Khi nén bạc đâm toạc... quy hoạch

LTS: Chuyện quy hoạch lại nóng lên sau vụ sạt taluy khủng khiếp ở Đà Lạt. Quy hoạch kém có đơn thuần do thiếu khoa học hay đằng sau nó còn vô vàn nguyên nhân khác nữa?

Khuất mắt trông coi

Tại một cửa hàng bán chim quay có tiếng ở phố cổ, vào giờ cao điểm, người bán chở đến quán một bao tải chim đã sơ chế, đổ đầy ra vỉa hè, nhích thêm một chút là ra tận miệng cống. Đầu bếp rửa chúng ngay tại chỗ, rồi bê vào gian trong để chế biến.

Chung cư được xây dựng với mật độ dày đặc đã phá nát không gian đô thị Hà Nội. Trong ảnh là khu đô thị bán đảo Linh Đàm san sát nhà cao tầng.

Chung cư được xây dựng với mật độ dày đặc đã phá nát không gian đô thị Hà Nội. Trong ảnh là khu đô thị bán đảo Linh Đàm san sát nhà cao tầng.

Cách đó chỉ vài mét, thực khách ngồi ăn ngon lành, nhả xương đầy dưới chân, lẫn vào đống giấy ăn. Chủ và khách đều mặc kệ, đống rác cứ ùn như thế cho đến khi khuya xuống, chẳng còn khách nào thì mấy cậu phục vụ mới lanh lẹ chạy ra quét dọn trước khi đóng cửa hàng. Cũng tại chỗ gần miệng cống mới buổi chiều đầu bếp còn kiểm hàng sơ chế, nay đã bày hai chậu nước to đùng, với hai người ngồi thoăn thoắt rửa bát. Một cách thành thực, hầu hết các hàng quán đông khách kiểu này là một thảm họa về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phản xạ của bạn khi đọc những dòng này có lẽ sẽ là hơi hoảng hốt: bạn cần biết ngay tên cửa hàng này để sau còn "tránh nó ra". Nhưng rồi bình tâm nghĩ lại, bạn nhận ra rằng cảnh này không hiếm đến nỗi phải gọi tên một hàng quán cụ thể nào.

Nó thực ra là một khung cảnh ước lệ có thể áp vào bất kỳ hàng ăn nào đông khách ở Hà Nội. Thậm chí, bạn có thể thấy chúng trên danh sách các địa điểm ăn uống được người địa phương ưa thích. Và nghĩ kỹ hơn, thì thực ra đấy lại là khung cảnh mà chính bạn cũng thường hòa mình vào đó.

Luật vệ sinh an toàn thực phẩm có ghi rõ vài tiêu chí phải tuân thủ để bất kỳ đơn vị kinh doanh ăn uống nào được phép duy trì dịch vụ của mình: "Nơi kinh doanh phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày gia súc, gia cầm)"; hay là: "Thức ăn được che đậy, bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi, bụi bẩn, mưa nắng và các loài côn trùng, động vật khác". Nhưng ở Việt Nam, chúng ta sẽ thấy những hàng quán đông khách bậc nhất lại thường là những nơi sẵn sàng "ngồi xổm" lên các quy định này. Và người tiêu dùng không tẩy chay chúng. Ngược lại, họ đồng tình, và thậm chí sẵn sàng quảng cáo cho những hàng quán kiểu này, chỉ vì tiêu chí duy nhất được thỏa mãn, là ngon miệng. Chuyện vệ sinh thì thôi khuất mắt trông coi.

Câu chuyện quy hoạch các chung cư ở đô thị cũng có màu sắc này. Có những người sẽ tạo ra một sự nghiệp ra trò, bằng cách phá hủy hết những tiêu chuẩn quy hoạch của một chung cư, nhưng không ai phản đối họ cả. Thậm chí, người mua được nhà ở những dự án như vậy, cũng đi quảng cáo tích cực cho những sản phẩm kiểu "ngon, bổ, rẻ".

Tháng 7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản - người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh về hành vi "Lừa dối khách hàng" do liên quan đến sai phạm trong dự án chung cư CT6 tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông do Công ty CP Sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes là chủ đầu tư. Tháng 4/2023, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố ông Lê Thanh Thản về tội "Lừa dối khách hàng". Nhưng trong số hàng trăm người đã mua căn hộ ngoài quy hoạch ấy, đa số đều có nguyện vọng được nhà nước hỗ trợ… cấp sổ đỏ cho các căn hộ xây sai phép.

