Khi người bệnh không được bảo hiểm
Từ ngày 1/7/2022, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc triển khai cấp thuốc lao bằng nguồn Quỹ BHYT cho bệnh nhân mắc lao. Đây là một khó khăn đối với bệnh nhân nghèo, đặc biệt là những bệnh nhân lao không có thẻ BHYT.
Lao đao vì không có thẻ BHYT
Không được họ nội thừa nhận, mồ côi bố mẹ từ khi học lớp 4 An Minh Tuấn trở thành cậu bé lang thang không nhà không người thân. May mắn nhất với Tuấn là em được mọi người cưu mang, khi thì cho tiền, lúc là hộp cơm nóng, hoặc bộ quần áo ấm.
Tuấn phải tự kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai, đồng nát, tối về em ngủ tạm ghế đá, vỉa hè. Sinh ra có HIV, Tuấn được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Năm 18 tuổi thì được chuyển sang điều trị ở Bệnh viện 09 - là nơi điều trị cho bệnh nhân HIV khó khăn nhất của thành phố. Tuấn đã từng có chứng minh thư, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và được điều trị bệnh miễn phí. Tuy nhiên vì không người thân, không nhà nên em đánh mất chứng minh thư, việc điều trị vì thế cũng trở nên bập bõm. Với một người có HIV, việc không điều trị thuốc kháng virus đều đồng nghĩa với việc có nguy cơ bị mắc các nhiễm trùng cơ hội, nhất là bệnh lao, và điều đó đã xảy ra với Tuấn. Bệnh lao trên một người có HIV đã nặng hơn thông thường, thiếu ăn triền miên, Tuấn lại lâm vào suy kiệt khiến cho bệnh lao càng nặng hơn.
Bà con khu phố nơi Tuấn cư ngụ đã góp được 3 triệu đồng mua thẻ BHYT và đưa Tuấn vào viện Phổi Hà Nội điều trị. Sau thời gian tuân thủ phác đồ điều trị Tuấn đã khỏe mạnh và ra viện tiếp tục đi lượm chai, nhựa để kiếm sống nuôi mình.
Cũng giống như Tuấn, ông Trần Văn Liên cùng ở phường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm cũng mất chứng minh thư nhân dân nhiều năm nay nên ông Liên không được mua thẻ BHYT. Kể từ khi không còn được cấp phát thuốc miễn phí từ nguồn ngân sách nhà nước mà chuyển sang nguồn Quỹ BHYT chi trả, mỗi tháng ông Liên điều trị hết 4-5 triệu đồng tiền thuốc, ông Liên không biết trông chờ vào đâu để có đủ tiền mua thuốc điều trị tại nhà, chưa nói đến những lúc phải vào viện: “Muốn mua BHYT thì phải có căn cước công dân trong khi tôi đã mất mấy chục năm nay. Tôi chỉ mong sớm làm được thẻ CCCD để có thẻ BHYT thì đi khám chữa bệnh cũng đỡ hơn", ông Liên chia sẻ.
Linh động chính sách
Trước những khó khăn trên Tổ Mái ấm Hoàng Mai, quận Hoàng Mai với sự hỗ trợ từ Trung tâm sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) đã có nhiều sáng kiến giúp đỡ người yếu thế như: tư vấn, tuyên truyền để bệnh nhân thấy được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT trong điều trị bệnh. Đối với những người nghèo, các thành viên trong tổ quyên góp tiền mua thẻ BHYT, hoặc vận động các mạnh thường quân hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh.
Bà Nguyễn Thị Chắn - Tổ trưởng Mái ấm Hoàng Mai cho biết, để quyên góp tiền mua thẻ BHYT không khó nhưng quá trình làm thẻ gặp rất nhiều khó khăn bởi theo quy định muốn tham gia thẻ BHYT phải có giấy tờ tùy thân, xác nhận hộ khẩu thường trú tại cơ sở nhưng điều này với những người như Tuấn, ông Liên rất khó khăn. Cũng may nhờ có sự tận tình của tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ phường nên cuối cùng cũng làm được thẻ BHYT cho bệnh nhân yếu thế. Tuy nhiên nếu về quy trình ngành chức năng có thể linh động hoặc có những chính sách hỗ trợ để bệnh nhân mãn tính, bệnh nhân lao…dễ dàng tiếp cận với BHYT hơn thì sẽ rất thiết thực”, bà Chắn đề xuất.
Thực tế đánh giá về việc chuyển đổi cơ chế đưa thuốc ARV từ các chương trình dự án sang chi trả của Quỹ BHYT, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, nếu như năm 2016 tỉ lệ người tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT mới chỉ đạt 50% thì đến năm 2022 tỉ lệ này đã lên đến 95%. Đáng chú ý, kể từ khi viên thuốc ARV được Quỹ BHYT kê đơn tại các cơ sở điều trị vào ngày 8/3/2019 đến nay trung bình mỗi năm Quỹ BHYT chi trả cả dịch vụ khám chữa bệnh và thuốc ARV lên tới 400 tỷ mỗi năm.
Mặc dù vậy theo phản ánh từ các địa phương sau 3 năm thực hiện đã có nhiều vướng mắc khó khăn, đặc biệt là vấn đề cung ứng thuốc ARV nguồn mua sắm tập trung bị chậm qua các năm. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV lo sợ kỳ thị phân biệt đối xử nên không muốn tham gia BHYT; việc bảo đảm tham gia BHYT liên tục cho nhóm người nhiễm HIV là công nhân lao động, nhóm lao động ngoại tỉnh, nhóm không có mã số định danh, nhóm mất giấy tờ tùy thân rất khó.
Theo bà Khuất Thị Hải Oanh – Giám đốc SCDI từ giai đoạn 2021-2025 không còn nguồn kinh phí để chi trả cho việc mua sắm thuốc chống lao hàng 1 và hàng 2 cấp miễn phí cho người bệnh. Thay vào đó, từ ngày 1/7/2022, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc triển khai cấp thuốc lao bằng nguồn Quỹ BHYT cho bệnh nhân mắc lao. Đây là một khó khăn đối với bệnh nhân nghèo, đặc biệt là những bệnh nhân lao không có thẻ BHYT. Chính vì vậy rất cần có các chính sách hỗ trợ tốt hơn cho bệnh nhân lao đặc biệt là vấn đề tiếp cận với thẻ BHYT.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khi-nguoi-benh-khong-duoc-bao-hiem-5712598.html