Khi 'phên dậu biên cương' được 'xây' bằng sức mạnh lòng dân

Thực tế cho thấy, việc quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi có sự chung tay của chính những công dân sinh sống ở khu vực biên giới. Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị luôn quan tâm đến việc 'trồng người' là tạo nguồn, phát triển đội ngũ cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số để ngày hôm nay thu những 'trái ngọt' bằng đội ngũ cán bộ năng lực, đầy nhiệt huyết này.

Vượt qua khó khăn, gian khổ, chàng trai người Vân Kiều Hồ Văn Chi đã thực hiện được ước mơ trở thành cán bộ BĐBP. Ảnh: Trúc Hà

Vượt qua khó khăn, gian khổ, chàng trai người Vân Kiều Hồ Văn Chi đã thực hiện được ước mơ trở thành cán bộ BĐBP. Ảnh: Trúc Hà

“Gieo” hạt giống

Nhiều năm về trước, cuộc sống của người dân khu vực biên giới Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn. Người dân thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu cả trường lớp. Đến tận đầu những năm 2000, ở một số nơi, đường đến trường của học sinh vẫn là cung đường gập ghềnh, trắc trở. Trung úy Hồ Văn Chi, nhân viên vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị chia sẻ việc học của mình: “Ngày đó, để đi được từ Cù Bai, xã Hướng Lập về thị trấn Khe Sanh, chúng tôi phải đi bộ mất mấy ngày, theo đường mòn vắt qua những đỉnh núi, thậm chí đi sang cả đất Lào vì chưa có đường Hồ Chí Minh như bây giờ. Cũng bởi thế mà sĩ số học sinh rơi rớt dần, không phải ai cũng kiên trì được với con đường đến trường”.

Thế nhưng, tỷ lệ cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 15% quân số trong BĐBP Quảng Trị là con số vô cùng ấn tượng. Trong quá trình tìm câu trả lời, chúng tôi được gặp Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị. Đầu những năm 1990, Thiếu tướng Trần Đình Dũng đã có suy nghĩ về việc xây dựng đội ngũ cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số, bởi hơn ai hết, ông hiểu rằng “phên dậu biên cương” sẽ bền chắc hơn khi được “xây” bằng chính những công dân ở khu vực biên giới. Trong một cuộc hội ý của Thường vụ Đảng ủy BĐBP Quảng Trị, Đại tá Trần Đình Dũng đã nói về việc cần phải mở lớp học cho chiến sĩ là con em đồng bào dân tộc thiểu số để “tạo nguồn” cho BĐBP. Chủ trương này đã được các thành viên trong Thường vụ thống nhất cao và giao cho cơ quan tham mưu, chính trị nhanh chóng triển khai.

Sau nhiều lần làm việc, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa tổ chức lớp học bổ túc văn hóa cho hạ sĩ quan tại ngũ của BĐBP Quảng Trị. Qua 3 khóa học, gần 100 chiến sĩ đã có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tiếp tục theo học tại Trường Văn hóa-Ngoại ngữ của BĐBP tại tỉnh Hưng Yên, rồi từ đó theo học các trường đại học, trung học và trở về phục vụ công tác trong BĐBP Quảng Trị. Cho đến hôm nay, nhìn lại mới thấy “công trình” gieo những “hạt giống đỏ” của Thường vụ Đảng ủy BĐBP Quảng Trị có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biên giới quốc gia của BĐBP Quảng Trị.

Các lớp học này đã “đóng góp” cho lực lượng BĐBP nhiều cán bộ như: Trung tá Hồ Văn Sỹ (Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Phùng), Trung tá Hồ Văn Cường (Trưởng ban Bảo vệ An ninh, Phòng Chính trị, BĐBP Quảng Trị), Trung tá Hồ Sĩ Hạnh (Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Tùng)… Một số người sau đó phục viên, nhưng nhờ có trình độ đã trở thành cán bộ địa phương như ông Hồ Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nang (huyện Đakrông), ông Hồ Văn Hiền (chuyên viên Hội Nông dân huyện Đakrông)… “Trưởng thành từ người lính Biên phòng, nên tôi hiểu những việc làm của mình đều vì nhân dân, vì đất nước. Bởi vậy, địa phương chúng tôi luôn ủng hộ, sẵn sàng chung tay cùng đồn Biên phòng trong các hoạt động” - ông Hồ Văn Biên khẳng định.