Họ không quan tâm chuyện dự án phá vỡ quy hoạch kiểu vậy có thể gây ra hệ lụy lớn về quá tải hạ tầng, xã hội, nhu cầu trường học, bệnh viện, và chuyện phòng cháy ra sao. Họ chỉ biết rằng cuối cùng thì mình đã có một cái nhà giá rẻ, và điều quan trọng nhất bây giờ là sổ đỏ để loại hoàn toàn các rủi ro pháp lý.

Trong nhiều năm, "chung cư ông Thản" đã được tán thưởng như một giải pháp nhà ở giá rẻ "vạn năng" cho các thị dân phải quay cuồng vì giá nhà đất ngày một tăng. Tất nhiên là nhờ ông, nhiều người đã có nhà. Nhưng cũng vì ông, mà các tiêu chuẩn về quy hoạch chung cư đã biến thành những tờ giấy lộn không hơn không kém. Cũng giống như các hàng quán "chỉ cần ngon là được" đã hủy hoại toàn bộ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cuối năm ngoái, thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng chục sai phạm trong hàng loạt dự án xây dựng tại tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính.

Đôi khi, những khách hàng nhắm mắt cho qua các chung cư xây sai quy hoạch tự dưng biến thành một dạng "dân oan", với các vụ biểu tình căng băng-rôn ngay tại chung cư, khi trong quá trình sử dụng nhà, họ phát hiện ra nhiều điều chủ đầu tư làm không đúng cam kết. Cũng giống như việc đang ăn ngon lành, thực khách bỗng phát hiện ra một cái… chân gián, và lên mạng "bóc phốt".

Nhưng rồi một thời gian sau, quán đó tiếp tục đông. Nhiều người chấp nhận chuyện này, và thực tế này là một bài toán khó giải hơn nhiều việc đưa ra quy định giấy trắng mực đen.

Phạm An

Ai là thủ phạm?

Những bản quy hoạch ở Việt Nam có một từ vựng riêng để mô tả trạng thái. Đó là "băm nát". Nhưng ai là người băm?

Hàng loạt chung cư được xây dựng hai bên đường Lê Văn Lương, Hà Nội.

Hàng loạt chung cư được xây dựng hai bên đường Lê Văn Lương, Hà Nội.

Gia đình tôi ở quê đã sống trong quy hoạch treo suốt 20 năm. Căn nhà mà mẹ tôi đã vất vả xây dựng giờ trở thành một thứ "của nợ" theo nghĩa đen: nó không thể mua bán (hoặc phải bán đi với giá rất rẻ vì nằm trong quy hoạch); nó sắp ở tình trạng không thể ở nổi (vì hạ tầng xung quanh đã khiến căn nhà giờ thấp hơn mặt đường, nước trong toilet dềnh lên mỗi lần mưa lớn); và tất nhiên, nó không giúp ích gì cho việc tính toán của gia đình tôi. Hoặc chúng tôi cứ câm lặng mà bỏ cái tài sản đó đi, tôi đón bà lên Hà Nội ở cùng. Hoặc bám trụ lại đó, với tuổi già và một cái toilet dềnh lên mỗi lần trời mưa.

Chuyện trái ngang đã diễn ra 20 năm, và có bao nhiêu người dân Hải Phòng như mẹ con tôi phải cắn răng chịu đựng. Nhưng không biết ai là người phải chịu trách nhiệm. Bàn đến con đường "trên giấy" đó, có lần lãnh đạo thành phố từng đòi "xử lý hình sự" những người có trách nhiệm. Nhưng không ai bị xử lý, và nó vẫn nằm đó trong những quy hoạch của Hải Phòng.

Hiếm có điều gì gây tác hại khủng khiếp hơn một bản quy hoạch đô thị vô trách nhiệm. Nó tác động đến cuộc sống của hàng vạn, thậm chí hàng trăm nghìn con người chỉ sau vài nét vẽ. Nó tác động đến cuộc đời họ theo khía cạnh kinh khủng nhất: căn nhà - thứ tài sản lớn nhất với đại đa số con người trên hành tinh này. Khi giá trị pháp lý của một căn nhà không toàn vẹn, cuộc đời con người có thể vĩnh viễn rẽ theo hướng bất hạnh hơn. Họ không thể tính toán gì với nó, thậm chí ở nhiều nơi bị tước đi cả quyền cải tạo sửa chữa.

