Khi niềm tin bị đem ra đánh đổi
Các chế tài xử phạt cho hành vi lừa dối khách hàng đã có nhưng dường như chưa đủ sức răn đe, nên ngày càng có nhiều vụ việc lừa dối khách hàng, trong đó có cả những người nổi tiếng, sẵn sàng đánh đổi cả hình ảnh, thương hiệu của mình vì lợi nhuận.
Những lời quảng cáo trên trời
Những sự việc như người nổi tiếng thổi phồng, nói quá chất lượng sản phẩm đã dấy lên bức xúc trong dư luận. Mới đây là vụ việc bán kẹo rau củ Kera của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội như Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs. Sau các phiên livestream, các cá nhân này đã thu về hơn 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, tác dụng và thành phần của loại kẹo này không giống với lời quảng cáo mà họ nói trong các phiên bán hàng.
Hoàng Hường, một TikToker có nhiều người theo dõi, bán hàng đa số là thực phẩm chức năng, nhưng quảng cáo là thuốc chữa được bệnh, nhà máy sản xuất đầu tư 300 tỷ đồng, độc quyền sản phẩm: từ thuốc uống vào hết u xơ, đến cao ngựa, thuốc khớp, thuốc chữa bệnh về tiêu hóa… cũng đã bị xử phạt hành chính.
Những lời quảng cáo thổi phồng dường như trở nên quen thuộc đối với những phiên livestream bất chấp chúng rất vô lý. Vì ai cũng hiểu thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa bệnh, nhưng người bán đã biến chúng thành tiên dược, có thể trị khỏi bệnh chỉ sau vài ngày sử dụng.
Các biện pháp xử phạt hành chính hiện nay còn quá nhẹ so với hậu quả mà họ gây ra. Không chỉ gây thiệt hại về tài chính, thời gian mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tâm lý của người tiêu dùng.
Khi niềm tin đặt nhầm chỗ
Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, nhất là khi lợi nhuận đã làm mờ mắt nhiều người, thì hậu quả gây ra không chỉ là tốn kém về tiền bạc thời gian mà thậm chí nhiều người đã phải đánh đổi bằng chính sức khỏe và tính mạng của mình chỉ vì đặt niềm tin vào những lời quảng cáo thổi phồng, không căn cứ.
Tin vào những lời quảng cáo có cánh, những "công dụng thần kỳ", không ít người đã trở thành nạn nhân của những cam kết rỗng tuếch. Và thay vì bệnh tình thuyên giảm, điều duy nhất mà họ thấy thay đổi là túi tiền vơi đi một cách thần tốc.
Một bệnh nhân 27 tuổi đã phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình khi tin vào những lời quảng cáo thổi phồng về công dụng giảm béo tiêu mỡ của một loại thực phẩm bảo vệ sức khẻ được bán trên mạng không rõ nguồn gốc với tên gọi “Cốt bí xanh Detox vip X7”.
Chỉ sau một thời gian sử dụng, chị đã phải nhập viện điều trị trong tình trạng mất ý thức, suy thận phải lọc máu, giảm thị lực, thậm chí có thời điểm hôn mê và nguy kịch. Đáng nói, xét nghiệm loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe bệnh nhân dùng, bác sĩ đã phát hiện ra chất Sibutramine - một chất cấm không được phép sử dụng trong thuốc và thực phẩm chức năng.
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Trong quá trình kiểm tra theo thông tin từ gia đình, chúng tôi được biết bệnh nhân có sử dụng một loại thực phẩm chức năng để giảm cân và mẫu thực phẩm chức năng đó đã được gửi đi xét nghiệm tại Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia cho thấy có chất Sibutramine - một chất không chỉ trực tiếp gây tổn thương não của bệnh nhân mà còn dễ dàng làm xuất hiện các biến chứng khác, như gây tắc động mạch võng mạc, động mạch mắt hai bên, gây tắc động mạch thận gây suy thận dẫn đến thận ngừng hoạt động và tất cả các cơ quan khác đều có dấu hiệu bị tổn thương nghiêm trọng".
Theo Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, đây chỉ là một trong số rất nhiều các bệnh nhân được đưa vào cấp cứu điều trị tại trung tâm thời gian gần đây, do ngộ độc sau khi sử dụng phải thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán trên mạng.
Sự việc xảy ra với người phụ nữ trên cũng là hồi chuông cảnh báo cho người tiêu dùng, khi lựa chọn những thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lời quảng cáo thồi phồng để rồi tiền mất tật mang.
Xử lý vi phạm không có vùng cấm
Đã đến lúc người mua hàng online không phải nén bực mình hoặc tặc lưỡi cho qua việc mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng và chịu phần thiệt thòi về phía mình, vừa mất tiền, thậm chí là ảnh hưởng đến sức khỏe. Không còn chuyện cứ sai rồi xin lỗi, đã đến lúc những người nổi tiếng bán hàng, những KOLs phải chịu trách nhiệm với lời nói và hành động của mình.
