Khi nhà báo làm… 'cổ đông bất đắc dĩ'
Để có thông tin phục vụ độc giả, nhà đầu tư, đôi khi phóng viên phải bỏ tiền mua một số cổ phiếu để có quyền tham dự đại hội cổ đông của doanh nghiệp. Dẫu vậy, việc tiếp cận và tác nghiệp tại đại hội của phóng viên không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Bị ngăn chặn, hoặc “chăm sóc” kỹ
Không chỉ với nhà đầu tư, mà với phóng viên tài chính, mùa đại hội cổ đông được xem là mùa “săn tin” về doanh nghiệp. Bởi đây là dịp các doanh nghiệp đại chúng công bố thông tin về kết quả kinh doanh năm trước, chính sách phân phối lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh năm mới; tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là chưa kể, tại đại hội, qua phần chất vấn của cổ đông với lãnh đạo doanh nghiệp, nhiều vấn đề nội tại của doanh nghiệp cũng được làm rõ…
Do nhiều doanh nghiệp không mời báo chí tới đưa tin về đại hội (hoặc chỉ mời một số nhà báo “ruột” để đưa tin có chủ đích), để có nguồn tin phục vụ bạn đọc, phóng viên kinh tế thường phải dùng tiền túi mua một vài trăm cổ phiếu của doanh nghiệp mình quan tâm; hoặc sử dụng mối quan hệ với nhân viên môi giới của công ty chứng khoán, nhà đầu tư để xin ủy quyền tham dự đại hội. Dù vậy, việc tiếp cận đại hội cổ đông theo con đường này không phải khi nào cũng thuận lợi.
Với danh mục cổ phiếu đang nắm giữ có 10 mã, nhưng mùa đại hội cổ đông năm nay, người viết bài này chỉ nhận được 3 thư mời thông qua email. Trao đổi với ông Vương Nam, nhân viên môi giới của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (nơi người viết mở tài khoản đầu tư), ông Nam cho biết, chuyện này vẫn xảy ra… như cơm bữa.
“Công ty chứng khoán chuyển thắc mắc đến doanh nghiệp thì được trả lời là doanh nghiệp đã gửi thư mời qua đường bưu điện. Năm nào cũng vậy nên chúng tôi chỉ biết khuyên nhà đầu tư theo dõi thông tin trên website của doanh nghiệp”, ông Nam nói.
Thực tế, ngoài “đổ thừa” cho việc thư mời tham dự đại hội không tới tay cổ đông do “bưu điện” thì không ít doanh nghiệp, với lý do có số lượng cổ đông quá lớn, đã đặt ra điều kiện về sở hữu, chẳng hạn sở hữu tối thiểu 2.000 cổ phần mới được tham dự đại hội. Cổ đông sở hữu dưới mức đó bị đặt ra ngoài lề.
Giám đốc truyền thông một công ty niêm yết thuộc ngành xây lắp chia sẻ, quan điểm của ban lãnh đạo công ty là không xuất hiện hình ảnh, không phát ngôn trên báo chí. Do đó, bộ phận truyền thông của công ty được chỉ đạo không mời báo chí và “chăm sóc” kỹ nhà báo nếu họ tới dự đại hội bằng tư cách cổ đông.
“Đầu tiên, chúng tôi rà danh sách cổ đông và “soi” những cổ đông nhỏ, cổ đông mới. Các cổ đông có địa chỉ liên hệ trùng với địa chỉ các tòa soạn sẽ được lọc ra. Nếu thấy họ check-in, lập tức đội truyền thông phát tín hiệu với lãnh đạo và ê kip để chú ý. Thậm chí, chúng tôi còn phải cử người ngồi cạnh”, vị giám đốc truyền thông tiết lộ.
Ngay cả check in đại hội thuận lợi, cổ đông nhỏ (trong đó có nhà báo) vẫn khó khai thác thông tin sâu hơn thông qua phần hỏi đáp với lãnh đạo doanh nghiệp. Bởi lẽ, ban chủ tọa nhiều đại hội thường khống chế thời gian chất vấn rất ngắn, hoặc ưu tiên các câu hỏi của cổ đông lớn và cổ đông quen thuộc (không loại trừ khả năng ấn định cổ đông chất vấn)… Một số đại hội còn bố trí thời gian bất cân xứng (dành quá nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục đại hội, hoặc ban lãnh đạo đọc lại các báo cáo dài lê thê đã công bố đầy đủ trước đó…) để hạn chế cổ đông thực hiện quyền chất vấn lãnh đạo.
Đơn cử, đại hội cổ đông thường niên 2022 của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (VCC, mã CCV) ngày 19/10/2022 dự kiến gói gọn trong buổi sáng, nhưng thực tế đã kéo dài đến tận chiều tối. Lý do là đón tiếp cổ đông từ 7h30 nhưng đến 9h00 vẫn chưa chốt số lượng cổ đông và người được ủy quyền hợp lệ. Sau đó, đại hội yêu cầu cổ đông lần lượt biểu quyết thông qua 13 nội dung có tính chất thủ tục để tiến hành đại hội, với 13 lần thu phát và kiểm phiếu, công bố.
