Khi phụ huynh đồng hành định hướng nghề nghiệp cho con

Định hướng nghề nghiệp là việc rất quan trọng và quyết định sự thành công của mỗi học sinh trong tương lai. Để giúp các em lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, bên cạnh sự định hướng của nhà trường thì gia đình đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.

Học sinh Trường THPT Lang Chánh tham gia buổi tư vấn hướng nghiệp do nhà trường phối hợp tổ chức.

Học sinh Trường THPT Lang Chánh tham gia buổi tư vấn hướng nghiệp do nhà trường phối hợp tổ chức.

Khi biết tin con đậu vào Trường THPT Đông Sơn 1, gia đình chị Lê Thị Cúc, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) vô cùng phấn khởi. Cũng như nhiều phụ huynh, ngay từ đầu, chị Cúc đã định hướng cho con học khối D, với mong ước con sẽ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, qua trao đổi với giáo viên và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con, chị đã có sự thay đổi kịp thời môn học để con sống với niềm đam mê trở thành lương y.

Chị Cúc chia sẻ: “Năm nay cháu bước vào năm thứ nhất Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, không chỉ gia đình mà bản thân cháu phấn khởi lắm. Tôi nghĩ, cần biết lực học, năng lực của con như thế nào để định hướng nghề nghiệp đúng đắn nhất. Không nên ép con phải học trường điểm, ngành “hot”, ngành nghề theo bố mẹ chọn, mà gia đình chỉ định hướng để con phát huy năng lực của mình thì tốt hơn”.

Cùng quan điểm, chị Lê Thị Lan, xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) chia sẻ: “Năm nay con tôi học lớp 11, thay vì ép buộc hay hướng con tới một lĩnh vực cụ thể, tôi thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, tạo động lực cho con trong quá trình học tập. Vì vậy, cháu luôn cảm thấy được yêu thương, tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ ước mơ, dự định trong tương lai của mình”.

Bên cạnh sự trăn trở, lo lắng trong việc định hướng nghề nghiệp phù hợp cho con, vẫn còn phụ huynh dù biết lực học con yếu nhưng vẫn ép con phải thi đại học; chọn những ngành, nghề không đúng sở trường của con. Từ đó gây áp lực cho con, dẫn đến các em thiếu hứng thú, động lực trong học tập, thậm chí có em phải bỏ học giữa chừng, sa ngã vào tệ nạn xã hội.

Chị Hoàng Thị Thoa, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa, cho biết: “Việc chọn ngành nghề của các em học sinh chủ yếu dựa vào cảm tính hoặc theo trào lưu của xã hội, dẫn đến thiếu hứng thú, thiếu động lực và khả năng trong quá trình các em học tập ở môi trường mới. Bằng tình yêu thương, sự quan tâm, các bậc phụ huynh cần hỗ trợ tìm hiểu sở thích, khả năng, cá tính, giá trị nghề nghiệp của con. Tìm hiểu những ngành nghề mà con yêu thích, có khả năng phù hợp. Trên cơ sở đó, phụ huynh cùng con xây dựng kế hoạch cho tương lai để con có cơ sở vững chắc trong việc chọn, theo đuổi nghề nghiệp yêu thích và đam mê. Nguồn cảm hứng, động lực từ phụ huynh chính là “bệ đỡ” tinh thần vững chắc để các con tự tin hơn trên hành trình trở thành người thành đạt trong nghề nghiệp, đóng góp nhiều nhất cho gia đình, xã hội và cộng đồng”.

Học sinh trên địa bàn huyện Thọ Xuân được tư vấn về nghề nghiệp, việc làm tổ chức tại địa phương.

Học sinh trên địa bàn huyện Thọ Xuân được tư vấn về nghề nghiệp, việc làm tổ chức tại địa phương.

Đồng hành cùng phụ huynh, các nhà trường luôn có vai trò quan trọng trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đơn cử, tại Trường THPT Hàm Rồng, để làm tốt việc này, nhà trường phân công giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp. Đội ngũ này luôn được tập huấn bài bản, sát với bối cảnh hiện tại của đất nước và địa phương. Về phía giáo viên chủ nhiệm không chỉ có kiến thức rộng về xã hội mà còn bám nắm tình hình việc làm, nhu cầu xã hội, năng lực của học sinh để tư vấn. Đồng thời thường xuyên phối hợp với phụ huynh bàn luận, phân tích thế mạnh của con em mình, xem học sinh phù hợp ngành nghề nào, ngành nghề đó tương lai ra sao, tiềm lực của gia đình đáp ứng đến đâu trong quá trình học tập và hỗ trợ thế nào khi học sinh ra trường tìm việc làm. Với giáo viên dạy các bộ môn, trong quá trình giảng dạy sẽ dựa vào các yếu tố như tài năng, đam mê, nhu cầu xã hội, yếu tố gia đình để gợi ý, tư vấn các em chọn những ngành nghề phù hợp.

Theo thầy Lường Văn Hoan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng, ngoài thực hiện các giải pháp trên, nhà trường thường xuyên cập nhật thông tin xã hội liên quan đến việc làm, nhu cầu ngành nghề, những quy định mới về tuyển sinh để cung cấp cho học sinh trong các hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Tổ chức cho học sinh tham gia các đợt, buổi tư vấn tuyển sinh do các trường đại học, cao đẳng về địa phương thực hiện công tác hướng nghiệp.

“Định hướng nghề nghiệp không chỉ giúp các em xác định được con đường sự nghiệp mình muốn theo đuổi, mà còn giúp mỗi học sinh phát triển toàn diện. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên phó thác cho nhà trường hoặc để các em “tự bơi”, mà cần giúp con nhận diện được điểm mạnh của bản thân; đưa ra những gợi ý về các ngành nghề tiềm năng, đang trở nên phổ biến, có nhu cầu cao trong tương lai, tạo động lực để con có chí hướng phấn đấu”, thầy Hoan chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/khi-phu-huynh-dong-hanh-dinh-huong-nghe-nghiep-cho-con-32837.htm