Sự việc diễn ra vào ngày 23/8 khi "Rồng lửa" S-300 của Hy Lạp được triển khai trên đảo Crete đã khóa mục tiêu vào các máy bay phản lực F-16 Thổ Nhĩ Kỳ đang bay ở độ cao hơn 3.000 m ở phía tây đảo Rhodes, các nguồn tin quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Động thái trên "không phù hợp với tinh thần của liên minh (NATO)", các nguồn tin nói thêm. "Bất chấp hành động thù địch này, các máy bay phản lực Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch và trở về căn cứ một cách an toàn".
Thổ Nhĩ Kỳ những tháng gần đây liên tục phàn nàn về những gì họ gọi là hành động khiêu khích của Hy Lạp, nói rằng những động thái như vậy làm suy yếu các nỗ lực hòa bình.
Hai quốc gia láng giềng NATO có tranh chấp biên giới trên biển và trên không từ lâu, dẫn đến các cuộc tuần tra và đánh chặn gần như hàng ngày chủ yếu xung quanh các hòn đảo của Hy Lạp gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Athens cáo buộc Ankara cố ý bay qua những hòn đảo của mình. Thổ Nhĩ Kỳ thì cáo buộc Hy Lạp đang đóng quân trên các đảo ở biển Aegean, vi phạm các hiệp ước hòa bình được ký kết sau Thế chiến I và II.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cắt đứt đối thoại sau khi cáo buộc rằng Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã vận động hành lang chống lại việc Mỹ bán vũ khí cho đất nước ông.
Washington đã trừng phạt Ankara vì đã nhận chuyển giao một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Nga vào năm 2019. Giao dịch này khiến Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích tấn công chung F-35.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phát đi tín hiệu rằng Mỹ sẵn sàng bỏ qua các tranh cãi và đã có một số cuộc đàm phán về việc mua tiêm kích F-16 diễn ra giữa hai bên.
Các nguồn tin Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Hy Lạp cũng đã mua hệ thống phòng không do Nga sản xuất, qua đó cáo buộc các nước phương Tây theo đuổi chính sách hai mặt.
Hy Lạp là quốc gia duy nhất thuộc khối quân sự NATO sở hữu hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Nga sản xuất.
Quân đội Hy Lạp hiện có 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không thuộc phiên bản S-300PMU-1 với 12 bệ phóng tự hành.
Thực tế thì các hệ thống S-300 mà Hy Lạp đang sử dụng được mua bởi Síp năm 1996
S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất.
Liên Xô triển khai hệ thống này lần đầu năm 1979 nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận của nước này phòng thủ trước những cuộc không kích từ kẻ thù.
S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km.
S-300 cũng sở hữu sức mạnh ngăn chặn cả chiến đấu cơ tàng hình.
"S-300 là hệ thống phòng không hàng đầu của Nga", ông Robert Hewson, cây bút từ tạp chí quốc phòng IHS Janes, bình luận.
"Đây là hệ thống phòng thủ đủ khả năng bắn hạ bất kỳ loại tên lửa hay mẫu chiến đấu cơ tiên tiến nào", ông nhấn mạnh.
Hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó.
Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.
Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút. Các tên lửa S-300 được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt quá trình sử dụng.
Quy trình hoạt động cơ bản của một hệ thống S-300 gồm 4 bước. Đầu tiên, các radar giám sát tầm xa xác định mục tiêu và chuyển tiếp thông tin về các xe chỉ huy để tiến hành đánh giá, phân tích.
Sau khi xác nhận mục tiêu, xe chỉ huy truyền lệnh bắn tới radar điều hướng. Khi tiểu đoàn ở vị trí tốt nhất nhận được lệnh bắn này, họ lập tức khai hỏa tên lửa đất đối không.
Radar điều hướng giúp dẫn tên lửa tới chính xác mục tiêu cần tiêu diệt.
S-300 có nhiều phiên bản nâng cấp được trang bị những loại tên lửa, radar khác nhau với khả năng chống các phương pháp tấn công điện tử tốt hơn, tầm bắn xa hơn và ứng phó với nhiều tình huống hơn.
Hiện có dòng biến thể chính gồm: S-300V, S-300P và S-300F. Mỗi dòng này lại chia ra nhiều loại với từng tính năng riêng biệt.
Việt Hùng