Khi phòng chống thiên tai bắt đầu từ trải nghiệm thực tế

Để hướng tới xã hội an toàn trước thiên tai, trước tiên cần xây dựng từ những con người hiểu biết, có kiến thức và kỹ năng về phòng, chống thiên tai – mà trước tiên cần bắt đầu từ các em học sinh.

Quang cảnh buổi thảo luận, tập huấn. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Quang cảnh buổi thảo luận, tập huấn. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Trong hai ngày 12 - 13/5, tại thành phố Lào Cai, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo: "Tập huấn hướng dẫn tích hợp giáo dục phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cấp Trung học cơ sở". Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các các sự kiện Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai tại tỉnh Lào Cai năm 2025.

Lớp tập huấn nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp học là cách tiếp cận bền vững, phù hợp, để nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng nhằm giảm thiểu những rủi ro do thiên tai gây ra; đồng thời cũng là thông điệp của Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2025: “Cộng đồng an toàn, bền vững, thích ứng thiên tai”.

Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên chịu tác động bởi thiên tai; trong đó, phổ biến và nghiêm trọng nhất là lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, giông và sét… Thiên tai đã tàn phá rất nhiều công trình, gây ra thiệt hại về tính mạng, tài sản của cộng đồng và xã hội; trong đó, các cơ sở giáo dục như trường học, các trung tâm giáo dục thường xuyên phải hứng chịu những tổn thất nặng nề.

Ông Nguyễn Thành Phương - Trưởng phòng Phòng Quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng và truyền thông đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai phát biểu khai mạc. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Ông Nguyễn Thành Phương - Trưởng phòng Phòng Quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng và truyền thông đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai phát biểu khai mạc. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng Phòng Quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng và truyền thông, đại diện Cục Quản lý đê điểu và Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, để hướng tới một xã hội an toàn trước thiên tai, trước tiên cần được xây dựng từ những con người hiểu biết, có kiến thức và kỹ năng về phòng, chống thiên tai – mà trước tiên cần phải bắt đầu từ nhóm đối tượng là các em học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Riêng đối với tỉnh Lào Cai, theo ông Quảng Văn Việt, Phó Trưởng Phòng Công trình thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Môi trường Lào Cai, địa phương thường xuyên chịu tác động của 19/22 loại hình thiên tai, như: áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; nước dâng, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất (dư chấn). Do vậy, thời gian qua, các hoạt động phòng ngừa, ứng phó thiên tai được tỉnh đặc biệt chú trọng.

Theo ông Quảng Văn Việt, "Trường học an toàn" là mô hình cần thiết tại địa phương nhằm xây dựng môi trường giáo dục có đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, các cán bộ nhân viên trong trường và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học trong mọi điều kiện của thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Nói một cách khác, xây dựng “Trường học an toàn” (hay làm trường học an toàn hơn) là một quá trình nỗ lực để đảm bảo sự an toàn về thể chất và tinh thần cho học sinh, giáo viên và các cán bộ nhân viên trong trường trước bất kỳ thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu nào. Nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai cho giáo viên và học sinh, nhiều nước đã xây dựng mô hình "Trường học an toàn" trong hoạt động phòng, chống thiên tai như Myanmar, Indonesia, Nhật Bản… Việc đầu tư cho phòng ngừa thiên tai đã được Ngân hàng thế giới chứng minh là sẽ giảm được rất nhiều so với khi thiệt hại xảy ra.

Các học viên thảo luận, thực hành nội dung tập huấn. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Các học viên thảo luận, thực hành nội dung tập huấn. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Ông Quảng Văn Việt nêu rõ các bước cần thiết để xây dựng Trường học an toàn. Đó là: giới thiệu cho giáo viên và học sinh về xây dựng Trường học an toàn; thành lập ban quản lý thiên tai của trường học; thực hiện đánh giá mức độ an toàn của trường học; xây dựng và phổ biến kế hoạch trường học an toàn; triển khai thực hiện kế hoạch trường học an toàn; theo dõi, đánh giá và cập nhật kế hoạch trường học an toàn.

Ngoài ra, tại lớp tập huấn, đại diện Ban Giám hiệu và các giáo viên cấp Trung học cơ sở trực tiếp thực hiện tích hợp giáo dục phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của tỉnh Lào Cai được nghe giới thiệu các nội dung liên quan đến phương thức tích hợp, kế hoạch minh họa và thực hành dạy học về giáo dục phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động trong trường học...

Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2024 - 2029. Ngay sau khi chương trình được ký kết, các đơn vị chức năng đã phối hợp triển khai xây dựng kế hoạch năm 2024, 2025 với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Hương Thu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khi-phong-chong-thien-tai-bat-dau-tu-trai-nghiem-thuc-te/373308.html