Kết quả là mất nguyên nửa ngày vẫn chưa hoàn thiện thủ tục để đi vào phần chính của đại hội. Đại hội cũng yêu cầu biểu quyết thông qua kết quả sản xuất - kinh doanh 2021 và kế hoạch kinh doanh 2022 rồi mới thảo luận, do vậy, nhiều cổ đông phản đối và bỏ về, đến phần chất vấn thì hội trường chỉ còn lác đác vài người.
Hi hữu hơn, đại hội cổ đông 2022 của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã HNG) ngày 16/4/2022 còn thông báo không chụp hình, ghi âm hay sử dụng laptop trong suốt thời gian họp. Thời điểm đó, doanh nghiệp này công bố năm 2021 lỗ 1.119 tỷ đồng và dự kiến năm 2022 lỗ hơn 2.700 tỷ đồng nên quy định này được cổ đông hiểu là doanh nghiệp không muốn sớm công bố thông tin ra ngoài.
Minh bạch, thẳng thắn, doanh nghiệp mới được đồng cảm
Về lý thuyết, được cung cấp thông tin, tham dự, phát biểu và chất vấn tại đại hội cổ đông là quyền lợi của tất cả cổ đông, dù sở hữu nhiều hay ít cổ phần. Việc minh bạch thông tin của doanh nghiệp không chỉ nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ sở hữu, mà còn giúp cổ đông, nhà đầu tư hiểu hơn về doanh nghiệp, từ đó mới có sự sẻ chia, đồng hành lâu dài.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, Công ty Chứng khoán SSI, những chiến lược phát triển của doanh nghiệp cần được triển khai rõ ràng mới có thể giữ chân nhà đầu tư. Do đó, sự minh bạch trong cách giao tiếp giữa doanh nghiệp và cổ đông là món quà ý nghĩa nhất dành cho cổ đông.
“Minh bạch thực sự quan trọng, nhất là lúc tình hình công ty gặp khó khăn”, ông Hưng nhấn mạnh.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (mã DBC) diễn ra hôm 22/4/2023, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco thẳng thắn chia sẻ, năm 2022, Công ty lỗ ròng 79 tỷ đồng quý cuối năm và chỉ có lãi vỏn vẹn 5,2 tỷ đồng cả năm, giảm 99% so với năm 2021.
Lý do là Công ty vừa trải qua một năm “khó khăn kép”: vừa dịch tả lợn châu Phi, vừa khó khăn chung sau đại dịch khiến lợn chết hàng loạt, sức mua sản phẩm bị giảm 65%, các dự án đầu tư đều gặp vướng mắc…
Dù năm nay Dabaco không có cổ tức, song thái độ thẳng thắn của lãnh đạo khi chia sẻ những vấn đề của doanh nghiệp, thể hiện ở phần thảo luận, chất vấn kéo dài hai tiếng đồng hồ, đã ghi điểm trong mắt cổ đông. Nhiều người bày tỏ sự chia sẻ với lãnh đạo Dabaco và mong muốn doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn.
Tương tự, trong phần chất vấn tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của LPBank mới đây, lãnh đạo Ngân hàng đã trần tình với cổ đông rằng, LPBank không đầu tư, phân phối trái phiếu doanh nghiệp; báo cáo tài chính năm 2022 của Ngân hàng có khoản mục đầu tư trái phiếu, đây là trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng có uy tín trên thị trường. Những thông tin này khiến cổ đông, nhà đầu tư yên tâm hơn trong bối cảnh thị trường trái phiếu biến động phức tạp, nhiều tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán.
Khi cổ đông của Ngân hàng Quốc tế (VIB) chất vấn xung quanh ảnh hưởng của thị trường bất động sản đến các khoản vay của Ngân hàng, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB có cơ hội giải thích rằng, tổng trái phiếu của VIB chỉ khoảng 1.800 tỷ đồng trên tổng dư nợ hơn 232.000 tỷ đồng, trái phiếu chủ yếu của nhóm sản xuất - kinh doanh; nếu thị trường bất động sản giảm giá khoảng 30 - 40% thì chất lượng tài sản bảo đảm của VIB vẫn an toàn.
Trên thị trường chứng khoán, đa số cổ phiếu có diễn biến giá đồng pha với thị trường, nhưng yếu tố quyết định đến xu hướng giá vẫn là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp ngăn cản báo chí tiếp cận thông tin tiêu cực dễ làm nảy sinh nghi vấn dung túng cho giao dịch nội gián (khi thông tin chậm được công bố ra ngoài, một số người nội bộ có thể mua bán cổ phiếu để đón đầu xu hướng tăng/giảm giá cổ phiếu).
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khi-nha-bao-lam-co-dong-bat-dac-di-post324200.html