Khi người dân sống trong môi trường số hóa

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống và mức hưởng thụ cho người dân.

Người dân xã Định Tăng tra cứu thông tin của thôn bằng mã QR tại nhà văn hóa.

Người dân xã Định Tăng tra cứu thông tin của thôn bằng mã QR tại nhà văn hóa.

Thôn 9, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) được công nhận thôn thông minh từ năm 2023. Một trong những thay đổi dễ nhận nhất khi đạt thôn thông minh đó là cảnh quan môi trường được giữ gìn sạch đẹp, an ninh - trật tự ngày càng được đảm bảo. Hệ thống camera an ninh bố trí ở các trục đường chính, nhà văn hóa và khu dân cư. Hệ thống truyền thanh thông minh thuận tiện cho việc thông báo các thông tin quan trọng đến người dân. Không chỉ vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp cho số hộ gia đình lắp đặt internet tăng cao. Người dân dần tiếp cận với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đăng ký khám bệnh online... Hiện nay, thôn có 98% người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh; 95% người dân có tài khoản thanh toán điện tử. 100% hộ kinh doanh của thôn đã áp dụng thanh toán điện tử, thuận tiện trong giao dịch.

Ông Trịnh Văn Thảo (61 tuổi) cho biết: “Do tuổi cao nên thời gian mới tiếp cận tôi còn lúng túng, nhưng sau vài tháng tôi đã biết sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, truy cập internet để tìm kiếm thông tin. Đặc biệt, mọi thông tin, quy định của thôn được công khai, cập nhật thường xuyên trên nhóm zalo và mã QR ngay tại nhà văn hóa thôn, rất thuận tiện cho người dân".

Bí thư chi bộ thôn 9 Phạm Ngọc Linh cho biết: “Việc chuyển đổi số (CĐS) đã từng bước kéo gần khoảng cách nông thôn và thành thị. Mạng lưới viễn thông được phủ sóng, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới các hộ dân. Nhà văn hóa thôn đã lắp đặt wifi miễn phí, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, truy cập thông tin đa chiều, đọc sách, báo điện tử và các hoạt động hội họp của thôn. Hệ thống camera an ninh được tích hợp với điện thoại của trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn và hệ thống máy tính tại nhà văn hóa đã giúp cán bộ thôn có thể phát hiện những trường hợp vi phạm an ninh - trật tự, môi trường để kịp thời nhắc nhở”.

Còn tại xã Định Tăng (Yên Định), thực hiện nhiệm vụ CĐS xã đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức và Nhân dân về ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực; 100% cán bộ, công chức xã đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Người dân được hướng dẫn cài đặt ứng dụng và cách tiếp cận với các văn bản, quy định, thủ tục hành chính trên môi trường mạng và các thiết bị thông minh. Đặc biệt, việc linh hoạt sử dụng các nền tảng số đã giúp nhiều phong trào, hoạt động tại địa phương đạt hiệu quả.

Trưởng thôn Hoạch Thôn Trịnh Ngọc Châu cho biết: “Trước đây, các văn bản, công việc của thôn được thông báo qua hệ thống truyền thanh hoặc trực tiếp tại hộ dân. Từ khi ứng dụng công nghệ thông tin, thôn thành lập nhóm zalo, fanpage với sự tham gia của các hộ dân, mọi công việc của thôn đều được thông báo, cập nhật kịp thời trên nhóm. Nhóm zalo, fanpage đã trở thành một kênh hữu ích, góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân; nơi cung cấp, trao đổi thông tin của địa phương; nơi triển khai, vận động, lấy ý kiến, kiến nghị của người dân địa phương... Nhờ đó, mọi công việc của thôn được triển khai kịp thời, nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân. Thôn cũng triển khai tạo mã QR gắn tại nhà văn hóa thôn để cập nhật các văn bản, quy định, thông tin của các hộ dân và sơ đồ chỉ đường đến từng ngõ, từng hộ dân. Nhờ CĐS mà đến nay thôn có 86,7% hộ dân lắp internet; 98,8% người dân trong độ tuổi lao động có điện thoại thông minh. Thôn đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong sản xuất, kinh doanh, an ninh - trật tự"...

Công chức văn hóa - xã hội xã Định Tăng Trịnh Thị Sen cho biết: “Xã đã hoàn thành các tiêu chí CĐS, qua đó tạo động lực thúc đẩy người dân thi đua sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, góp phần tích cực vào việc hoàn thành mục tiêu XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”.

Ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện CĐS đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho bộ máy hành chính, mang lại nhiều thuận tiện cho người dân, hướng tới xây dựng nông thôn văn minh, bền vững. Đây là mô hình phù hợp với thời đại 4.0 được nhiều địa phương quan tâm thực hiện.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khi-nguoi-dan-song-trong-moi-truong-so-hoa-249467.htm