại sân cỏ. Ảnh: Minh Chiến.

Dự kiến sau 6 tháng, Xuân Son có thể trở lại sân cỏ. Ảnh: Minh Chiến.

Song song đó, quá trình phục hồi chức năng cũng đóng một vai trò không nhỏ. ThS.BS Hồ Ngọc Minh, khoa Nội soi khớp & Y học thể thao, Vinmec Times City, chỉ ra phẫu thuật chỉ chiếm khoảng 10% trong khi 90% khả năng trở lại thi đấu chuyên nghiệp phụ thuộc vào quá trình phục hồi sau phẫu thuật.

Đối với vận động viên chuyên nghiệp, yêu cầu về thể chất là rất cao. Vì vậy, các tiêu chuẩn phục hồi cũng khắt khe hơn. Các bác sĩ phải tính toán chi tiết lượng calo trong từng bữa ăn, lập kế hoạch luyện tập cụ thể cho mỗi ngày và tham vấn chuyên gia tâm lý để đảm bảo tinh thần tốt nhất trong suốt quá trình điều trị.

“Phác đồ luyện tập sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với thể trạng và tình hình hồi phục riêng của từng vận động viên, đảm bảo 3 yếu tố quan trọng: an toàn, hiệu quả và phòng ngừa tái phát, giúp họ sớm quay lại thi đấu với phong độ tốt nhất”, bác sĩ Ngọc Minh giải thích.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khi-nao-xuan-son-va-tan-tai-tro-lai-san-co-post1525306.html