Anh Nguyễn Đức An (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Dạo gần đây tôi có mua sản phẩm robot hút bụi lau nhà của một KOL. Sản phẩm có giá vài trăm nghìn nhưng không được như quảng cáo. Chỉ lau được một vài lần là đã bị hỏng ngay lập tức. Đồ chăm sóc da của chị gái và mẹ tôi mua thì thường xuyên bị dị ứng, kích ứng da mặt. Rất nhiều sản phẩm không tốt được người nổi tiếng bán".
Và mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 3 vừa diễn ra, trước câu hỏi về trách nhiệm của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo sản phẩm, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định sẽ tăng chế tài về mức xử phạt, hạn chế hoạt động nghệ thuật, xuất hiện trên truyền thông với người nổi tiếng vi phạm quảng cáo.
Nếu không nghiêm khắc xử phạt thì những sự việc người nổi tiếng quảng cáo sai, nói quá công dụng sản phẩm sẽ còn tiếp tục được diễn ra. Vì vậy, việc có những chế tài để xử phạt đối với những hành vi này là thực sự cần thiết. Chỉ khi tất cả nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong các giao dịch này, những sự việc như Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục mới không có cơ hội tái diễn.
Xử phạt hành chính hay hình sự nói cho cùng vẫn chỉ là đi xử lý sau khi đã xảy ra vụ việc, vậy nên cần có luật định về kiểm soát ngay từ khi sản xuất, đăng ký sản phẩm và trong quá trình tiêu thụ, để người tiêu dùng không còn bị bủa vây trong ma trận của hàng hóa kém chất lượng được rao bán bởi những người có sức ảnh hưởng.
Quản lý và giám sát chất lượng hàng online tại các nước
Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, việc quản lý và giám sát chất lượng hàng hóa được bán trực tuyến trở thành một thách thức lớn đối với các quốc gia. Mỗi nước áp dụng các biện pháp khác nhau tùy thuộc vào hệ thống pháp lý, mức độ phát triển công nghệ và nhu cầu bảo vệ người tiêu dùng.
Tại Mỹ, chất lượng hàng hóa trực tuyến, đặc biệt là thực phẩm, dược phẩm và các sản phẩm tiêu dùng được giám sát chủ yếu bởi hai cơ quan: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC).
FDA yêu cầu các nhà thuốc trực tuyến hoặc nền tảng thương mại điện tử bán thực phẩm, dược phẩm phải đăng ký và được cấp phép. Các sản phẩm cần công khai nguồn gốc, thành phần và đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình vận chuyển. Ví dụ, Amazon Pharmacy - dịch vụ bán thuốc trực tuyến của Amazon, phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và kê đơn điện tử.
Trong khi đó, FTC chịu trách nhiệm giám sát các nội dung quảng cáo và thông tin sản phẩm trên nền tảng số nhằm ngăn chặn hành vi gian lận hoặc cung cấp thông tin sai lệch. Các doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt nặng hoặc cấm hoạt động. Ngoài ra, chính phủ Mỹ khuyến khích người tiêu dùng tham gia giám sát bằng cách báo cáo sản phẩm kém chất lượng qua các cổng trực tuyến như FDA MedWatch.
Trung Quốc là một trong những thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới với các nền tảng như Alibaba và JD.com. Nước này áp dụng hệ thống quản lý chặt chẽ dưới sự điều phối của Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia (NMPA) và Cục Quản lý Thị trường Nhà nước (SAMR).
Từ năm 2022, Trung Quốc cho phép bán thuốc kê đơn trực tuyến với điều kiện đơn thuốc phải được cấp từ cơ sở y tế hợp pháp. Các nhà cung cấp buộc phải có giấy phép kinh doanh rõ ràng và chịu giám sát định kỳ. Nước này còn áp dụng công nghệ mã QR và blockchain để truy xuất nguồn gốc, đặc biệt đối với thực phẩm và dược phẩm. Ví dụ, Alibaba đã sử dụng blockchain để tăng cường minh bạch cho các sản phẩm tiêu dùng. Cục Quản lý Thị trường Nhà nước SAMR thường xuyên tổ chức các chiến dịch thanh tra đột xuất trên các sàn thương mại điện tử, xử phạt nặng những trường hợp bán hàng giả hoặc kém chất lượng, với mức phạt lên tới hàng triệu nhân dân tệ.
Nhật Bản nổi tiếng với các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, điều này cũng được phản ánh rõ trong cách thức quản lý thương mại điện tử. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) cùng với Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng (CAA) là hai đơn vị chủ chốt trong việc giám sát thị trường.
Nhật Bản áp dụng nguyên tắc “trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất”, theo đó doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu sản phẩm gây hại cho người tiêu dùng, kể cả khi bán qua kênh trực tuyến. Ngoài ra, người tiêu dùng Nhật Bản có thói quen kiểm tra kỹ thông tin và đánh giá sản phẩm, tạo nên áp lực tự nhiên buộc các nhà bán hàng duy trì chất lượng cao và minh bạch.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc quản lý và giám sát chất lượng hàng hóa bán trực tuyến là một bài toán phức tạp, đòi hỏi sự cân bằng giữa thúc đẩy thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các quốc gia cần không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp lý, công nghệ và phối hợp giữa cơ quan chức năng và cộng đồng để đảm bảo môi trường thương mại lành mạnh và bền vững.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/khi-niem-tin-bi-dem-ra-danh-doi-321046.htm