Khi ranh giới trường đại học công - tư thu hẹp

Trường tư thục nào đảm bảo chất lượng đào tạo và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được thí sinh chọn học. Ảnh: THÚY HẰNG

Kết quả tuyển sinh đại học năm 2019 cho thấy, nhiều trường đại học tư thục dù có điểm chuẩn đầu vào rất cao, học phí cũng cao so với các trường công lập, nhưng vẫn thu hút rất nhiều thí sinh chọn học. Điều này cho thấy, cái nhìn của xã hội về trường tư thục đã thay đổi.

Trước đây, nhiều người thường có định kiến trường tư thục luôn yếu kém, cực chẳng đã rớt trường công thì mới chọn trường tư. Bây giờ thì khác, nhiều thí sinh mạnh dạn chọn trường tư để theo học đúng với ngành nghề yêu thích.

Điểm chuẩn cao vẫn hút thí sinh

Hầu như chưa khi nào điểm chuẩn của các trường đại học tư thục vượt qua ngưỡng 20 điểm đối với các tổ hợp xét tuyển (3 môn mỗi tổ hợp). Tuy nhiên, năm 2019, các trường đại học tư thục lại thu hút được nhiều thí sinh có điểm thi khá cao tham gia xét tuyển.

Điển hình là Trường đại học Nguyễn Tất Thành có điểm chuẩn cao nhất trong hệ thống khi ngành Y khoa lấy 23 điểm (điểm sàn của Bộ GD-ĐT là 21 điểm), kế đến là các ngành Dược học 20 điểm, Y học dự phòng 18 điểm, Điều dưỡng 18 điểm, Kỹ thuật xét nghiệm y học 18 điểm. Những ngành còn lại có điểm chuẩn từ 15-17 điểm. So với năm 2018, điểm chuẩn của trường tăng 1-3 điểm.

Bây giờ đâu ai dám khẳng định chất lượng trường công sẽ cao hơn trường tư? Đã là thị trường cạnh tranh thì trường nào không có chất lượng thì người học sẽ không chọn dù là trường tư hay trường công. TS Nguyễn Viết Khuyến, Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học

Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh - một trong những trường tư thục được nhiều thí sinh Phú Yên tham gia xét tuyển, năm nay điểm chuẩn trúng tuyển của trường này khá cao từ 17-20 điểm. Thí sinh Lê Thành Trung ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa cho hay: Điểm thi THPT quốc gia của em là 22,5 điểm. Em nghĩ với số điểm này sẽ trúng tuyển vào một số ngành thuộc lĩnh vực kinh tế của Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Ai dè các ngành mà em chọn đều có điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn số điểm của em nên em không trúng tuyển trong đợt 1.

Với số điểm này em có thể dễ dàng chọn một trường đại học công lập nào đó để theo học, nhưng em chọn Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh để theo học ngành Thương mại điện tử. “Tuy là trường tư thục nhưng đây là trường có thế mạnh đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế; chất lượng đào tạo của trường cũng được các nhà tuyển dụng đánh giá cao nên em chọn học để đảm bảo đầu ra”, Trung nói.

Trong khi nhìn lại khối trường công lập, dù năm nay kết quả điểm thi cao hơn năm 2018 và phổ điểm rất thuận lợi cho xét tuyển nhưng kết quả điểm chuẩn lại không khá hơn. Không ít trường đại học công lập tại TP Hồ Chí Minh, một số ngành có điểm chuẩn 14-15 điểm cũng không tuyển đủ chỉ tiêu. Còn đối với các trường đại học địa phương, đại học vùng, điểm chuẩn chỉ 13-14 điểm vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Cạnh tranh bằng chất lượng

Cuộc khảo sát mới đây do PGS-TS Phạm Thị Huyền, Trưởng nhóm khảo sát các trường đại học tư thục (Bộ GD-ĐT), cho thấy: “Cơ sở vật chất là điểm mạnh đáng tự hào, kể cả khi so sánh với nhiều trường đại học công lập. Về đội ngũ giảng dạy, các trường đã có sự chuyển biến, phát triển về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, quy mô và ngành nghề đào tạo của các trường cũng ngày một mở rộng theo hướng trường đa ngành”.

Tại chương trình tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy phát triển đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” do Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông và Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tại Phú Yên vừa qua, TS Nguyễn Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), chia sẻ: “Hiện nhiều trường tư thục đã đủ tạo ra một thị trường cạnh tranh, tạo cho sinh viên cơ hội lựa chọn học tập tùy theo năng lực. Bây giờ đâu ai dám khẳng định chất lượng trường công sẽ cao hơn trường tư? Đã là thị trường cạnh tranh thì trường nào không có chất lượng thì người học sẽ không chọn dù là trường tư hay trường công”.

Thực tế cho thấy, nếu như trước đây các trường đại học tư thục chỉ biết đào tạo, bỏ trống nghiên cứu khoa học thì nay đã có sự khác biệt đáng kể. Trong năm 2018, 2019, các trường như đại học Duy Tân, đại học Nguyễn Tất Thành... lọt vào tốp đầu của Việt Nam về số bài đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới, nhiều ngành đã kiểm định theo chuẩn khu vực.

Nhiều trường tư thật sự có tầm nhìn vì họ biết không có chất lượng thì sẽ không thể tồn tại lâu dài. Nhờ đó, nhiều trường tư hiện nay cạnh tranh sòng phẳng với các trường đại học công lập bằng cách công khai, minh bạch thông tin về chính sách chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng để người học lựa chọn.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/228483/khi-ranh-gioi-truong-dai-hoc-cong-tu-thu-hep.html