Khi nông dân hưởng lợi từ chuyển đổi số ngân hàng

Chuyển đổi số ngân hàng mang lại nhiều lợi ích lớn cho nông dân, trong đó thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại khu vực nông thôn.

Chuyển đổi số ngân hàng đã và đang đem lại tiện lợi cho nông dân, ông Phạm Văn Quyên, Giám đốc HTX Nông, lâm, thủy hải sản Nam Việt (Tiên Lãng, Hải Phòng) cho biết, khi chưa có thanh toán số qua ngân hàng, các khoản ủy nhiệm chi, hoặc rút tiền về chi tiêu, trả lương cho công nhân bằng tiền mặt.

Nếu trả qua tài khoản thì công nhân lại phải đi rút về chi tiêu. Tất cả đều mất phí, như mỗi giao dịch rút tiền mất hơn 3.000 đồng. Việc thực hiện nhiều lần rút khiến số tiền cũng đội lên không nhỏ với bà con nông dân vùng nông thôn.

Từ ngày có thanh toán chuyển khoản, việc chi trả lương cũng qua tài khoản, người lao động cũng chuyển dần sang thanh toán không dùng tiền mặt bằng ứng dụng ngân hàng tiện lợi, không mất phí.

Điều này thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại các khu vực nông thôn, trong đó người nông dân được hưởng lợi.

Nông dân tích cực tham gia chuyển đổi số.

Nông dân tích cực tham gia chuyển đổi số.

Ông Đặng Dương Minh Hoàng, một nông dân ở Bình Phước khởi nghiệp với thương hiệu bơ “Ông Hoàng”, cho biết việc thanh toán qua ứng dụng ngân hàng giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và có thể thanh toán 24/7.

Trước đây khi chưa có các ứng dụng ngân hàng số, phải trực tiếp ra quầy thực hiện chuyển tiền thanh toán cho khách hàng, nhưng nếu vướng vào ngày nghỉ, ngày lễ các công việc thanh toán cũng bị ngưng lại, ảnh hưởng đến tiến độ của đơn hàng. Thanh toán qua di động hiện nay gần như là miễn phí khi sử dụng trên ứng dụng ngân hàng số.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Hải Linh, Giám đốc một doanh nghiệp sữa thanh trùng tại Hà Nội, cho biết, quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng diễn ra rất nhanh, đem lại sự tiện lợi cho công việc của doanh nghiệp. Giờ đây, việc thanh toán qua mã QR giúp cho doanh nghiệp “tiêu tiền” rất nhanh.

Nói về chuyển đổi số ngân hàng và sự tác động đến người dân nói chung, người nông dân nói riêng, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng người nông dân cần chuyển đổi số, bán hàng trên môi trường điện tử nhằm rút ngắn khâu trung gian, gia tăng giá trị nông sản của chính mình, đa dạng khách hàng..

"Khu vực nông nghiệp là thị trường, khách hàng quan trọng đặc biệt, Việt Nam xác định chuyển đổi số là toàn dân, toàn diện, rút ngắn chuyển đổi số đặc biệt cho nông nghiệp, bởi tính chất ngành nghề và những đóng góp của nông nghiệp là lớn", ông Hiển nhấn mạnh.

Nhằm thúc đẩy tài chính số nông thôn, các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều kiến nghị. Ông Đặng Dương Minh Hoàng đề xuất các ngân hàng cần liên kết chuỗi với các nhà cung cấp dịch vụ đầu vào như giống, phân bón, vật tư nông nghiệp,… cũng như dịch vụ đầu ra cho nông dân.

Ông Phạm Văn Quyên, Giám đốc HTX Nông, lâm, thủy hải sản Nam Việt, kiến nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp xử lý vấn đề người dân mất tiền trong tài khoản khi ấn vào các link lạ. Nếu thực hiện được điều này người nông dân thực sự yên tâm, sẵn sàng sử dụng dịch vụ ngân hàng, tài chính số.

Giải pháp thúc đẩy thị trường nông thôn

Trước những băn khoăn của người nông dân về tính bảo mật, mức độ an toàn cho người dùng tài khoản ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, NHNN cam kết ứng dụng của các ngân hàng là an toàn, không có chuyện các đối tượng xấu xâm nhập vào máy chủ của ngân hàng, cũng như xâm nhập tài khoản của người dùng.

Theo Phó Thống đốc, hiện mỗi ngày giao dịch thanh toán qua hệ thống ngân hàng khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương 35 tỷ USD sau quy đổi. Ngành ngân hàng phải đảm bảo an toàn cho các giao dịch đó, đồng thời cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dùng.

Liên quan tới vay vốn, ông Dũng cho biết, Thông tư 06 ccó hiệu lực từ 1/9 cho phép các cá nhân hoàn toàn có thể vay tối đa 100 triệu đồng qua giao dịch điện tử. Hiện các ngân hàng triển khai cho vay theo phương thức này.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chia sẻ tại Hội thảo.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chia sẻ tại Hội thảo.

Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, dân số Việt Nam hiện có hơn 104 triệu người, trong đó 38% dân số sống ở thành thị, còn lại là nông thôn.

Đến nay, xấp xỉ 80 triệu người dân có CCCD gắn chíp. Việc xác thực trong ngân hàng hoàn toàn có thể đáp ứng. Tuy nhiên để tham gia vào môi trường điện tử, các giao dịch trên thị trường điện tử cần trang bị cho người dân những công cụ, tiện ích.

Để thúc đẩy thanh toán số, Phó Thống đốc NHNN cho rằng cần xây dựng hệ sinh thái và được kết nối với nhau. Trong đó, ngân hàng luôn đi trước về công nghệ. Theo đó, tất cả các bên phải cùng nhau xây dựng hệ sinh thái thống nhất.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khi-nong-dan-huong-loi-tu-chuyen-doi-so-ngan-hang-2201750.html