…Nảy mầm xanh tươi

“Vùng Lìa” (là cách gọi về các xã của huyện Hướng Hóa dọc theo bờ sông biên giới Sê Pôn, cũng là nơi sinh sống của cộng đồng người Pa Cô, Vân Kiều) mới chỉ nghe thôi đã thấy khó khăn, cách trở. Thế nhưng, tình quân dân nơi đây luôn ấm áp tròn đầy. Trong số những việc mà người lính Biên phòng nơi đây đã, đang và kiên trì làm cho người dân, đó là thay đổi nhận thức, mở các lớp học xóa mù, chống tái mù chữ. Và người đứng lớp chính là những người đã được con chữ làm thay đổi cuộc đời.

Thiếu tá Hồ Văn Hai dạy bà con Vân Kiều thôn A Dơi Đớ học chữ. Ảnh: Trúc Hà

Thiếu tá Hồ Văn Hai dạy bà con Vân Kiều thôn A Dơi Đớ học chữ. Ảnh: Trúc Hà

Thiếu tá Hồ Văn Hai, Đội trưởng Kiểm soát Hành chính, Đồn Biên phòng Ba Tầng (giáo viên dạy xóa mù chữ của Đồn Biên phòng Ba Tầng) cũng là một trong những học sinh của lớp học bổ túc văn hóa ở Khe Sanh ngày ấy. Khi nhập ngũ, anh đã 20 tuổi, nhưng khi nghe chỉ huy nói vẫn vui vẻ bắt đầu học tiếp lên lớp 7. Cứ thế, đến năm 2001, thì anh tốt nghiệp lớp 12 và tiếp tục theo học khóa Dự bị đại học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho đến lúc có thông báo nhập học vào Học viện Biên phòng. Trở lại công tác tại BĐBP Quảng Trị, ở cương vị nào, Thiếu tá Hồ Văn Hai cũng luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được cấp trên, đồng đội tin tưởng.

Những cán bộ trẻ học được cách mà người lính Biên phòng làm thế nào để người dân thấy mình là “anh em ruột thịt”, để từ đó tin những gì bộ đội nói, làm theo những việc bộ đội làm. Hơn ai hết, anh hiểu được sự quan trọng của việc học chữ, bởi vậy mà khi đơn vị mở lớp dạy cho đồng bào Vân Kiều trên địa bàn, anh đã xung phong đứng lớp. Anh cũng không ngại ngần kể câu chuyện của mình để bà con thấy rằng việc học không bao giờ là muộn.

Bài học của thầy giáo Biên phòng không chỉ là viết chữ, làm các phép toán, mà còn có những câu chuyện về bảo vệ biên giới quốc gia, bài trừ tập tục lạc hậu để bắt đầu nếp sống văn minh mới, ăn chín, uống sôi, thậm chí là cả sinh đẻ có kế hoạch... Những bài học của các thầy giáo quân hàm xanh như cơn mưa dầm thấm lâu, dần dần đã làm chuyển biến nhận thức của đồng bào. Thực tế, sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức là tiền đề hóa địa bàn, tạo môi trường thuận lợi, ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thành khóa học xóa mù, người dân không chỉ biết chữ, làm phép tính, mà còn có cho mình suy nghĩ, lối sống mới, bắt nhịp với thời đại. Điều ấy được thể hiện qua việc trồng keo dọc theo bờ sông Sê Pôn để chống xói mòn và phát triển kinh tế gia đình, triển khai mô hình trồng lạc trên cát, trồng cà gai leo bán cho công ty dược liệu. Đó là những tín hiệu vui về sự đổi thay cho vùng đất biên cương này.

Những năm trở lại đây, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới Quảng Trị đều đến trường đúng độ tuổi. Những người lính Biên phòng lại đồng hành trên hành trình con chữ của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bằng cách đỡ đầu học sinh theo cách riêng. Tính đến tháng 10/2022, các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị nhận đỡ đầu 55 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”. Đây là các cháu có hoàn cảnh khó khăn, bố hoặc mẹ hoặc cả bố và mẹ đều đã mất phải ở với người thân nhưng vẫn nỗ lực, cố gắng vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập. Việc nhận đỡ đầu cho các cháu học sinh nhằm tạo cơ hội, điều kiện để các cháu được đến trường, trở thành người có ích cho xã hội cũng là một cách để “tạo nguồn” lực lượng chung tay bảo vệ biên giới trong tương lai.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khi-phen-dau-bien-cuong-duoc-xay-bang-suc-manh-long-dan-post458197.html