Khi người trẻ bắt nhịp với văn hóa truyền thống qua chuỗi sự kiện 'Bắc nhịp tang bồng'
Chuỗi sự kiện 'Bắc nhịp tang bồng' là một nỗ lực đáng trân trọng trong việc gìn giữ văn hóa, nghệ thuật truyền thống, đồng thời thể hiện góc nhìn độc đáo và sức sáng tạo dồi dào của những nghệ sĩ trẻ tuổi.
Bắc nhịp tang bồng là dự án nghệ thuật lấy cảm hứng chủ đạo từ văn hóa truyền thống Việt Nam của nhóm Trường Ca Kịch Viện. Kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại, triển lãm không chỉ là minh chứng cho tình yêu, niềm đam mê mãnh liệt của người trẻ với văn hóa nước nhà mà còn thể hiện góc nhìn độc đáo và sức sáng tạo dồi dào của lứa nghệ sĩ mới.
Đến với Bắc nhịp tang bồng, chất liệu từ những bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng cổ (hát bội), ca trù, chầu văn, múa rối nước đã trở thành điểm tựa vững chắc cho các tác phẩm, trải dài từ trang phục cho đến hội họa và nghệ thuật sắp đặt. Nguồn cảm hứng trước hết đến từ những yếu tố thẩm mỹ, như cách hóa trang cầu kỳ đặc trưng của hát bội, tranh Hàng Trống hay nghệ thuật chế tạo rối nước tinh xảo, thể hiện được vai trò, tính cách của từng nhân vật. Đối với các tác phẩm hội họa, sự ảnh hưởng thể hiện rõ nhất ở màu sắc rực rỡ, đường nét uyển chuyển nhưng vẫn toát lên được tinh thần của nhân vật và câu chuyện trong những giai đoạn lịch sử.
Các tác giả đã chọn kể lại bằng những tích tuồng quen thuộc với người Việt như Đào Tam Xuân, Chung Vô Diệm đăng tiên, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo... Ở đó, thử thách lớn nhất chính là thể hiện được hồn cốt của tác phẩm gốc qua chính sự sáng tạo cá nhân của người nghệ sĩ, từ đó đem tới góc nhìn mới mẻ. Như trong hai tác phẩm hội họa Chung Vô Diệm đăng tiên (2018) và Đào Tam Xuân loạn trào (2021), tác giả Lương Trọng Hoàng Trung đã thể hiện hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường, chính trực, dám đối đầu với cái ác để báo thù cho gia đình. Bên cạnh đó, các sáng tác cũng là nỗ lực bảo tồn những giá trị muôn thuở như tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, tình yêu thương, sự trắc ẩn… mà cổ nhân đã để lại cho hậu thế từ những tác phẩm nghệ thuật vượt thời gian.
Mặt khác, triển lãm cũng đem đến những suy tư sâu sắc về thân phận người nghệ sĩ. Trên sân khấu, nghệ sĩ là những ông hoàng bà chúa quyền uy, lộng lẫy, nhưng khi “bức màn buông, danh vọng hết”, họ cũng chỉ là những con người bình dị phải đối mặt với muôn vàn thăng trầm của đời sống. Dù vậy, khi đến với nghệ thuật, người nghệ sĩ luôn rút hết gan ruột để hóa thân vào nhân vật, đem tới cho khán giả những giá trị tinh túy, nhân văn nhất.
Không chỉ có nghệ thuật, Bắc nhịp tang bồng còn lấy cảm hứng từ văn hóa, tín ngưỡng dân gian như đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng. Trong các tác phẩm hội họa thuộc dự án Thánh Nhan (trang Tứ Phủ tổ chức) được trưng bày tại triển lãm, hình ảnh các Mẫu được tô điểm thêm bằng những vật dụng gắn liền với đạo Phật, thể hiện sự giao thoa và tinh thần hòa hợp giữa tín ngưỡng bản địa và tôn giáo ngoại lai. Đây cũng chính là tinh thần chung của triển lãm khi kết hợp nhiều bộ môn nghệ thuật và nét văn hóa lại với nhau trong cùng một không gian, nhằm tôn vinh và gìn giữ những di sản tinh thần của người Việt trong xã hội hiện đại với nhiều giá trị đan xen.
*Chuỗi sự kiện “Bắc nhịp tang bồng” đang diễn ra tại Toong, số 8 Tràng Thi (Hà Nội) từ nay đến 15/5. Ngoài triển lãm, sự kiện còn có nhiều hoạt động khác như công chiếu phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa” (29/4 - 1/5), ra mắt sản phẩm MV 3D Visual Art (7/5) và talkshow (10/5).