Khi người trẻ thách thức với pháp luật
Thiểu biết nhưng lại thừa liều lĩnh, nhiều người trẻ hiện nay hồn nhiên vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Việc hạn chế về nhận thức pháp luật khiến những người này đối diện với các mức xử lý theo quy định. Nhẹ thì khiển trách, phạt hành chính, còn nặng, có nhiều người đã phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân…
Vi phạm pháp luật còn hồn nhiên đăng lên mạng xã hội
Mới đây, trên mạng xã hội đã lan truyền clip ghi lại cảnh cô gái điều khiển ô tô hiệu BMW chạy trên đường phố với tốc độ cao. Hình ảnh từ đoạn clip cho thấy, cô gái điều khiển chiếc xe vừa đi, vừa trao đổi, nói chuyện khá vui vẻ. Điều đáng nói, hình ảnh video đã hiển thị, có đoạn đồng hồ đo tốc độ lên đến 140km/h. Thời điểm trên, bên cạnh cô gái có một người khác dùng điện thoại ghi lại toàn bộ sự việc. Ngay sau đó, video đã được xác định được quay khi xe đang lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Cơ Thạch, phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Theo quy định, tuyến đường này chỉ được chạy với tốc độ tối đa 60km/h.
Ngay tối đó, CA phường An Lợi Đông cùng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự TP Thủ Đức đã mời N.T.D.M, nữ tài xế lái xe trong clip được nêu trên lên trụ sở làm việc. Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với nữ tài xế về lỗi Điều khiển ô tô chạy quá tốc độ. Theo Nghị định 100/NĐ-CP, với lỗi vi phạm này, mức xử phạt 10-12 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng. Đồng thời bị tạm giữ phương tiện. Trước đó, trên một trang Facebook cá nhân có trên 50 ngàn người theo dõi có đăng nhiều hình ảnh, video điều khiển xe máy cởi trần, không đội mũ bảo hiểm, chở ba bốc đầu trên đường. Cụ thể, các hình ảnh video của người này đăng tải với tiêu đề “Tuyệt kỹ bốc đầu Thiếu Lâm Tự”, “Thuật bốc đầu Kỳ Môn Độn Giáp”… Mỗi hình ảnh, video đăng tải trên trang facebook cá nhân của người này có hàng chục ngàn lượt like và bình luận. Theo hình ảnh từ các video được đăng tải thì chiếc xe máy dùng để biểu diễn có biển số ở Bình Dương, còn địa điểm biểu diễn có thể là ở Bình Dương và TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).
Khi các video, hình ảnh được đăng tải, danh tính cũng như hành vi của các thanh niên này đã được cơ quan chức năng xác minh. Ngày 8/11, các nhân vật trong clip đã bị CATP Thủ Đức tạm giữ để điều tra hành vi Gây rối trật tự công cộng. Hoặc trước đó, cuối tháng 10, một nhóm thanh niên “làm xiếc” với xe máy trên quốc lộ 1, thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng bị bắt về hành vi tương tự. Về những hành vi “vạch áo cho người xem lưng” này của các thanh niên kể trên, rất nhiều người bức xúc với hành vi của người đã vi phạm pháp luật mà còn đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội để nhiều người chứng kiến.
Theo đó, anh Dương Chính (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, đây có thể coi là hành vi thách thức pháp luật, cần xử lý nghiêm. Còn anh Nguyễn Bá Hồng (huyện Gia Lâm), những quy định mà pháp luật đã ban hành thì mọi công dân đều phải thượng tôn vì tất cả đang sống và làm theo luật pháp quy định. Ngoài ra, việc đã vi phạm pháp luật mà còn lợi dụng mạng xã hội để lan truyền những hình ảnh phản cảm cho nhiều người xem là không thể chấp nhận. “Nên xem lại tội danh của hành vi này, đây có thể xem là hành vi cố tình vi phạm luật với tình tiết tăng nặng, gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng.” – anh Hồng nói.