Quy hoạch treo tạo ra những căn nhà như thế. Điều chỉnh quy hoạch, hoặc phá vỡ quy hoạch trái pháp luật tạo ra những căn nhà như thế. Nhiều gia đình tại Hà Nội bỗng nhiên một ngày nhận được thông tin: căn hộ mà họ đã mua từ chủ đầu tư sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, vì nó đã vi phạm pháp luật xây dựng. Họ đã trả hàng tỷ đồng cho một thứ tài sản để rồi sau đó chịu trừng phạt vì sai phạm của người khác.

Người khác này là ai? Câu hỏi: Quy hoạch treo và phá vỡ quy hoạch thì ai phải chịu trách nhiệm? là câu hỏi đã đeo đẳng người dân suốt nhiều thập niên qua. Vì nếu không có ai phải chịu trách nhiệm, không có ai bị răn đe, không có gì đảm bảo rằng việc đó không tái diễn. Đáp án thường được nêu trước bài toán "Ai là thủ phạm?" Thường là chủ đầu tư.

Tên của chủ đầu tư xuất hiện trong các kết luận thanh tra xây dựng, trong các vụ án. Nhưng xin được trích ý kiến của kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam trên báo Tài Nguyên & Môi trường cách đây 3 năm: "Thực ra doanh nghiệp rất sợ pháp luật, doanh nghiệp chỉ dám làm trái pháp luật khi được "bật đèn xanh" chứ doanh nghiệp thường không dám bất chấp vi phạm pháp luật… Có lẽ đã đến lúc đưa ra vành móng ngựa cả người ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Họ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, pháp luật về những chữ ký của mình".

Những chữ ký điều chỉnh quy hoạch đó - trong một giả định an toàn - hầu hết đều tuân theo đúng quy trình. Nhưng quy trình này có được thiết kế để đảm bảo lợi ích của nhân dân, hay rộng đường cho lợi ích nhóm? Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng có chỉ ra một vài chi tiết cốt tử: khi duyệt quy hoạch có hội đồng nhưng điều chỉnh thì hội đồng này lặng lẽ "biến mất"; hoặc việc thiếu đi sự tham vấn của chính người dân trong các quá trình xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch…

Mẹ tôi, một người phụ nữ ở tuổi hưu và mắt đã kém để xem điện thoại, không bao giờ chắc chắn về trạng thái pháp lý của căn nhà mình đang sống. Lúc nào bà cũng nói, "Hình như người ta lại đang chuẩn bị làm"; một năm khác, bà lại bảo, "Hình như người ta bỏ hẳn rồi…". Mà ngay cả nếu mắt bà có tinh, tay bà có Google nhoay nhoáy, có thể bà cũng chẳng bao giờ tìm được thông tin chính xác về cuộc quy hoạch trên số phận của mình. Nó không được công khai.

Trong tiếng Việt, từ "băm nát" trong thập kỷ qua đã rời hẳn ra khỏi văn cảnh ẩm thực. Không ai dùng từ đó cho đậu nhồi thịt nữa. Nó chỉ còn xuất hiện trong văn cảnh quy hoạch. "Băm nát quy hoạch" gần như là một cụm từ. Và với cách dùng từ như thế, chúng ta có xu hướng tìm và kết tội kẻ cầm con dao - ai đã "băm nát" quy hoạch? Chính là doanh nghiệp, những người đã xây lên những cái nhà đó, nhận thầu con đường PPP đó, và xây cái khu đô thị không có trường học, bãi đỗ xe và công viên cây xanh đó, là thủ phạm.

Có lẽ người dân mong chờ một lập luận khác: ai đã đưa con dao cho những tên đồ tể băm nát quy hoạch? Ai đặt miếng thịt ở đó từ đầu? Và ai đi rửa cái thớt sạch sẽ sau khi vụ việc diễn ra?

Đức Hoàng

Những đô thị nhập nhèm

Với sự xuất hiện của các phương tiện di động thông minh và công nghệ đám mây, đã từ lâu rồi chúng ta không cần phải chạy về nhà mở máy tính bàn, hoặc lục ba lô lấy máy tính xách tay ra để tìm một tệp dữ liệu nào đó cần gửi gấp cho một đối tác. Chỉ cần một thao tác đơn giản trên điện thoại, bạn hoàn toàn có thể gửi cái tệp cần thiết ấy đến bất kỳ ai nhờ vào lưu trữ đám mây. Tất nhiên, điều kiện tối thiểu là bạn phải đăng ký tài khoản thuê bao hàng tháng để được sử dụng tiện ích từ hệ sinh thái mà nhà cung cấp dịch vụ mang lại.

