Khi người trẻ 'cháy rụi' dưới áp lực

Nhiều bạn trẻ ngày nay đang đối mặt với tình trạng 'burn out' (kiệt quệ), khi họ dần mất đi động lực trong học tập và công việc, rơi vào trạng thái mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng, và không còn quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh...

Người trẻ "cháy rụi" dưới áp lực

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa hội chứng kiệt sức (burn-out syndrome), hay còn gọi là “cháy sạch”, là một vấn đề tâm lý liên quan đến nghề nghiệp. Hội chứng này xuất hiện khi căng thẳng mãn tính trong công việc, học tập không được giải quyết một cách hiệu quả. Nó được nhận diện qua ba yếu tố chính: phản ứng của cá nhân trước môi trường làm việc, cách nhìn nhận về bản thân, và cách đối phó với tính chất cũng như khối lượng công việc. Khi cả ba yếu tố này kết hợp lại, chúng tạo nên một trạng thái kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất.

Nguyễn Minh An, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu cảm nhận rõ sự mệt mỏi sau khi hoàn thành đợt thực tập kéo dài. “Dù đã qua kỳ thực tập, mình vẫn chưa tìm được hướng đi cho bản thân. Cứ cố gắng thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng cảm thấy lạc lối, không phù hợp. Mình luôn tự hỏi liệu mình có nên tiếp tục như vậy không, và cuối cùng, mình bị mắc kẹt trong chính những suy nghĩ bế tắc đó,” Minh An chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ hiện nay "cháy rụi" trước áp lực. (Ảnh minh họa bởi AI)

Nhiều bạn trẻ hiện nay "cháy rụi" trước áp lực. (Ảnh minh họa bởi AI)

An cho biết thêm, khoảng thời gian đó cậu cảm thấy mất hứng thú với mọi thứ, không còn muốn gặp gỡ bạn bè hay tham gia các hoạt động xã hội. "Tâm trạng chán nản và lo âu cứ bủa vây khiến mình khó kiểm soát cảm xúc, không thể tập trung làm bất cứ việc gì. Mình luôn tự trách bản thân nhưng lại không có đủ động lực để thay đổi, và điều đó khiến mình mất ngủ, lo lắng triền miên, ăn uống thất thường,” An nói.

Tương tự với An, Trần Phương Nam, sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ khí tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM cũng rơi vào tình trạng tương tự khi không thể quản lý khối lượng công việc quá tải. “Mình thường không biết cách từ chối khi ai đó nhờ vả, cứ nghĩ rằng mình phải cố gắng hoàn thiện mọi thứ. Dần dần, cảm giác áp lực nặng nề khiến mình trở nên rối bời, thiếu động lực và chẳng còn hiểu rõ mình muốn gì,” Nam bộc bạch.

Nam kể rằng, có những lúc cậu phải ngừng hết mọi thứ trong vài ngày chỉ để suy nghĩ về lý do mình phải làm những công việc đó. "Ban đêm, mình thường xuyên trở về nhà với cảm giác kiệt sức, không biết mình đã làm được gì trong cả ngày. Cảm giác bất lực và mệt mỏi cứ đeo bám khiến mình không còn động lực để tiến lên," Nam chia sẻ thêm.

Nam cho biết cậu phải ngừng hết mọi công việc trong vài ngày chỉ để suy nghĩ về lý do mình phải làm những công việc đó.

Nam cho biết cậu phải ngừng hết mọi công việc trong vài ngày chỉ để suy nghĩ về lý do mình phải làm những công việc đó.

Lê Hoài Anh, sinh viên ngành Sư phạm Tin học tại Đại học Đà Nẵng cũng gặp phải vấn đề “burn out” khi đối mặt với áp lực về điểm số và kỳ vọng từ gia đình. Hoài Anh cho biết: “Gia đình mình luôn mong muốn mình đạt được học bổng, khen thưởng và bằng tốt nghiệp loại ưu, nhưng áp lực đó lại khiến mình mất đi niềm vui học tập. Mỗi ngày đều căng thẳng khi nghĩ đến các bài kiểm tra và luận án tốt nghiệp, mình cảm thấy như không còn đủ năng lượng để tiếp tục."