Cái giá phải trả
Tuy nhiên, theo anh Hồng, có thể có những chuyện đã vi phạm còn đăng tải cho “cả thế giới” cùng biết như trên, là bởi các đối tượng yếu kém về nhận thức pháp luật. Nhưng cho dù nói thế nào, thì việc thiếu hiểu biết về pháp luật cũng là điều khó chấp nhận. Vì bởi lẽ, việc nhận thức kém về pháp luật của thanh, thiếu niên đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Có mặt tại phiên tòa xét xử bảo mẫu Chu Uyển Vân (SN 1996, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), bị cáo trong vụ án vô ý làm chết người khiến bé 7 tháng tuổi tử vong ở Gia Lâm, ngoài việc lên án sự tắc trách của bị cáo cũng như người thân của bị hại, người ta còn thấy ngán ngẩm vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật của cả bị cáo lẫn đại diện cho bị hại.
Theo đó, trong cả phiên tòa, bị cáo Chu Uyển Vân luôn khẳng định mình nhận trong trẻ trong tình trạng bản thân đang phải trông 2 con đẻ. Đồng thời, bị cáo còn không có bằng cấp, không chứng chỉ cũng như không được cấp phép trong việc trông trẻ. Tuy nhiên, lý giải việc này, Vân nói: “bị cáo thấy nhiều người trong tòa nhà, kể cả những người cao tuổi vẫn nhận trông trẻ theo ngày, theo giờ mà không cần xin phép nên bị cáo nghĩ, người ta làm thì bị cáo cũng có thể làm”. Hoặc như khi đại diện VKS hỏi Vân, cô có biết quy định về việc 1 người được phép trông tối đa bao nhiêu trẻ dưới 1 tuổi hay không, bị cáo này cũng “hồn nhiên” cho biết, cô không hề biết có quy định về việc đó!
Từ việc thiếu hiểu biết các quy định về trông, giữ trẻ, cùng với sự tắc trách, một trẻ sơ sinh đã tử vong. Để trả giá cho việc ấy, Vân đã lĩnh 15 tháng tù giam. Chuyện không nhận thức đầy đủ, cũng như thiếu hiểu biết về pháp luật như Chu Uyển Vân không thiếu. Người ta làm việc, hành động theo thói quen mà không ý thức được, đó là vi phạm… Cho đến khi có sự cố xảy ra, trước cơ quan chức năng, thậm chí đứng trước vành móng ngựa họ mới có được những nhận thức muộn màng.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Công ty Luật TNHH Luật H Trung Lương cho biết, trong nhiều vụ án ông tham gia bào chữa, ông thấy xót xa nhất những vụ án mà bị can, bị cáo là những người trẻ. “Giới trẻ hiện nay rất mơ màng với pháp luật. Có nhiều trường hợp khi ra tòa, nhiều người mới bật khóc vì nhận thức muộn màng” – ông nói. Cái giá phải trả là quá đắt, đó là những ngày uổng phí tuổi thanh xuân khi chấp hành án phạt trong tù, là nỗi đau, nỗi mất mát của người thân, của xã hội.
Theo luật sư, việc nhận thức pháp luật trong giới trẻ có nhiều lỗ hổng. Điều này cần nhìn nhận và xem xét đó là việc giáo dục pháp luật trong nhà trường, bởi theo ông, hệ thống giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay bỏ quên hẳn việc giáo dục pháp luật trong nhà trường. “Bởi thiếu kiến thức pháp luật nên bố mẹ, ông bà trong gia đình đều hổng vậy nên không có kỹ năng giáo dục con cái. Đến lứa con cái cũng hồn nhiên lớn, tự nhiên trưởng thành tiếp tục mang trong mình những lỗ hổng về nhận thức pháp luật. Còn trong nhà trường, xem xét các bộ môn hiện nay thì may ra có môn giáo dục công dân có chút kiến thức để trang bị các em về hiểu biết pháp luật. Tuy nhiên, những giờ để có thể phổ biến các vấn đề ấy cho học sinh lại không nhiều, hơn nữa nếu có dậy cũng chỉ dạy lý thuyết mà chưa đề cập đến chế tài xử lý, hoặc đề cập đến chế tài xử lý chưa đủ mạnh…” - luật sư Hùng lập luận.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khi-nguoi-tre-thach-thuc-voi-phap-luat-363498.html