Khi nút thắt siết ngày càng mạnh, đối thoại sẽ mở đường cho Thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc

Cả Washington và Bắc Kinh đều đang hướng đến Thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc vào tháng 11 này để làm dịu căng thẳng khi những bất đồng ngày càng gia tăng.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và phái đoàn Mỹ (trái) hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và phái đoàn Trung Quốc tại Malta, từ ngày 16-17/9. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và phái đoàn Mỹ (trái) hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và phái đoàn Trung Quốc tại Malta, từ ngày 16-17/9. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Có nhiều lý do để gặp nhau

Tờ SCMP mới đây có bài viết nhận định, dù Mỹ và Trung Quốc thời gian qua có nhiều mâu thuẫn, bất đồng nhưng hai bên vẫn muốn tìm cách thỏa hiệp.

Sau hơn 6 tháng tranh cãi, "đấu khẩu", thậm chí đối đầu ở nhiều khu vực, song cuối cùng, nguyên thủ hai nước Trung Quốc và Mỹ cũng lên kế hoạch cho cuộc gặp quan trọng vào cuối năm nay.

Cuối tuần qua, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị đã có cuộc gặp với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Malta. Động thái này được cho là để mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Biden vào tháng 11 tới, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Mỹ.

So với nhiều cuộc đối thoại chiến lược cấp cao Trung-Mỹ từ năm 2021 đến nay, hiện tương quan lực lượng giữa hai nước đã có một số khác biệt, điều này sẽ khiến cho cuộc hội đàm Trung-Mỹ càng có tính mục tiêu hơn.

Tại Malta, hai ông Vương Nghị và Jake Sullivan đã tiến hành nhiều cuộc gặp với tổng thời lượng khoảng 12 tiếng đồng hồ, dài hơn 4 tiếng so với cuộc gặp trước đó tại Vienna (Áo) cách đây 4 tháng.

Một số ý kiến tại Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh đã "phản kích" Washington thành công về mặt công nghệ và quân sự, giành được quyền chủ đạo chiến lược.

Chính điều này giúp xác suất gặp gỡ giữa nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới cao hơn, dự kiến lên đến 80%-90%.

Trước đó, cuộc hội đàm trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ là bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được tổ chức ở Indonesia vào trung tuần tháng 11/2022 kết thúc với việc hai bên đều tuyên bố đạt được thành quả, thống nhất không để cạnh tranh chuyển thành xung đột, cần hình thành một bộ nguyên tắc chỉ đạo quan hệ song phương, đồng thời xác nhận Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken tới Trung Quốc đã không thể diễn ra như dự kiến (đầu tháng 2/2023) bởi sự kiện khinh khí cầu.

Kể từ khi xảy ra sự cố khinh khí cầu đến nay, quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng hơn năm 2022, nút thắt ngày càng chặt, hai bên thậm chí nhiều lần căng thẳng gay gắt về các vấn đề Biển Đông và Eo biển Đài Loan.

Vậy nhưng, trong quan hệ nước lớn, dù mâu thuẫn có lớn cỡ nào, hai nước vẫn muốn tìm cơ hội thỏa hiệp. Hiện tại có thể là thời điểm phù hợp để Trung Quốc và Mỹ tiến hành tham vấn.

Ngoại giao mở đường cho đối thoại

Ở một khía cạnh khác - kinh tế, Washington và Bắc Kinh cũng đang cho thấy những tín hiệu hợp tác lạc quan. Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 22/9 thông báo, nước này và Mỹ quyết định thành lập hai nhóm công tác trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Đây cũng là một động thái nhằm giảm căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại Washington.

Các nhóm này sẽ tổ chức các cuộc họp thường xuyên và đột xuất để thảo luận một cách thẳng thắn và trực tiếp về vấn đề chính sách kinh tế và tài chính, cũng như trao đổi thông tin về diễn biến tài chính toàn cầu và kinh tế vĩ mô.

Hai bên cũng đã nối lại các cuộc đàm phán trong một số lĩnh vực khác, đồng thời thúc đẩy các cuộc đối thoại mới về kiểm soát vũ khí và trí tuệ nhân tạo.

Đây được coi là kết quả hữu hình đầu tiên sau những cam kết giảm căng thẳng thương mại song phương mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đã đưa ra tại cuộc gặp vào năm ngoái.

Trên mạng xã hội X, bà Yellen viết, các nhóm công tác "sẽ đóng vai trò là diễn đàn quan trọng để truyền đạt lợi ích và mối quan tâm của Mỹ, thúc đẩy cạnh tranh kinh tế lành mạnh giữa hai nước với một sân chơi bình đẳng cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời thúc đẩy hợp tác về các thách thức toàn cầu".

"Điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải nói chuyện, đặc biệt là khi chúng ta bất đồng", bà Yellen nhấn mạnh.

Như vậy, có thể thấy rõ, cả phía Mỹ và Trung Quốc đều đang thúc đẩy ngoại giao, mở cửa cho đối thoại để giảm thiểu căng thẳng. Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là nằm trong chương trình nghị sự của cả hai. Hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11 tới đây tại San Francisco là một địa điểm tiềm năng.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đang tiến gần, việc có được những bước chuyển trong quan hệ Mỹ-Trung có lẽ cũng khá quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden.

(theo SCMP)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-nut-that-siet-ngay-cang-manh-doi-thoai-se-mo-duong-cho-thuong-dinh-my-trung-quoc-243681.html