Với hàng loạt chung cư được xây dựng, xã Phước Kiển là nơi đông dân nhất huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

Với hàng loạt chung cư được xây dựng, xã Phước Kiển là nơi đông dân nhất huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

Nhưng đã bao giờ bạn gặp trường hợp chính mình phải mất quá nhiều thời gian để lục tìm chính cái tệp dữ liệu cần kíp kia bởi bạn không nhớ mình đã sao lưu nó ở đâu hay chưa? Chắc chắn không ít người sẽ trả lời là "Có". Câu trả lời đó chính là chỉ dấu đầu tiên cho sự thiếu khoa học của chính bản thân người dùng, khi không biết "quy hoạch" dữ liệu cá nhân của mình vào các thư mục dễ nhớ, dễ tìm. Một phương pháp khác, đơn giản hơn, để kiểm tra khả năng quy hoạch cá nhân có khoa học hay không chính là việc nhìn vào màn hình chính điện thoại thông minh, máy tính bảng hay máy vi tính cá nhân của mình. Một cái màn hình lộn xộn với quá nhiều biểu tượng ứng dụng chắc chắn sẽ là sản phẩm của một chủ nhân thiếu khả năng quy hoạch một cách trật tự nhất, khoa học nhất.

Tôi ước gì có một phép thử là chúng ta được xem màn hình chính, hoặc xem máy tính của những cá nhân nắm trọng trách quản lý quy hoạch đô thị và cả các nhà đầu tư chuyên thực hiện các công trình nằm trong quy hoạch đô thị. Nó ngăn nắp, khoa học hay không cũng có thể là đáp án cho việc họ thực hiện quy hoạch các công trình của mình ra sao. Tất nhiên, phép thử này vẫn có thể sai, khi một cá nhân thừa biết quy hoạch thế nào là khoa học nhưng cố tình phá vỡ nó chỉ vì tư lợi. Mà cái khả năng sai này cũng có thể không nhỏ chút nào.

Bây giờ thì hãy kiểm nghiệm trên thực tế, bằng một khu vực cụ thể là xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Chỉ cần vừa qua cầu Rạch Đĩa, bên tay trái sẽ là khu dân cư gồm hai hệ thống chung cư Saigon South Residences và Sunrise Riverside và hàng loạt biệt thự; bên tay phải là khu chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3 (HAGL3); đi tới tiếp là khu biệt thự Ngân Long, khu chung cư 5 lô Phú Hoàng Anh, khu chung cư The Park, khu chung cư Hoàng Anh An Tiến… Đó mới chỉ là những dự án dân cư điển hình ở đó mà thôi. Vẫn còn nhiều dự án khác với lượng dân cư đông đảo đủ biến xã Phước Kiển trở thành một xã đông dân nhất huyện Nhà Bè. Chỉ nội khu chung cư HAGL3 thôi, ước tính có khoảng 1.104 căn chung cư cho 8 lô. Nếu tính trung bình mỗi gia đình có 3 người, dân số ở riêng khu này đã khoảng gần 3.500 nhân khẩu. Nếu cũng dùng phép tính đó với các khu chung cư lân cận đó trong xã, chúng ta hoàn toàn có thể nghi ngờ con số thống kê được công bố là dân số xã Phước Kiển khoảng 60.000 người. Nhưng nếu cứ tạm tin vào con số thống kê kể trên và căn cứ đó để tính theo Quy chuẩn QCVN 01:2021/BXD của Bộ Xây dựng, chúng ta hoàn toàn có thể nhận thấy tất cả các dự án dân cư ở xã đều vi phạm quy chuẩn ở điểm không thực hiện xây dựng các công trình dịch vụ công cộng. Nổi trội nhất là trạm y tế. Theo như quy định về "Quy mô tối thiểu của các công trình dịch vụ - công cộng cấp đơn vị ở" trong Quy chuẩn kể trên, lẽ ra mỗi khu chung cư như kiểu HAGL3 đều phải có một trạm y tế theo chỉ tiêu tối thiểu rộng 500m2. Còn nếu xem cả xã Phước Kiển như một khu đô thị (mà nó hoàn toàn xứng tầm), với dân số 60.000 người, nhất thiết phải có một bệnh viện đa khoa tối thiểu 240 giường (4 giường/1.000 dân) với chỉ tiêu sử dụng đất tối thiểu là 100m2/1 giường bệnh. Đó là còn chưa kể tới các quy định về trường học, khu vui chơi thể thao, giải trí… Và Phước Kiển không phải là một ngoại lệ ở TP Hồ Chí Minh. Các phường, xã sầm uất khác ở khu vực thành phố mới Thủ Đức hay ở khu vực đang hút khách là Cần Giờ cũng chung tình trạng. Và câu hỏi được đặt ra là "Ai có nghĩa vụ phải thực hiện đúng quy hoạch về các công trình xã hội này?”.