Hoài Anh chia sẻ thêm, cô nàng cảm thấy lạc lõng khi nhìn bạn bè xung quanh đạt được những thành công nhỏ, còn bản thân chỉ loay hoay với sách vở. "Mình từng phải tạm ngừng một thời gian, chỉ để dành thời gian suy nghĩ về hướng đi tiếp theo. Dù gia đình rất kỳ vọng, nhưng mình lại cảm thấy mình chỉ đang cố gắng vì người khác mà không phải vì chính bản thân," Hoài Anh thừa nhận.

Làm sao để vượt qua 'burn out'?

Giải thích về hiện tượng “burn out”, anh Lê Quang Huy, chuyên gia tư vấn tâm lý tại một trung tâm đào tạo kỹ năng sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng đây là trạng thái cạn kiệt năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần. “Khi một người rơi vào tình trạng này, mỗi ngày trôi qua chỉ là sự mệt mỏi và căng thẳng kéo dài, mà không còn cảm thấy công việc hay học tập mang lại giá trị gì cho bản thân,” anh Huy cho biết.

Theo anh Huy, nguyên nhân của tình trạng này thường bắt nguồn từ việc làm việc quá sức mà không có sự nghỉ ngơi hợp lý. “Các bạn thường cố gắng quá nhiều nhưng lại không thấy kết quả xứng đáng. Về đến nhà, thay vì nghỉ ngơi, họ vẫn lo lắng về công việc chưa hoàn thành, và cứ thế lao vào làm mà không quan tâm đến thời gian. Sự thiếu khả năng từ chối các yêu cầu dẫn đến áp lực ngày càng gia tăng, dễ dàng dẫn đến xung đột với người khác và dần dần cảm thấy mệt mỏi trong mọi hoạt động,” anh Huy chia sẻ thêm.

Khi tình trạng này vượt quá sức chịu đựng, người trẻ có xu hướng muốn từ bỏ tất cả, tránh xa xã hội và thậm chí không còn hứng thú với tương lai hay các mối quan hệ cá nhân. Ở mức độ nghiêm trọng, "burn out" có thể kéo theo các vấn đề tâm lý nặng nề như trầm cảm hoặc các tổn thương về sức khỏe thể chất.

Để tránh rơi vào vòng xoáy của “burn out”, anh Quang Huy khuyến nghị các bạn trẻ nên nhìn nhận mọi áp lực như những trải nghiệm giúp khám phá giới hạn của bản thân. “Hãy ghi ra những suy nghĩ của mình lên giấy để tự nhìn nhận lại, từ đó giữ bình tĩnh và xác định những việc cần ưu tiên, những gì có thể bỏ qua và những điều nên tìm sự tư vấn từ người khác,” anh Huy khuyên.

“Đừng ngần ngại khi cần sự giúp đỡ, vì biết khi nào cần được hỗ trợ cũng là một hành động dũng cảm. Sau khi hoàn thành xong công việc, hãy dành thời gian ăn mừng thành tựu nhỏ để tạo động lực cho bản thân. Đồng thời, việc học hỏi thêm những kỹ năng mới cũng giúp tạo ra sự hứng khởi và giảm áp lực trong cuộc sống.”

Anh Huy cũng nhấn mạnh: “Đừng ngần ngại khi cần sự giúp đỡ, vì biết khi nào cần được hỗ trợ cũng là một hành động dũng cảm. Sau khi hoàn thành xong công việc, hãy dành thời gian ăn mừng thành tựu nhỏ để tạo động lực cho bản thân. Đồng thời, việc học hỏi thêm những kỹ năng mới cũng giúp tạo ra sự hứng khởi và giảm áp lực trong cuộc sống.”

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/khi-nguoi-tre-chay-rui-duoi-ap-luc-post1684798.tpo