Khi 'Quả bom nổ chậm' phát tác

Covid-19 cuối cùng đã phá vỡ 'thành trì' Triều Tiên. Tính đến ngày 17/5, Bình Nhưỡng ghi nhận 1,72 triệu người mắc bệnh và 62 ca tử vong.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Lần đầu tiên từ khi đại dịch bùng phát, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện trên truyền hình cùng chiếc khẩu trang.

Có lẽ, trong giai đoạn trước của đại dịch, Triều Tiên đã có thể kiểm soát được tình hình. Song, với biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao, tình thế đã thay đổi. Ngày 16/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, dịch Covid-19 có thể lây lan nhanh chóng ở Triều Tiên. Bởi, chương trình tiêm chủng tại quốc gia này vẫn chưa được triển khai.

Hiện, với 26 triệu người được cho là chưa tiêm chủng, một cuộc khủng hoảng y tế trong cộng đồng có thể trở thành thảm họa ở Triều Tiên. Một câu hỏi trọng tâm được đặt ra là: Tại sao Triều Tiên quyết định công bố với thế giới về đợt bùng phát này?

Triều Tiên nổi tiếng với những chương trình thử nghiệm tên lửa hạt nhân. Song, hệ thống y tế tại quốc gia này được cho là thiếu thiết bị hiện đại. Ngoài ra, nước này hầu như không có cơ sở chăm sóc đặc biệt.

Yếu tố này có thể làm trầm trọng thêm tình hình dịch bệnh tại Triều Tiên. Bình Nhưỡng thiếu cơ sở hạ tầng để chăm sóc những người nhiễm bệnh, cũng như năng lực xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.

Bằng cách công bố sự bùng phát Covid-19 với thế giới, Triều Tiên được dự đoán là đang mở rộng cánh cửa để nhận viện trợ. Nếu có bất kỳ hy vọng nào, thì đó là mức độ nghiêm trọng của thảm họa sẽ thúc đẩy chính phủ hành động. Covid-19 đã lây lan nhanh chóng đến mức, hầu hết các quốc gia đều ghi nhận ca mắc bệnh.

Như thường lệ, có rất ít điều mà các quốc gia có thể làm, ngoài việc viện trợ, với hy vọng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ chấp nhận. Việc hàng triệu người dân Triều Tiên chưa được tiêm phòng Covid-19 đồng nghĩa rằng, virus có nhiều khả năng tạo ra những đột biến tiềm ẩn nguy hiểm.

Từ đó, dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể có nguy cơ gây chết người, hoặc làm mất khả năng miễn dịch mà thế giới có được thông qua tiêm chủng và mắc bệnh.

Theo các chuyên gia, trong thời điểm này, Bình Nhưỡng có thể tạm thời được nới lỏng các miễn trừ trừng phạt. Nhờ đó, giúp việc nhập khẩu thiết bị y tế và hoạt động của các chuyên gia y tế nước ngoài dễ dàng hơn.

Song, quan điểm này đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Bởi, các biện pháp trừng phạt là đòn bẩy duy nhất chống lại chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.

Vừa qua, theo website Liên Hợp Quốc, FAO - cơ quan có nhiệm vụ giải quyết nạn đói trên thế giới - đã nhận được lệnh miễn trừ trừng phạt quốc tế đối với việc vận chuyển máy móc và sản phẩm nông nghiệp tới Triều Tiên.

Đây là lần miễn trừ thứ tư được ban hành trong năm nay. Có lẽ, mọi quyết định đưa ra sẽ phụ thuộc vào mối đe dọa ở Triều Tiên được đánh giá là có mức độ như thế nào đối với thế giới.

Trọng Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/khi-qua-bom-no-cham-phat-tac-AYTUXBung.html