Sẽ không ai nhận nghĩa vụ kể trên cả vì đơn giản, đất đã được xé lẻ ra cho các nhà đầu tư xây dựng các khu dân cư riêng biệt. Chính sự riêng biệt ấy khiến họ thoát được trách nhiệm quy hoạch bởi khi đứng đơn lẻ, một khu chung cư cỡ 8-10 lô chẳng hạn sẽ chưa đủ để được xem là đô thị. Nhưng khốn khổ ở chỗ, các khu dân cư riêng biệt kia lại cách nhau không xa về khoảng cách và từng cái riêng biệt lại góp phần cùng tạo nên một đô thị. Trong cái chung - riêng nhập nhèm ấy, không nhà đầu tư nào chịu bỏ đất, bỏ tiền ra để tạo dựng các công trình xã hội theo đúng yêu cầu. Kết cục, các đô thị nhập nhèm này tồn tại đúng như tổ kiến với hình ảnh sáng sáng ùn ùn dân cư đổ xô vào các khu trung tâm để làm việc, học tập và chiều chiều, họ lại ùn ùn đổ ngược về tổ của mình.

Hiện trạng nhập nhèm này không chỉ tồn tại ở nơi sầm uất nhất Việt Nam như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội mà đã bắt đầu lan ra ở cả các đô thị mới ở các địa phương khác. Ví dụ như ở Phú Quốc, khu đô thị mới "như châu Âu thu nhỏ" đang được rao bán mạnh mẽ mấy năm qua chưa hề thấy xuất hiện bất kỳ một bệnh viện đa khoa nào dù cho số lượng căn của nó hoàn toàn có thể đáp ứng vượt trội con số dân cư tối thiểu đòi hỏi một bệnh viện đa khoa.

Và cho đến tận hôm nay, các đô thị nhập nhèm vẫn xuất hiện lừng lững mỗi ngày mà phủi bỏ hoàn toàn trách nhiệm xây dựng các công trình xã hội. Một điểm nữa cũng đáng phải bàn đến chính là sự chưa chặt chẽ trong chính Quy chuẩn QCVN 01:2021/BXD. Nếu quy định ghi rõ việc cấp đất dự án xây dựng các khu dân cư phải đi kèm với nghĩa vụ tham gia xây dựng trường, trạm theo đúng tỷ lệ quy mô dự án và bàn giao miễn phí lại cho địa phương quản lý, chắc chắn sẽ khó có nhà đầu tư nào có thể lách luật mà phá vỡ quy hoạch như hiện tại. Ví dụ, khi quyết tâm quy hoạch một vùng đất mới thành khu dân cư chẳng hạn, phải có ngay quy chế rõ ràng về phần đóng góp bằng tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với từng chủ đầu tư nhỏ lẻ nếu muốn được giao đất tùy theo tỷ lệ đất giao trong tổng thể. Chỉ có cách đó thì quy hoạch mới đúng nghĩa phục vụ con người và chính ngành bất động sản mới góp một phần vào việc giảm tải cho ngành y tế, giáo dục khi dân số đô thị càng ngày càng phình to như hiện nay.

Rõ ràng, trong việc tìm ra nguyên nhân của những đô thị nhập nhèm thời hiện đại, chúng ta đã nhìn thấy rõ tính thiếu khoa học của những con người góp mặt trong đó. Quy định thiếu khoa học, thiếu chặt chẽ dẫn tới kẽ hở để lách luật. Quản lý thiếu khoa học dẫn tới chuyện xé lẻ đất đô thị giao cho quá nhiều chủ đầu tư xâu xé kiếm lợi mà bỏ quên nghĩa vụ cần thực hiện của mình. Trong khi đó, chính các chủ đầu tư thì thiếu khoa học (hay cố tình như vậy?) để xây dựng nên những khu dân cư nhìn bề ngoài thì hào nhoáng nhưng ở bên trong lại thiếu thốn đủ đường…

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/khi-nen-bac-dam-toac-quy-hoach-i699806/