Khi nhà sáng lập startup mệt mỏi, chuyển hướng làm thuê

Suy thoái công nghệ khiến một số nhà sáng lập startup tạm gác lại giấc mơ của mình và đi làm thuê cho người khác.

Mehak Vohra khởi nghiệp sau khi bỏ dở đại học năm 2016. Cô thành lập công ty truyền thông và thương hiệu cá nhân Jamocha Media, sau đó là Skillbank – một chương trình đào tạo tiếp thị trực tuyến. Song, đầu năm nay, cô từ bỏ Skillbank và gia nhập một công ty lớn hơn với tư cách phụ trách tiếp thị.

Đây là lần đầu tiên trong đời cô làm nhân viên thay vì sếp.

“Tôi chỉ muốn nghỉ ngơi”, Vohra chia sẻ. “Khá dễ chịu khi có ai đó bảo tôi làm gì”.

Dễ thở hơn khi làm thuê thay vì làm chủ

Theo dữ liệu từ công ty phân tích Pitchbook, có tới 3.200 startup tại Mỹ ngừng hoạt động năm 2023. Năm nay, con số này có thể cao hơn vì việc gọi vốn đầu tư mạo hiểm giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ. Điều đó dẫn đến những nhà sáng lập (founder) giai đoạn đầu suy nghĩ lại về việc họ có muốn làm founder nữa hay không.

Ishita Arora, founder kiêm CEO Dayslice – một công cụ lập kế hoạch cho doanh nghiệp – cho rằng: “Ý tưởng trở thành nhà sáng lập quyến rũ hơn trước khi chính bạn trở thành người đó”. Tháng 12/2023, chứng kiến công ty không đạt được tăng trưởng “thẳng đứng” như nhà đầu tư mong muốn, cô quyết định đóng cửa Dayslice và trả số tiền còn lại cho nhà đầu tư.

“Tôi có rất nhiều bạn bè làm founder và gần như tất cả đều khổ sở, mơ tưởng về điều gì xảy ra nếu họ làm nhân viên”, Arora nói thêm. Đầu năm nay, cô gia nhập Instrument1, nền tảng dành cho các tổ chức phi lợi nhuận. “Về chất lượng giấc ngủ và tận hưởng cuối tuần, rõ ràng làm nhân viên dễ thở hơn”.

Nhiều founder startup hoảng loạn trong bối cảnh thị trường công nghệ suy yếu. Ảnh: Insider

Nhiều founder startup hoảng loạn trong bối cảnh thị trường công nghệ suy yếu. Ảnh: Insider

4 nhà sáng lập khác chia sẻ với Business Insider rằng họ có được cuộc sống chất lượng hơn, không còn những đêm mất ngủ hay áp lực liên tục khi điều hành một startup. Theo Vohra, cuộc sống – công việc của cô cân bằng hơn. “Tôi từng cảm thấy vô cùng áp lực. Bây giờ, tôi hòa nhập hơn và không thấy tồi tệ mỗi khi ra ngoài”.

Ngoài ra, thu nhập của họ cũng cao hơn đáng kể, ít nhất là gấp đôi so với khi làm founder vì hầu hết lương thưởng đều gắn với cổ phiếu. “Hiện tại, tôi có thể tiết kiệm và đối xử với bản thân tốt hơn. Những thứ nho nhỏ như có thể trả tiền đi mát xa”, cô nói.

Họ cũng không cảm thấy đơn độc khi điều hành công ty. “Tôi nghĩ tôi thực sự cô đơn”, Jacek Prus – người từng mở hai startup thực phẩm bền vững tại San Francisco – trải lòng. “Bạn là người duy nhất đưa ra các quyết định và mọi người trông chờ quyết định ở bạn”.

Prus đã gia nhập tổ chức Farmed Animal Funders với vai trò Giám đốc phát triển cấp cao, đầu năm 2024. Anh tin rằng mình sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn hơn khi là một phần của tổ chức lớn hơn.

Theo các chuyên gia, các founder trong thị trường “gấu” đặc biệt khó khăn. Nỗi sợ và bất ổn kinh tế đặt thêm gánh nặng lên vai những người đứng đầu. Tuy nhiên, nhiều người chịu đựng trong im lặng vì lo ngại nếu công khai nói về sức khỏe tinh thần, họ sẽ đánh mất uy tín với người trong nhóm. Trong khi đó, các nhà đầu tư có thể xem đây là điểm yếu và tìm cách thay thế họ. Vì vậy, không ít người ngụy trang sự yếu đuối đằng sau vẻ ngoài cứng rắn. Họ chỉ tâm sự với người thân hoặc các nhà sáng lập khác.

Nỗi nhớ khắc khoải

Với những nhà sáng lập đã quen với nhịp độ khi điều hành startup, gia nhập một công ty lớn hơn đôi khi mang lại cảm giác buồn tẻ và khó chịu, thậm chí khiến họ muốn “vặt trụi tóc”, theo Sci Chandrasekar, quản lý tại hãng đầu tư mạo hiểm Point72 Ventures.

“Khi đã quen với việc tự chủ hoàn toàn, một công ty lớn có cảm giác trì trệ khi các quyết định đều cần đến hội đồng. Những thứ lẽ ra họ có thể tự làm, nay lại cần được phê duyệt”, Chandrasekar chỉ ra. “Tôi nhìn thấy nhiều người ‘sinh ra để làm founder’ quay lại làm founder không sớm thì muộn vì họ không muốn làm cho bất kỳ ai khác trừ chính họ”.

Theo Business Insider, hầu hết các nhà sáng lập bày tỏ họ nhớ nhịp điệu hối hả của cuộc sống cũ và dự định thành lập một công ty khác sau khi đã nghỉ ngơi, bổ sung kỹ năng mới và khi môi trường thuận lợi hơn.

“Tôi yêu thích việc phát triển thứ gì đó mà nhiều người sử dụng, tôi cũng yêu thích việc được tự chủ hoàn toàn. Dù phải bỏ lại một vài thứ để gia nhập công ty khác, tôi đang xem mọi điều đang làm là để học hỏi kinh nghiệm”, Vohra nói. “Tôi chưa bao giờ muốn là một phần của cỗ máy tổ chức lớn hơn. Chỉ là nó không hấp dẫn với tôi”.

Một nhà sáng lập khác gần đây làm cho công ty fintech sau khi bị thâu tóm cũng nói rằng anh nhớ những thử thách và deadline khi điều hành startup. Anh duy trì lối sống tương đối “khổ hạnh” dù kiếm được gần gấp ba so với khi làm founder.

“Tôi không muốn bị mắc kẹt trong sự thoải mái khi làm ra nhiều tiền hơn. Tôi muốn mở nhiều công ty hơn”, anh nói.

(Theo Insider)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khi-nha-sang-lap-startup-met-moi-chuyen-huong-lam-thue-2306524.html